Cửa hàng tạp hóa di động từ cải tạo xe buýt cũ. Ảnh: dispatchlive.co.za
Khi Sidney Beukes nhận giấy phép điều khiển xe buýt, anh chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh mình lái một xe buýt trường học đã có 40 năm sử dụng được cải tạo thành một cửa hàng tạp hóa di động để phục vụ những cư dân có thu nhập thấp ở thành phố Johannesburg của Nam Phi.
Dù phải lái chiếc xe cọc cạch và cũ kỹ, nhưng Beukes vẫn cảm thấy rất hạnh phúc mỗi khi có khách hàng lên xe để mua những món đồ mà họ không thể mua ở cửa hàng đơn giản vì giá ở đó đắt hơn.
Cửa hàng tạp hóa di động của anh Beukes, có tên 'Skhaftin' (có nghĩa là hộp cơm trưa) nằm trong sáng kiến hỗ trợ những người có thu nhập thấp và vừa bảo vệ môi trường do nhà hoạt động Ilka Stein khởi xướng.
Việc Nam Phi áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ tháng 3/2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng triệu người. Đến tháng 4/2020, 3 triệu người ở Nam Phi thất nghiệp và cứ 5 người thì có 1 người có nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nam Phi, tỉ lệ thất nghiệp của nước này trong quý IV/2020 tăng ở mức kỷ lục là 32,5%, đồng nghĩa có 7,2 triệu người đã mất việc.
Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm là một vấn đề cấp bách ở thành phố Johannesburg, nơi nhiều gia đình gồm những người lao động nhập cư và người tị nạn thất nghiệp. Họ sống chen chúc cùng nhau trong một căn phòng và chật vật mưu sinh qua ngày.
Bên cạnh đó, một thách thức khác là vấn đề ô nhiễm khi người dân phàn nàn về thực trạng thiếu các phương tiện thu thập và xử lý rác thải, dẫn tới người dân đổ rác ra đường hoặc trong công viên.
Trước tình hình trên, nhà hoạt động Stein đã lên mạng xã hội, kêu gọi các doanh nhân xã hội nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo nhằm giúp cộng đồng vượt qua những tác động nghiêm trọng do đại dịch gây ra, nhất là một giải pháp bền vững đảm bảo nguồn cung lương thực và bảo vệ môi trường.
Mô hình mua xe buýt cũ và cải tạo thành cửa hàng tạp phẩm lưu động phục vụ người có thu nhập thấp đã ra đời từ đó. 12 người đã ủng hộ lời kêu gọi của Stein và tham gia vào dự án này. Ghế trên xe buýt được tháo ra để lấy chỗ đặt giá đỡ và kệ đựng rau xanh, đỗ, các loại gia vị và ngũ cốc.
Cứ 3 ngày/tuần, xe buýt đỗ ở những khu vực khác nhau trong thành phố Johannesburg, nơi nhóm làm việc chia sẻ với khách hàng về mục đích của dự án này và khuyến khích họ mang đồ đựng thức ăn theo khi đi mua hàng nhằm hạn chế rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
Chị Ngcukana, một chủ tiệm bán quần áo cũ, cho biết hằng tuần chị đều đến mua hàng trên xe Skhaftin vì đồ ở đây tươi, sạch và giá cả phù hợp, giúp chị tiết kiệm tiền mà không phải đến các trung tâm mua sắm. Trong khi đó, chị Thili cho biết việc mua hàng ở cửa hàng tạp hóa di động này đã giúp chị tiết kiệm tới 500 rand (36 USD)/tháng.
Sáng kiến này của chị Ilka Stein cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền thành phố Johannesburg. Chị hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng tới các trường học, thị trấn và làng mạc khác ở Nam Phi nhằm giúp người có thu nhập thấp, đồng thời bảo vệ môi trường.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận