Nhân lực thương mại điện tử chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Thương mại điện tử (TMĐT) đang trong quá trình phát triển nhanh, ổn định. Có tới 95% sinh viên ngành thương mại điện tử (TMĐT) tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, tuy nhiên, chất lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.
- Chính phủ thông qua đề nghị quản lý hải quan hàng xuất, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT
- Chống thất thu thuế TMĐT: Cần chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng quản lý
- Habeco: Tận dụng lợi thế TMĐT, nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong hai năm 2020 – 2021, Việt Nam trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này được dự báo sẽ cao hơn nhiều trong giai đoạn 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước được nhận định là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT nước ta trong giai đoạn tới. Trong đó, kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường đại học.
Báo cáo “Đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học 2022” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tiến hành khảo sát và công bố mới đây cho thấy: nhu cầu nhân lực của ngành TMĐT rất lớn, dẫn đến xu hướng các trường đại học đào tạo ngành này tăng nhanh.
Trao đổi với báo chí, Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch VECOM cho biết, trong số 132 trường khảo sát, đến nay có 36 trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học (mã ngành 7340122); gần 40 trường đại học đã đào tạo chuyên ngành TMĐT; 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin...
Trước năm 2016, có khoảng 23% các trường có đào tạo TMĐT; năm 2020 đã tăng lên 49%; đặc biệt từ năm 2021 đến nay là 28%. Nội dung các học phần chủ yếu về marketing số, thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến, chuỗi cung ứng logistics,…
Việc tuyển sinh thuận lợi, thu hút được sinh viên đầu vào chất lượng khá với điểm chuẩn tuyển sinh tương đối cao. Nhiều sinh viên tìm được việc làm khi chưa tốt nghiệp và phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường với mức lương hấp dẫn.
Tuy có những bước tiến lớn nhưng các trường đại học vẫn còn nhiều thử thách cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa.
Điển hình như, đội ngũ giảng viên TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Trong khi số trường đại học mở ngành TMĐT hay chuyên ngành TMĐT tăng nhanh, số lượng giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu.
Bên cạnh đó, hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường đại học, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với doanh nghiệp.
VECOM cho rằng, cần có dự báo khách quan về nhu cầu học TMĐT với chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm tới, đảm bảo số lượng chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đề xuất được VECOM đưa ra là cần khảo sát định kỳ tình hình đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT bồi dưỡng giảng viên TMĐT; tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo TMĐT...
Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận