Khánh thành trường ĐH VinUni: Đặt mục tiêu đẳng cấp thế giới
Lễ khánh thành Trường ĐH VinUni diễn ra ngày 15/1, sau gần 2 năm xây dựng, khởi đầu hành trình hiện thực hóa khát vọng xuất hiện trên bản đồ các trường ĐH đẳng cấp thế giới.
Khuôn viên Trường ĐH VinUni rộng 23ha với kinh phí đầu tư xây dựng 3.500 tỉ đồng - Ảnh: VINGROUP
Tập đoàn Vingroup có quá tự tin với khát vọng này hay không khi mới chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực giáo dục ĐH, trong bối cảnh nhiều trường ĐH lớn của VN vẫn rụt rè không dám gửi hồ sơ đăng ký xếp hạng bởi các tổ chức uy tín thế giới?
Hợp tác chiến lược với các trường đẳng cấp
Gần 2 năm trước, Tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với hai trường thuộc nhóm ĐH Ivy League và trong top 20 ĐH tốt nhất thế giới. Đó là ĐH Cornell và ĐH Pennsylvania (Penn), Mỹ.
Trong đó Cornell giúp VinUni định hình chiến lược, định vị thương hiệu và xây dựng hệ thống quản trị ĐH tổng thể; đồng thời thẩm định cơ sở vật chất, tuyển dụng nhân sự, thiết kế chương trình giáo dục, hợp tác nghiên cứu cho VinUni.
Còn hệ thống bệnh viện thực hành hàng đầu nước Mỹ của Pennsylvania sẽ hỗ trợ VinUni tuyển dụng và phát triển năng lực giảng viên, tuyển sinh, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên khối khoa học sức khỏe.
Điều này khiến nhiều người băn khoăn khi cho rằng VinUni đang dựa vào danh tiếng của các trường đối tác, chứ chưa thực sự chủ động về đường hướng để giải bài toán chất lượng.
Trao đổi về việc này, tiến sĩ Lê Mai Lan - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chủ tịch dự án ĐH VinUni - cho biết đã xác định những bước đi rất cụ thể để thực hiện giấc mơ "đẳng cấp quốc tế" của mình.
"Chúng tôi có cơ sở chắc chắn và lộ trình rõ ràng để không chỉ trở thành ĐH tinh hoa, mà còn phải tiến xa hơn vào được top 50 trường ĐH trẻ hàng đầu thế giới. Việc hợp tác với 2 trường top 20 ĐH hàng đầu thế giới sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh chất lượng học thuật và đạt chứng chỉ kiểm định" - bà Mai Lan nói.
Chất lượng các chương trình đào tạo của VinUni được xác thực bởi các GS Cornell và Penn. Bên cạnh đó, nhân sự giảng dạy và quản trị cũng do hai trường này hỗ trợ tuyển dụng, trong đó giảng viên nguồn phải được đào tạo tại Cornell và Penn.
Trước mắt, Cornell đã đồng ý để GS Rohit Verma là viện trưởng phụ trách đối ngoại của Trường kinh doanh Cornell SC Johnson sang làm hiệu trưởng của VinUni. Ngoài hiệu trưởng, các GS đầu ngành, giám đốc chương trình một số môn trọng điểm cũng được hai trường này cử sang làm việc tại VinUni.
Đầu tư khủng, học phí hợp lý
Để thực hiện giấc mơ trường đẳng cấp quốc tế, VinUni được đầu tư 6.500 tỉ đồng. Trong đó 3.500 tỉ chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 3.000 tỉ dành để cấp học bổng tài năng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên cũng như bù lỗ vận hành cho 10 năm đầu tiên.
Toàn bộ khuôn viên của trường ĐH này có tổng diện tích 23ha. Ngoài cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ dạy và học, VinUni có khu ký túc xá theo tiêu chuẩn quốc tế với đầy đủ các loại phòng cá nhân, phòng gia đình, phòng cho sinh viên có con nhỏ. Các dịch vụ chăm sóc con nhỏ, dịch vụ cho người khuyết tật... đều được đầu tư bài bản.
Tuy vậy, chi phí đào tạo ở VinUni được cho là quá cao so với mặt bằng chung các trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. Về điều này, TS Lê Mai Lan đưa ra so sánh: học phí trung bình của Cornell và Penn trong các năm gần đây lần lượt là 55.188 USD/năm và 55.584 USD/năm.
Nếu cộng đủ cả chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm, học liệu..., để tốt nghiệp các trường tinh hoa Mỹ, mỗi sinh viên phải chi trả 66.000-75.000 USD một năm (tương đương 1,5-1,7 tỉ đồng).
Với con số trên, theo đại diện dự án ĐH VinUni, mức 35.000 USD chi phí trung bình cho tất cả các ngành đào tạo ở trường này là hợp lý. Trong khi đó, VinUni cũng dành nhiều học bổng cho sinh viên giỏi mà không có ràng buộc điều kiện về nơi làm việc sau khi tốt nghiệp.
Khuyến khích, tạo điều kiện
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, việc một số tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư như Vingroup có chiến lược đầu tư và khát vọng phát triển các trường ĐH đạt trình độ quốc tế cần được khuyến khích và tạo điều kiện. Đây là xu hướng phù hợp với chủ trương tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội vào sự phát triển của giáo dục ĐH.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH và nghị định số 99 hướng dẫn một số điều của luật được ban hành gần đây là bước đột phá về chính sách trong việc tạo môi trường pháp lý bình đẳng, rõ ràng, minh bạch cho sự phát triển của các trường ĐH tư thục, đặc biệt là các trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận. (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ)
Chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho khoa học, giáo dục. Đó không chỉ tốt cho công việc của doanh nghiệp mình, mà còn là trách nhiệm với xã hội, với tương lai đất nước. (Phó thủ tướng Vũ Đức Đam)
Theo tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận