Làng văn hoá các dân tộc: Thu hút khách về với “Ngôi nhà chung”
Các hoạt động hằng ngày, cuối tuần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đã được xem là chìa khóa để các công ty lữ hành giới thiệu, thu hút khách tới Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Những tín hiệu vui
Vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Quản Lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đã nhấn mạnh trọng tâm trong hoạt động của Làng là thu hút khách về với Ngôi nhà chung, chú trọng công tác quảng bá, kết nối với các hãng lữ hành và khách lẻ để thu hút du khách, coi đây là điểm đến hấp dẫn đáng lựa chọn.
Còn trên mạng xã hội thời gian gần đây, rất nhiều bạn trẻ đã chia sẻ những bức ảnh tạo dáng cùng các không gian văn hóa đặc trưng tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam như nhà Rông, Tháp Chăm, tháp Chàm… Với những lời chia sẻ “Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là đã có những bức ảnh siêu đẹp” được cư dân mạng hưởng ứng nhiệt tình.
Tái hiện lễ hội tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Vào dịp cuối tuần, chuyến xe buýt 107 nối từ trung tâm thành phố Hà Nội tới Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam hầu như lúc nào cũng đông khách. Từ các bạn học sinh, sinh viên, các bạn trẻ đi chơi cuối tuần tới các cô bác xúng xính áo dài lên tham quan Làng. Tại Làng, rất nhiều đoàn khách từ các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình cũng tổ chức các tour du lịch tới đây để vãn cảnh, dã ngoại, giao lưu văn hóa cùng đồng bào các dân tộc. Vào những dịp lễ, tết, lượng khách đến Làng tăng đột biến. Theo thông tin từ Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong tháng 4, trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, Làng đón 12,6 nghìn lượt khách. Cao điểm nhất là đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2018, tổng số khách lên Làng đạt khoảng 16 nghìn khách. Hiện nay, trung bình vào các dịp cuối tuần, có khoảng 8 nghìn khách lên Làng Văn hóa. Mỗi tuần, “Ngôi nhà chung” đón trung bình từ 20 - 25 nghìn khách lên làng.
Lần thứ ba tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, ấn tượng của chị về nơi đây đều tốt và tích cực hơn so với lần trước. Chị chia sẻ, giờ mọi người quan tâm đều có thể theo dõi qua nhiều kênh khách nhau để cập nhật các chương trình, lễ hội để chủ động sắp xếp lịch trình. Các lịch hoạt động cố định hàng ngày và điểm nhấn dịp cuối tuần cũng giúp du khách ở các địa phương như chị có thể tham gia mà không lo ngại bỏ công đi đường xa lên mà không được trải nghiệm văn hóa. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức các sự kiện gắn với khung cảnh các làng văn hóa dân tộc, trong không gian mở thay vì sân khấu hóa cũng làm cho những cảm nhận của du khách chân thật và sống động hơn.
Du khách đến với "Làng" |
Kết nối để thu hút khách
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch đánh giá, trong thời gian qua, việc đầu tư không gian văn hóa, trồng cây cối xanh tươi hơn, sự kiện được tổ chức thường xuyên và bài bản, hệ thống dữ liệu và thông tin của hàng đã đến được với doanh nghiệp lữ hành nên hoạt động đưa khách về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức tốt. Bên cạnh dòng khách do các công ty lữ hành – vốn là dòng khách chủ đạo thì Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng, thu hút dòng khách lẻ thông qua quảng bá, tổ chức các sự kiện.
Trong các chương trình tour du lịch đã coi Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là một phần lịch trình không thể thiếu trong hành trình tham quan một ngày tại ngoại thành Hà Nội hay tổ chức các tuor du lịch học đường. Không ít các công ty lữ hành đã chào mời các sản phẩm tour du lịch, trong đó có các hành trình thăm quan dã ngoại học tập, giới thiệu văn hóa đặc sắc của các vùng miền tại Làng văn hóa – Du du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Khu các làng dân tộc, 64% lượng khách hiện nay lên Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là do các công ty lữ hành gửi khách lên, trong đó có lượng khách đông đảo nhất là học sinh, sinh viên tham gia theo các tour dã ngoại. Tới mỗi ngôi làng, các em sẽ giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em trong cả nước trải dài từ Bắc đến Nam như hệ thống nhà rông, nhà sàn, phong tục tập quán ma chay, cưới hỏi, các nghi lễ tôn giáo, các trang phục đặc trưng của mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam. Với những không gian rộng rãi, thoáng đãng, các bạn học sinh được đi thăm quan chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên, tham gia các hoạt động dã ngoại, tổ chức chương trình vui chơi, hát, kể chuyện, đố vui, trò chơi khoa học lý thú phù hợp với lứa tuổi…
Từ xác định, đối tượng, thị trường khách học sinh, sinh viên, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng đồng bào và các công ty lữ hành thiết kế, hoàn thiện và thực hành một số sản phẩm du lịch học sinh phù hợp gắn với trải nghiệm và hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng mang đặc trưng riêng của Làng phù hợp với môi trường cảnh quan và chất liệu văn hóa dân tộc cùng các chủ thể văn hóa là người truyền cảm hứng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: Chúng tôi xác định nhóm khách này vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của Làng để các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc không chỉ được bảo tồn, giới thiệu mà còn phát huy, nhất là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, đang rất cần dung dưỡng vốn kiến thức thực tế, tri thức dân gian, giá trị văn hóa truyền thống được đúc rút từ các nghệ nhân, đồng bào. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ không chỉ với vai trò là du khách mà còn là những nhân vật tham gia trải nghiệm sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá văn hóa dân tộc, quảng bá tới cộng đồng và bạn bè quốc tế hiệu quả.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận