Gắn phát triển du lịch sinh thái với bảo vệ rừng Đồng Sơn-Kỳ Thượng
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng (TP Hạ Long, Quảng Ninh) được ví như “nàng công chúa” bởi vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên. Hệ sinh thái đa dạng, hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm cùng phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây chính là “món quà” quý giá thiên nhiên ban tặng, cũng là tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
- Phượng Hoàng tung cánh - 12 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn HASCO
- Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông: Nơi hội tụ nhiều điều mới lạ
Vùng đất nhiều tiềm năng
Nằm ngay trên địa bàn TP Hạ Long, với diện tích tự nhiên 15.593,8ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có thể ví như một “lá phổi xanh” cho cả một vùng, không cần đi vào quá sâu, vài bước chân nơi cửa rừng đã là một bầu không khí trong lành, tinh khiết.
Nơi đây chứa đựng những giá trị đặc biệt trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... và là nơi lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.
Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học tại KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng có 546 loài, thuộc 332 chi của 97 họ các loài cây thân gỗ khác nhau. Đối với nhóm thực vật thân thảo cũng rất phong phú với tổng 617 loài, thuộc 380 chi của 119 họ.
Ở đây còn là môi trường sống của 64 loài thực vật quý hiếm thuộc 52 chi, 38 họ, trong đó, có 43 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 31 loài được ghi trong Danh mục sách đỏ của IUCN. Bên cạnh đó, trong Khu bảo tồn với nhiều cây thuốc, trong đó, có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, với 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 330 chi, 125 họ khác nhau.
Bên cạnh giá trị đa dạng sinh học, một giá trị nữa cũng rất đặc sắc của Khu bảo tồn chính là giá trị cảnh quan. Trong Khu bảo tồn, các cánh rừng tự nhiên được đan xen bởi hàng trăm con suối, thác nước lớn nhỏ, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình.
Đi bộ dưới những tán cây rừng, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối reo, vượt đèo, băng thác, chinh phục đỉnh Thiên Sơn ở độ cao 1.096m so với mực nước biển hay khám phá những đỉnh cao mây phủ như Khe Ru, Đèo Kinh, Đồng Trà, Am Váp... là những hành trình đầy ấn tượng.
Thiên nhiên ưu đãi, Đồng Sơn-Kỳ Thượng xưa kia đã được người Pháp để mắt, xây dựng điền viên, biệt thự nghỉ dưỡng. Các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc ở Kỳ Thượng cũng có thể trở thành những sản phẩm du lịch ấn tượng, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Hạ Long.
Ngày nay, đường đến đây còn thuận lợi hơn nhiều bởi con đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn mở ngay dưới chân dãy núi Thiên Sơn. Ngoài ra còn những dự án tầm cỡ như Quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch Safari Hạ Long, Đường nối cầu Cửa Lục 1,2 với Kỳ Thượng đang dần thành hình.
"Giấc mơ" đưa nơi "thâm sơn cùng cốc" này lên bản đồ du lịch, kết nối với vịnh Hạ Long danh tiếng không còn xa. Với những tiềm năng sẵn có, Đồng Sơn-Kỳ Thượng được kỳ vọng là mảnh đất màu mỡ để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm… Nơi đây được ví như “nàng công chúa” Đồng Sơn-Kỳ Thượng đang chờ được đánh thức.
Phát triển gắn liền với bảo tồn
Dù “mỏ vàng” còn chưa được khai thác, nhưng định hướng của TP Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung phải là sự phát triển bền vững của “lá phổi xanh” này.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế Khu Bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng, cũng như nâng cao giá trị từ rừng, tạo việc làm và thu nhập cho đồng bào dân tộc hiện đang sinh sống và canh tác ở một số vùng nằm trong Khu bảo tồn, Quảng Ninh xác định nhhững giải pháp phù hợp đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa gìn giữ bảo tồn gắn với phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững.
Đồng Sơn-Kỳ Thượng được kỳ vọng là mảnh đất màu mỡ để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của Ban quản lý KBTTN Đồng Sơn-Kỳ Thượng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030.
Trong đó, mục tiêu chung của phương án này chính là xã hội hóa, thực hiện đồng bộ các hoạt động bảo tồn các hệ sinh thái rừng hiện có, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm và tính đa dạng sinh học của rừng.
Bên cạnh công tác bảo tồn cần khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng, giá trị di tích lịch sử, văn hóa địa phương và các nguồn lực để phát triển du lịch, tạo việc làm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, giữ vững trật tự xã hội và an ninh quốc phòng.
Phương án cũng đưa ra những giải pháp thực hiện cụ thể về tên gọi, tổ chức bộ máy quản lý, công tác chỉ đạo, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, các phương án phối hợp giữa các bên liên quan, áp dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ và phát triển rừng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn…
Ông Ngọc Lê Huy, Giám đốc Khu bảo tồn tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính “sống còn” đối với đơn vị đó là thường xuyên tuần tra, giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích khu bảo tồn, đặc biệt là vùng lõi với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đang sinh trưởng. Đồng thời, đơn vị đang hoàn thiện báo cáo thực trạng và giải pháp quản lý, quy hoạch, phát triển theo hướng bền vững. Để bảo vệ rừng ngoài quyết tâm cao, tình yêu rừng, chúng tôi còn tích cực phối hợp với người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng bằng những hình thức như tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về những lợi ích của việc bảo vệ rừng...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận