Điện mặt trời đang bị ngưng trệ?
Nhiều doanh nghiệp (DN) lẫn người dân "ngã ngửa" khi đã lắp rồi mới hay không thể hòa lưới, các hợp đồng mua bán điện với EVN tạm thời "đóng băng" khiến DN cũng không biết phải xử lý thế nào.
- Hướng đi nào cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
- Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo nhận được khoản đầu tư lớn từ ADB
- Khai mạc tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2019
Công nhân lắp đặt điện mặt trời trên mái một cao ốc tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Hưởng ứng chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời của Chính phủ, nhiều người đã bỏ tiền đầu tư. Nhưng nếu thời điểm này lắp xong, điện mặt trời trên mái nhà sẽ phải chờ đợi bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không ký hợp đồng mua bán điện (PPA), chưa lắp côngtơ đo đếm hai chiều.
Nhà đầu tư bất ngờ...
Lý do xuất phát từ văn bản yêu cầu tạm ngưng thỏa thuận, ký hợp đồng mua bán điện của Bộ Công thương vào ngày 16-12-2019 khiến EVN phải ra một văn bản "nối đuôi" đến các đơn vị thành viên yêu cầu tạm ngừng ký kết các thỏa thuận kỹ thuật.
Một DN chuyên lắp điện mặt trời ở TP.HCM cho hay nhiều DN lẫn người dân "ngã ngửa" khi đã lắp rồi mới hay không thể hòa lưới, các hợp đồng mua bán điện với EVN tạm thời "đóng băng" khiến DN cũng không biết phải xử lý thế nào.
Trong khi đó, một DN khác lại rất lo lắng khi những hợp đồng lắp đặt đã ký nay buộc phải ngưng trệ, thậm chí có những hộ gia đình nằng nặc hủy hợp đồng.
Nhiều người dân và DN đầu tư điện mặt trời trên mái nhà cho rằng văn bản tạm ngưng thỏa thuận, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái quá bất ngờ. Thực tế, suốt một năm qua, điện mặt trời đã chịu bao phen trắc trở từ chính sách khiến thị trường lúc xôm tụ, khi ảm đạm.
Mất gần nửa đầu năm 2019, thị trường phát triển lèo tèo, người dân không thể nhận tiền mua bán điện do chưa có cơ chế thanh toán, vướng mắc về thuế, hóa đơn. Khi điểm nghẽn này được tháo gỡ thì lại rơi vào khoảng thời gian người dân lắp, ghi nhận chỉ số điện nhưng vẫn không được thanh toán do chưa có giá mới thay thế giá cũ đã hết hiệu lực từ 30-6.
Không nên "nhốt chung một rọ"
Các cân nhắc về giá chủ yếu ở hai loại hình đầu tư quy mô lớn này, chứ điện mặt trời trên mái nhà cơ bản được đồng tình giữ nguyên mức giá mua cũ là 9,35 cent/kWh (2.086 đồng/kWh). Theo một số chuyên gia, lẽ ra Bộ Công thương nên tách điện mặt trời trên mái nhà ra khỏi mớ bùng nhùng điện mặt đất, điện nổi, cho mô hình này có một cơ chế riêng để phát triển.
Trong văn bản gửi Bộ Công thương mới đây, EVN cho biết trong 2 năm qua điện mặt trời trên mái nhà chỉ mới phát triển gần 350MW, một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng nên EVN đã đề xuất cần có cơ chế khuyến khích về giá để loại hình này tiếp tục phát triển.
Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện ở miền Nam ngay trong những năm tiếp theo đã hiện hữu, các dự án xây dựng nguồn điện ở phía Nam đều chậm tiến độ thì việc bổ sung nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời áp mái là một biện pháp hữu hiệu.
Đây cũng là một hướng đi để thực hiện "mệnh lệnh" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc làm việc với EVN ngày 25-12-2019 là "không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào".
Cần "cởi trói" nhanh
Để người dân mạnh dạn đầu tư tạo nên nguồn điện tại chỗ cho bài toán thiếu điện, lời giải trước tiên là "cởi trói" nhanh cho điện mặt trời, trước mắt là điện mặt trời trên mái nhà bằng chính sách rõ ràng.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo EVN cho biết đơn vị này cũng đang tiếp tục đề nghị Bộ Công thương sớm trình Thủ tướng ban hành chính sách về điện mặt trời trên mái nhà để người dân, DN lắp đặt.
Nếu cơ chế cho điện mặt trời trên mái nhà được ban hành, vị này khẳng định EVN sẽ vận động người dân, DN lắp và có ngay 1.000MW điện mặt trời (gần bằng công suất một nhà máy nhiệt điện lớn, cần vốn đầu tư cả tỉ USD).
Như vậy, mọi nguồn lực đã sẵn sàng, cái thiếu ở đây phải chăng chính là sự quyết liệt, nhanh chóng, linh hoạt trong ban hành chính sách riêng cho điện mặt trời từ những nơi xây dựng chính sách.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận