Các biểu tượng ứng dụng mạng xã hội trên màn hình điện thoại di động.
Theo Hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11/1 cho rằng việc thiết lập các nguyên tắc quản lý về tự do ngôn luận phải là công việc của các nghị sĩ chứ không phải quyền của các hãng công nghệ tư nhân như Facebook hay Twitter.
Đồng tình với quan điểm của bà Merkel, ông Clement Beaune, bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Chính phủ Pháp, cho biết ông "sốc" khi thấy các công ty tư nhân đưa ra một quy định quan trọng như vậy.
"Điều này nên do các công dân quy định chứ không phải các CEO", ông Clement Beaune bình luận với kênh truyền hình Bloomberg TV ngày 11/1.
Sau cuộc xâm nhập tại tòa nhà Quốc hội hôm 6-1, nhiều mạng xã hội đã có những động thái phi tiền lệ: tuyên bố đình chỉ hoạt động các tài khoản của Tổng thống Trump.
Sau Twitter, các mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, Snapchat và Twitch cũng đều tuyên bố dừng hoạt động tài khoản của đương kim tổng thống Mỹ, trong đó giống như Twitter, Snapchat và Twitch cũng tuyên bố đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump.
Facebook và Instagram (thuộc sở hữu của Facebook) đình chỉ tài khoản của ông Trump ít nhất tới hết nhiệm kỳ tổng thống (tức ngày 20/1).
Mạng chia sẻ video YouTube công bố những quy định mới nhằm siết lại việc ngăn chặn thông tin sai, tin giả, giúp người xem dễ dàng xác minh được những thông tin sai về bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Chưa rõ ông Trump có tham gia hoạt động trên các diễn đàn Reddit hay ứng dụng TikTok không, nhưng Reddit cũng đã cấm hoạt động của tiểu mục thông tin "r/DonaldTrump", còn TikTok thay đổi đường dẫn của những mã chủ đề (hashtag) liên quan tới cuộc bạo loạn 6/1.
Sự việc chưa dừng ở đó, sau các biến cố hỗn loạn ngày 6/1, ứng dụng mạng xã hội Parler, một nền tảng yêu thích của những người ủng hộ ông Trump, đã bị xóa khỏi gian hàng ứng dụng App Store của Apple và cũng bị Amazon gỡ khỏi các dịch vụ điện toán của họ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận