Tích cực chuyển đổi số nhằm thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số khi Ngày khai giảng cận kề
Trong năm học vừa qua, nhiều nước đã ứng dụng giải pháp công nghệ, tích cực chuyển đổi số nhằm đảm bảo việc triển khai hoạt động dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả.
- Bộ Giáo dục Singapore tạm ngừng giảng dạy trực tuyến qua Zoom
- Công nghệ giáo dục: Giải pháp nâng cao hiệu quả học trực tuyến
- Chuyển đổi số tại Việt Nam - Thúc đẩy hệ sinh thái giáo dục số
Phương pháp dạy và học trực tuyến đã trở nên quen thuộc với giáo viên, học sinh sau một thời gian dài phải giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19.
Từ tháng 2 năm ngoái, tại Trung Quốc, học sinh các cấp và sinh viên đã "đến trường trên mạng". Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khởi động một chương trình điện toán đám mây quy mô toàn quốc từ ngày 17/2 nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy cho tất cả các môn học chính cũng như các khóa học dành cho học sinh tiểu học và trung học.
Ngoài ra, các kênh truyền hình cũng tăng cường phát sóng trực tiếp các chương trình dạy học, cung cấp kiến thức cho hơn 120 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.
Tại Mỹ, ngoài giờ học online với giáo viên, học sinh, sinh viên có thể truy cập miễn phí "kho" video bài giảng trên các nền tảng giáo dục trực tuyến như Khan Academy và TED Ed.
Nhiều bang ở Mỹ cung cấp quyền truy cập miễn phí các khóa học từ xa của các trường bán công vốn trước đây đòi hỏi học sinh, sinh viên phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào cũng như đáp ứng được yêu cầu nhập học.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có đủ điều kiện để áp dụng phương pháp học trực tuyến, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng bên cạnh việc thiếu thiết bị cần thiết để kết nối, việc thiếu chính sách học trực tuyến cũng là một yếu tố đáng bàn.
Theo kết quả cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu RAND Cooperation công bố mới đây, chỉ 20% trong số gần 1.000 hiệu trưởng trường học ở Mỹ được hỏi cho biết từ trước dịch COVID-19, họ đã lên phương án dạy học trong trường hợp phải đóng cửa trường lâu dài vì các nguyên nhân bất khả kháng như hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ hay dịch bệnh.
Điều đó khiến giáo viên chưa được đào tạo để dạy học trực tuyến, trong khi hầu hết học sinh không có kỹ năng kết nối thiết bị kỹ thuật số thích hợp để tìm và sử dụng nội dung giáo dục phụ thuộc vào công nghệ.
Tại Việt Nam, nhiều trường đã áp dụng các khóa học, ứng dụng học tập trực tuyến bên cạnh các chương trình dạy học trên truyền hình nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, cũng như làm bài tập về nhà từ xa nhờ một số ứng dụng học trực tuyến như Zoom.us, Google Classroom, Shub Classroom.
UNICEF khẳng định khoảng cách kỹ thuật số bộc lộ hơn 1 năm qua trong việc triển khai học trực tuyến cho thấy việc kết nối và phổ cập Internet đã trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo quyền được giáo dục của trẻ em trong đại dịch. Bên cạnh đó, kỹ năng kỹ thuật số và học tập phải được đưa vào hệ thống giáo dục để giải quyết khoảng cách kỹ thuật số.
Theo các chuyên gia, để ứng phó tốt hơn với những tình huống khẩn cấp không thể lường trước, các chính phủ, cơ quan quản lý giáo dục và các trường học cần có một chiến lược toàn diện để tái cơ cấu hệ thống giáo dục, đảm bảo khả năng thích ứng với mọi sự thay đổi.
Đó là việc xây dựng chiến lược cụ thể về học tập trực tuyến, để không chỉ giải quyết các vấn đề của đại dịch COVID-19, mà còn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, khi mà nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, với đặc điểm của quốc gia số, kinh tế số và chuyển đổi số.
Quan trọng hơn cả, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng cần là trọng tâm trong chính sách phát triển bền vững, đòi hỏi nỗ lực quốc tế, trách nhiệm của các tổ chức toàn cầu, sự đồng hành của các quốc gia phát triển với những nước có điều kiện thấp hơn cũng như nỗ lực của các chính phủ, tổ chức và cộng đồng ở từng quốc gia.
Người phát ngôn UNICEF James Elder đã nhấn mạnh rằng những tổn thất mà trẻ em và thanh thiếu niên phải gánh chịu vì gián đoạn việc học có thể không bao giờ bù đắp được.
Theo ông, cú sốc gián đoạn việc họcdo đại dịch gây ra sẽ có những tác động tiêu cực lâu dài, vì vậy thế giới phải tận dụng cơ hội này để đổi mới giáo dục, xây dựng hệ thống giáo dục có khả năng chống chịu tốt hơn. Đó không chỉ là giải pháp "biến thách thức thành cơ hội" giúp ngăn chặn “thảm họa thế hệ” khi học sinh không được tiếp cận giáo dục do đại dịch, mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với tương lai của thế hệ trẻ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận