Bí thư Vương Đình Huệ: Tô Lịch phải là mẫu mực của tình hợp tác Việt Nam - Nhật Bản
Dự án xử lý nước thải sông Tô Lịch được xác định trong Nghị quyết Đảng bộ Thành phố phải thay đổi toàn diện về vấn đề môi trường - Một vấn đề dân sinh bức xúc trong thời gian dài của người dân quanh khu vực này và là công trình mẫu mực của tình hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản.
- "JVE chưa bao giờ từ bỏ dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch"
- Chủ tịch JVE: “Công viên Lịch sử - Văn Hoá – Tâm linh Tô Lịch” là dịch vụ công ích
- Công nghệ Nano Bioreactor biến nước sông Tô Lịch thành nước có thể tắm
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết "Thành ủy, lãnh đạo thành phố mong muốn, tin tưởng cán bộ, công nhân, người lao động tại dự án phấn đấu nỗ lực không ngừng hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2021 và đặt quyết tâm đây là công trình mẫu mực của tình hữu nghị hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản".
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ kiểm tra và chúc tết người lao động đang thực hiện dự án xử lý nước thải sông Tô Lịch.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, vấn đề môi trường hết sức quan trọng đối với thành phố. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII cũng đã xác định phải tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong vấn đề môi trường. Bên cạnh mục tiêu 5 năm tới phải đảm bảo cung cấp nước sạch đến 100% các hộ dân, thành phố cũng phải nâng tỷ lệ nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý lên từ 50 - 55%.
"Môi trường là vấn đề cấp bách, đặc biệt quan trọng của thành phố đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp kiên trì, lâu dài, nhưng có những công trình phải xác định đầu tư không hối tiếc, hành động ngay để tạo chuyển biến căn bản", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Nêu rõ tầm quan trọng của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc về chất lượng môi trường, chất lượng nước, chất lượng cuộc sống của người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn phải triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, thi công mẫu mực, đưa công trình về đích đúng hẹn.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có quy mô, tổng mức đầu tư và công suất lớn, không được để lãng phí. Bí thư Thành ủy giao cho ngành xây dựng và ngành tài nguyên và môi trường phải tính toán đầu tư đồng bộ các công trình dự án để không xảy ra việc xây dựng các công trình thoát nước mà thiếu nước để thoát, xây dựng công trình xử lý nước thải mà không có nước thải để xử lý.
Bí thư Thành ủy đề nghị có kế hoạch sử dụng nước sau xử lý ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và các nhà máy xử lý nước thải khác trên địa bàn phục vụ sản xuất cho nông nghiệp vì Việt Nam hiện đang thiếu nước khi 60% nhu cầu sử dụng nước sản xuất phụ thuộc vào các dòng sông.
Đối với kiến nghị của Ban quản lý dự án, Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo Ban quản lý, các sở ngành làm rõ các vướng mắc, bất cập của các nhà thầu thi công và cả nhà thầu tư vấn để báo cáo Đại sứ quán Nhật Bản và lãnh đạo thành phố để chấm dứt các yếu kém, bảo đảm tiến độ và chất lượng của công trình.
Theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hùng, dự án hệ thống xử lý nước thải thành phố Hà Nội có tổng mức đầu tư 16.293.444 triệu đồng với quy mô đầu tư xây dựng gồm: xây dựng nhà máy xử lý nước thải trên phạm vi lưu vực (S2) khoảng 4.874 ha (dân số đến năm 2020 khoảng 900.000 người).
Về tiến độ triển khai thực hiện dự án, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khu vực nhà máy; hoàn thành việc thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình, hoàn thành lựa chọn nhà thầu cho 4 gói thầu xây lắp chính của dự án và đã triển khai thi công ngoài thực địa từ tháng 1/2019.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, dự án đã tiết kiệm được 1.500 tỉ đồng qua đấu thầu so với vốn theo Hiệp định hợp tác cho vay vốn của Nhật Bản với Việt Nam.
Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, thành phố Hà Nội sau khi hoàn thành sẽ cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ bằng cách phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải sinh hoạt.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, ngoài dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá cần nghiên cứu thêm dự án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, dự án xử lý bùn, rác thải sau thu gom, đồng thời, thực hiện việc kết nối giao thông, tạo cảnh quan trên cống bao sông Tô Lịch, sông Lừ để phát huy hiệu quả tổng thể của dự án.
Kiểm tra tại công trường xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính tại nút giao đường Nguyễn Đình Hoàn - Hoàng Quốc Việt, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, đây là một dự án môi trường cấp bách, do vậy phải đảm bảo đúng tiến độ thi công đã ký kết (48 tháng) và đảm bảo chất lượng cao nhất, là biểu tượng cho sự hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Bí thư Vương Đình Huệ kiểm tra hiện trường dự án.
Ghi nhận những kiến nghị của đơn vị thi công, Bí thư Thành ủy chỉ đạo các sở, ngành liên quan và quận Cầu Giấy phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công, tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai dự án đảm bảo tiến độ.
Được biết, khu vực sông Tô Lịch cũng đã được thí điểm thành công việc xử lý nước thải bằng công nghệ Bio-Nano của Nhật Bản do Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ Việt Nhật.
Bên cạnh đó, Công ty JVE) cho biết đã gửi đến Thành ủy, UBND TP.Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Đơn vị này cho rằng nhiều năm qua, sông Tô Lịch luôn bị coi là “dòng sông chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chưa có giải pháp nào xử lý hữu hiệu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty JVE, cho biết theo giải pháp tổng thể do đơn vị này phối hợp đối tác phía Nhật Bản xây dựng, đề án không đơn thuần là xử lý môi trường mà còn xây dựng hệ thống cảnh quan công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh.
Chủ tịch JVE Groups Nguyễn Tuấn Anh.
"Đặc biệt là đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Hệ thống này tương tự hệ thống chống ngập tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản" ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Công ty JVE cho hay để làm hồi sinh sông Tô Lịch, cần có giải pháp tổng thể về các vấn đề: thu gom nước thải; bổ cập nước cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để nguồn gốc gây ra mùi hôi thối; xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão; bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận