Quy định mới trong đào tạo thạc sĩ: Nhiều thuận lợi cho cơ sở đào tạo và sinh viên khá giỏi
Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 23) quy định về đào tạo thạc sĩ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10 được đánh giá có nhiều điểm mới và quan trọng nhất của thông tư này là tăng tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo, điều này sẽ có lợi cho nhà trường và người học khi cả nước triển khai công tác tuyển sinh cao học đợt 2.
- Bộ TT&TT cam kết đồng hành với ngành giáo dục trong đợt dịch Covid-19
- Công nghệ giáo dục sẽ thay đổi thế nào trước ngưỡng cửa 2020 và CMCN 4.0
- Chuyển đổi số tại Việt Nam - Thúc đẩy hệ sinh thái giáo dục số
Tăng tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo
PGS.TS Huỳnh Văn Chương (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế) cho rằng, Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT đã tăng được tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo, cho người học và phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34) và Nghị định 99.
'Thông tư cho phép đa dạng hơn về hình thức tuyển sinh. Cơ sở đào tạo khi xây dựng đề án tuyển sinh có thể chọn phương án thi tuyển/ xét tuyển hoặc có thể kết hợp để thuận lợi cho cả thí sinh và cơ sở đào tạo; thuận lợi cho người nước ngoài tham gia thi tuyển và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế mà không quá cứng nhắc.
Hơn nữa, người học có thể lưạ chọn nhiều hình thức học, từ tập trung chính quy, vừa làm vừa học nếu người học có khung thời gian công việc không cho phép học tập trung, tất nhiên lúc đó phải đăng ký học chương trình thạc sĩ theo định hướng ứng dụng”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương chia sẻ .
Tương tự, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (Viện SPKT HCMUTE) cho rằng: Thông tư 23 quy định cụ thể chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, trong đó đáng chú ý là làm rõ học phần tốt nghiệp, hướng dẫn và đánh giá học phần tốt nghiệp của hai định hướng đào tạo.
Quy định này giúp cơ sở đào tạo thuận lợi trong việc hướng dẫn và đánh giá học phần tốt nghiệp cho học viên theo hai định hướng đào tạo khác nhau. Bên cạnh đó, ngoài hình thức đào tạo chính quy như trước đây, hình thức đào tạo vừa làm vừa học được phép áp dụng cho chương trình định hướng ứng dụng. Đây là sự linh hoạt trong hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người.
“Thông tư 23 cho phép cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; bảo đảm chất lượng không thấp hơn so với các lớp học trực tiếp. Đây là bổ sung phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục số hiện nay”, PGS.TS Bùi Văn Hồng nhận định.
Sinh viên khá, giỏi có nhiều lợi thế
Một điểm đặc biệt ở Thông tư 23, theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, sinh viên có học lực khá, giỏi đang theo học tại các cơ sở đào tạo đại học cần quan tâm và nắm chắc để khai thác được lợi thế là có thể đăng ký học thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp đại học, rút ngắn thời gian học thạc sĩ.
Cụ thể, nếu sinh viên đang học đại học có học lực khá trở lên có thể đăng ký học trước một số học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ cùng ngành và cùng cơ sở đào tạo đó, nếu đáp ứng một số điều kiện.
“Học viên có thể rút ngắn trước được tối đa 15 tín chỉ, tương đương 1 học kỳ. Đây là điểm rất mới của Thông tư 23. Ngoài ra, Thông tư 23 cũng cho phép nếu người học đã có một bằng thạc sĩ muốn học thêm bằng thạc sĩ khác, hoặc đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo đại học chuyên sâu theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP, tương đương bậc 7 có quyền yêu cầu cơ sở đào tạo công nhận một số học phần tương đương ở chương trình đào tạo thạc sĩ hoặc chương trình chuyên sâu đã hoàn thành trước đó.
Đây là các điểm mới mà cơ sở đào tạo cần công khai trong quy chế đào tạo thạc sĩ và đề án tuyển sinh để thuận lợi cho thí sinh dự tuyển và người học thạc sĩ sau trúng tuyển…”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhận định.
Về năng lực ngoại ngữ cho người đăng ký dự tuyển đầu vào cao học từ bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. PGS.TS Bùi Văn Hồng cho rằng: Quy định này phù hợp với bối cảnh hội nhập trong giáo dục hiện nay, đặc biệt đáp ứng yêu cầu sử dụng ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu đối với học viên trình độ thạc sĩ.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, việc điều chỉnh chuẩn đầu vào và đầu ra về ngoại ngữ đối với trình độ thạc sĩ bắt buộc cơ sở đào tạo phải có chính sách tốt và rõ hơn về chuẩn đầu ra cho sinh viên đại học (phải đạt tối thiểu là chứng chỉ B1 theo Thông tư 23) hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương, như vậy mới đảm được quyền lợi cho sinh viên tốt nghiệp đủ chuẩn để tham gia học các chương trình đào tạo thạc sĩ.
“Điều này giúp sinh viên cũng như người học đã tốt nghiệp mong muốn học lên cao nâng cao nhận thức và quyết tâm học ngoại ngữ để đạt các chuẩn đầu ra ngay từ những năm đầu đại học hoặc phải có quá trình chuẩn bị đầu vào trước khi tham gia học chương trình thạc sĩ. Đây cũng là mong muốn lớn nhất trong các chính sách hiện nay của Nhà nước, cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động về chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên bên cạnh chuẩn về kiến thức, kỹ năng và nhận thức để hướng đến là đạt chuẩn đầu ra khu vực và quốc tế về ngành nghề đào tạo”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhận định.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận