Khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Tại nhiều thành phố lớn, hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp. Nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở.
Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có ít nhất 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
VARS nhấn mạnh, tình trạng hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang là một vấn đề cần được quan tâm và giải quyết kịp thời. Việc triển khai các giải pháp phù hợp để “đánh thức" loại hình này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai mà còn góp phần cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.
Để giải quyết tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, cần thực hiện đồng bộ một loạt các biện pháp cụ thể. Cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư. Các khu vực này cần được kết nối tốt với trung tâm thành phố và có đầy đủ hạ tầng, dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, chợ và các tiện ích khác.
Cần có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng các dự án tái định cư. Nhất là việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng để bảo đảm chất lượng và an toàn.
Đồng thời, thúc đẩy thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai (sửa đổi) với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất. Nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thuộc trường hợp Nhà nước thu đất.
Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, tư vấn và đào tạo nghề để giúp người dân thích nghi với cuộc sống mới. Khuyến khích người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư, bảo đảm các dự án tái định cư được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.
Đối với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai. Đối với các dự án đã hoàn thiện và chưa được sử dụng có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, lãnh đạo các thành phố cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.
“Bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống”, VARS khuyến nghị.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng