Chuyển đổi số để nâng hiệu quả phục vụ thông tin liên lạc cho các Cơ quan Đảng Nhà nước
Trần Duy Ninh
Cục trưởng Cục Bưu điện Trung Ương
- An toàn thông tin trong chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ điện tử
- Chuyển đổi số cần có phương pháp đúng đắn và không thể nôn nóng
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia để tiến tới một Việt Nam số"
Xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong cơ quan đảng, nhà nước. Ảnh: Internet
1. Xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong cơ quan đảng, nhà nước
Chuyển đổi số là xu hướng cho tất cả các cơ quan, doanh nghiệp mọi quy mô lớn, nhỏ trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số là sự tích hợp của công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một cơ quan, doanh nghiệp, thay đổi căn bản cách vận hành và cung cấp giá trị cho khách hàng. Kèm theo đó cũng là một thay đổi về văn hóa, đòi hỏi cơ quan, doanh nghiệp phải liên tục đối mặt với các thách thức hiện tại, thử nghiệm những thứ mới và sẵn sàng chấp nhận với thất bại.
2. Định hướng chuyển đổi số của Cục Bưu điện Trung ương
Cục Bưu điện Trung ương (BĐTW) với chức năng, nhiệm vụ vừa là đơn vị có vai trò quản lý nhà nước, vừa là đơn vị có vai trò như một nhà cung cấp dịch vụ chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, nhà nước thì chúng tôi hướng tới triển khai việc chuyển đổi số với các mục tiêu như sau:
- Số hóa toàn bộ các hệ thống phục vụ (truyền số liệu chuyên dùng, điện báo, điện thoại 080, bưu chính); số hóa các công việc nội bộ
- Phát triển điện toán đám mây
- Chuyển việc vận hành bộ máy của Cục BĐTW sang một cấu trúc đơn giản hơn
- Đơn giản hóa các quy trình để cải thiện hiệu suất
- Áp dụng hiệu quả các công cụ và công nghệ mới: tự động hóa mạnh mẽ hơn các hoạt động quản lý, vận hành các hệ thống
- Sẵn sàng cho công nghệ mới
- Thực hiện ra quyết định dựa trên dữ liệu và chia sẻ thông tin liên cơ quan (phân tích BigData; AI; quản lý dữ liệu như tài sản chiến lược; xây dựng các công cụ/hạ tầng chia sẻ dữ liệu; bảo vệ dữ liệu)
3. Các kết quả bước đầu đã đạt được
3.1. Về số hóa các hệ thống phục vụ, các công việc nội bộ:
Cục BĐTW đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ IoT, mã hóa dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế để triển khai hệ thống giám sát tập trung trạng thái môi trường cho toàn bộ các phòng máy vệ tinh không người trực tại cả 03 khu vực Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng qua đó nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, kịp thời xử lý các nguy cơ ảnh hưởng đến gián đoạn mạng lưới, dịch vụ.
Thử nghiệm thiết bị vô tuyến sóng ngắn HF thế hệ mới, tích hợp giải pháp bảo mật của Cơ yếu, bước đầu cho kết quả tốt, làm cơ sở để triển khai Đề án nâng cấp Mạng điện báo Hệ đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020.
Nghiên cứu, xây dựng kiến trúc phần mềm Bưu chính KT1, làm cơ sở triển khai phần mềm Bưu chính KT1 mới trong năm 2020 để nâng cao chất lượng dịch vụ trên cơ sở kiểm soát toàn trình bưu gửi KT1 tại tất cả các bưu cục phát cấp quận/huyện của VNPOST.
Triển khai nâng cấp mạng Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) giai đoạn 1 tại 03 Trung tâm miền và 27 tỉnh/tp sử dụng công nghệ Segment Routing, sẵn sàng đổi mới mô hình quản lý, vận hành mạng theo xu hướng tiên tiến với giải pháp mạng định nghĩa bằng phần mềm SDN (Software-Defined Networking), nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, tăng cường bảo đảm ATTT cho mạng TSLCD, phục vụ hiệu quả các bài toán chính phủ điện tử.
3.2. Phát triển điện toán đám mây
Nghiên cứu và thử nghiệm thành công giải pháp chuyển đổi mô hình ảo hóa sang Private Cloud cho Trung tâm dữ liệu mạng TSLCD, làm cơ sở đề xuất triển khai nâng cấp trung tâm dữ liệu thành Private Cloud, phục vụ hiệu quả các bài toán Chính phủ điện tử.
3.3. Đơn giản hóa công tác vận hành bộ máy của cục, đơn giản hóa các quy trình để cải thiện hiệu suất
Cục BĐTW đã xây dựng và áp dụng bộ chỉ tiêu KPI lĩnh vực quản lý bao gồm 56 chỉ số của 8 lĩnh vực công tác, việc này đã cắt giảm nhiều quy trình phối hợp nội bộ, tạo thuận lợi cho việc đánh giá năng lực các hệ thống thông tin và nâng cao hiệu suất quản lý điều hành. Xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại Cục Bưu điện Trung ương.
3.4. Áp dụng các công cụ, công nghệ mới
Bắt đầu triển khai nâng cấp mạng TSLCD sử dụng công nghệ Segment Routing để hướng tới mô hình hoạt động mạng định nghĩa bằng phần mềm SDN.
4.Kế hoạch chuyển đổi số trọng tâm năm 2020
Tiếp tục giai đoạn 2 triển khai nâng cấp mạng TSLCD sử dụng công nghệ Segment Routing để hướng tới mô hình hoạt động mạng định nghĩa bằng phần mềm SDN.
Triển khai phần mềm Bưu chính KT1 trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tích hợp với các giải pháp định vị xe bưu chính, bưu gửi để nâng cao chất lượng, tăng cường bảo đảm an ninh an toàn dịch vụ Bưu chính KT1 phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.
Triển khai Đề án nâng cấp mạng điện báo Hệ đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xây dựng, triển khai mạng tổng đài dùng riêng trên cơ sở số hóa toàn mạng, tập trung phục vụ liên lạc bảo mật Lãnh đạo cấp chiến lược.
Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cấu trúc mạng viễn thông dùng riêng sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
Nghiên cứu ứng dụng Big Data và Machine Learning trong công tác vận hành, giám sát, tăng cường bảo đảm ATTT cho dữ liệu, mạng lưới tại Cục BĐTW.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận