Công nghệ giáo dục: Giải pháp nâng cao hiệu quả học trực tuyến
Đánh giá về việc học online sao cho hiệu quả và làm thế nào để có thể khai thác hết hiệu quả của các giải pháp công nghệ khi học trực tuyến? Mới đây, Lenovo và Microsoft đã nghiên cứu và đưa ra báo cáo đánh giá về các giải pháp phù hợp với thời đại giáo dục mới.
- Từ những lớp học online thích ứng thời kỳ dịch bệnh
- Phần mềm 'chống ngủ gục' khi học online
- Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn phương thức truyền thống - Tại sao không?
Báo cáo chỉ ra rằng sau hơn một năm chuyển sang mô hình lớp học ảo, cả học sinh và giáo viên đều thấy được tiềm năng to lớn của việc học trực tuyến, nhưng chỉ mới bắt đầu khai thác lợi thế của nó.
Không chỉ là chuyện thiếu kỹ năng làm chủ công nghệ, còn có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra như mất tập trung, tách biệt với xã hội… Tuy nhiên, việc ít ứng dụng những giải pháp sẵn có cũng như khó khăn xã hội do học tập từ xa bị kéo dài chính là những rào cản lớn nhất khiến mô hình học trực tuyến khó đạt hiệu quả cao.
Việc sử dụng máy tính loại nào hay công cụ nền tảng giảng dạy nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả học tập trực tuyến. Thậm chí vấn đề sử dụng mô hình thuê bao mới, cộng tác thông minh hơn hay các thiết bị … cũng sẽ khai phá tiềm năng của học trực tuyến
Báo cáo được tiến hành vào đầu tháng 5/2021 với trên 3.400 học sinh, phụ huynh và giáo viên ở 12 thị trường thuộc Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có 215 học sinh và 15 giáo viên ở Việt Nam, về đánh giá của họ đối với việc học trực tuyến kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, đồng thời tìm hiểu cách thức công nghệ ngày càng gắn kết với học sinh cũng như hỗ trợ việc học tập.
“Với việc các trường học bị đóng cửa ở nhiều quốc gia để đảm bảo an toàn trong năm 2020, các giáo viên, phụ huynh và học sinh bắt đầu phải làm quen với các công nghệ giáo dục mới. Nghiên cứu này đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cách thức giáo viên, phụ huynh và học sinh đã thích nghi với học trực tuyến trong đại dịch, những thách thức thực sự và giải pháp nào có thể được triển khai nhằm giúp cho công nghệ giáo dục hiệu quả hơn.” Amar Babu, Chủ tịch Lenovo Châu Á Thái Bình Dương, cho biết.
Larry Nelson, Tổng Giám đốc phụ trách mảng Giáo dục của Microsoft Châu Á, nói: “Ngày nay, công nghệ đã trở thành yếu tố vô cùng cần thiết trong việc tạo điều kiện cho giảng dạy và học tập giữa học sinh và giáo viên. Bất chấp những khó khăn gặp phải trong năm qua, chúng tôi rất ấn tượng về khả năng phục hồi và thích ứng của học sinh và giáo viên khi các lớp học được chuyển từ mô hình truyền thống sang môi trường ảo. Trong tương lai, rõ ràng những sáng tạo công nghệ sẽ tiếp tục giúp chuyển đổi trải nghiệm học tập, và chúng tôi cam kết hỗ trợ ngành giáo dục thông qua trang bị cho họ các công cụ và giải pháp phù hợp với thời đại giáo dục mới.”
Được biết, trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hơn 80% học sinh và 95% giáo viên đã tăng cường sử dụng công nghệ trong năm vừa qua, trong đó 68% học sinh và 85% giáo viên đã chi nhiều tiền hơn cho công nghệ so với năm trước. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục, với 66% học sinh và 86% giáo viên dự kiến sẽ tăng chi tiêu của họ cho công nghệ giáo dục trong năm tới.
Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh đều có những ý kiến khác nhau về tác động của các lớp học trực tuyến đối với hoạt động giáo dục. Các giáo viên có những phản hồi tương đối tích cực về hiệu suất giảng dạy trực tuyến của họ, với 59% tin tưởng rằng hiệu suất đã được cải thiện và 24% tin rằng nó được duy trì.
Nhiều đánh giá khác từ phía học sinh cũng cho thấy: khoảng 1/3 học sinh tin rằng kết quả học tập của họ đã được cải thiện, 1/3 khác cho rằng nó vẫn giữ nguyên trong suốt thời gian học trực tuyến và 1/3 còn lại tin rằng hiệu suất học tập của họ đã bị giảm sút.
Không ít học sinh cho rằng, khả năng tiếp cận (63%) và tính linh hoạt (50%) là những lợi thế chính của học trực tuyến, bao gồm khả năng truy cập nhiều loại nội dung và tài liệu từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, 62% học sinh và 67% giáo viên đánh giá cao sự thuận tiện của việc loại bỏ nhu cầu di chuyển.
Trong khi đó, 64% giáo viên nêu bật lợi thế của việc tập trung các tài liệu giảng dạy trong một tài nguyên trực tuyến dễ truy cập như “Microsoft Teams for Education”, cùng với 50% đồng ý với thực tế rằng học tập trực tuyến khuyến khích sự mô hình học tập cộng tác, và cho phép việc học tập và hỗ trợ được cá nhân hóa hơn.
Để đánh giá về việc học online sao cho hiệu quả, cả phụ huynh và học sinh đều cho biết, công nghệ của họ đảm bảo tính bảo mật (50%), quyền riêng tư (52%), hiệu suất linh hoạt (26%) và giá trị liên tục (29%). Chỉ 17% coi việc một giải pháp công nghệ có chi phí thấp nhất là cực kỳ quan trọng.
Các giáo viên cũng quan tâm đến vấn đề bảo mật dành riêng cho giáo dục (75%) và quyền riêng tư dữ liệu (79%), bên cạnh việc coi các tính năng cộng tác (64%), công cụ đánh giá học sinh (63%), dễ dàng sử dụng (59%) và các tính năng dễ truy cập (53%) là cực kỳ quan trọng.
Ông Amar Babu chia sẻ thêm: “Những gì chúng tôi thấy từ nghiên cứu này là có nhiều lợi ích to lớn từ công nghệ giáo dục, nhưng học sinh và giáo viên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nó. Cả học sinh và giáo viên đều đang tìm kiếm phương pháp học tập có tính cộng tác và cá nhân hóa - sử dụng các công nghệ có thể khiến họ gắn kết với giờ học, chia sẻ tài liệu và tương tác với nhau. Lenovo đi đầu trong các công nghệ này, với các tính năng tích hợp sẵn ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mang tới các cơ hội tương tác trực tuyến cũng như đảm bảo tính tiện lợi và tin cậy.”
Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, không chỉ giáo dục bước vào một kỷ nguyên giảng dạy và học tập mới, mà bản thân học sinh cũng phải trải nghiệm với các công nghệ mới, giúp học tập toàn diện với các ứng dụng trong thế giới thực.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận