Hướng đi nào cho quản lý Nhà nước trước mô hình kinh doanh sáng tạo mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0

02/04/2020 06:53
D

Trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều, ngày càng nhanh những mô hình kinh doanh mới, những ý tưởng sáng tạo, vấn đề quản lý nhà nước cần thay đổi những gì để có thể phát triển trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0

Hiện chưa có định nghĩa nào về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được chấp nhận rộng rãi nhưng điều đó không ngăn cản người ta bàn về nó ngày càng nhiều. Bài này cũng không có tham vọng đưa ra một định nghĩa về CMCN 4.0. Nhưng dù có nhiều ý kiến khác nhau về chủ đề này, khó có thể phủ nhận một thực tế là CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội theo những cách chưa từng có trước đây, theo cả bề rộng và chiều sâu, làm thay đổi căn bản hành vi của các cá nhân và cách vận hành của các doanh nghiệp, tổ chức. Quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh doanh cũng không nằm ngoài xu thế chịu tác động to lớn của CMCN 4.0.

Một số xu hướng mô hình kinh doanh mới

Khai thác dữ liệu lớn

Tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, còn tài nguyên thông tin là vô hạn. Nguyên lý này đang được áp dụng triệt để. Những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây phải mất nhiều thập kỷ mới tạo ra được các đế chế kinh doanh và tỉ phú. CMCN 4.0, trong đó có cuộc cách mạng công nghệ số, đã giúp tạo ra nhiều tập đoàn công nghệ tỉ đô với nhiều tỉ phú trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Những công ti công nghệ trẻ như Google, Facebook, Amazon, Alibaba, v.v… đều có mô hình kinh doanh phụ thuộc vào việc khai thác dữ liệu lớn. Họ chủ động thúc đẩy người dùng tạo ra càng nhiều dữ liệu càng tốt bằng cách cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ ngày càng hữu ích và dễ tiếp cận (miễn phí hoặc chi phí thấp) để “dụ dỗ”.

Những công ti công nghệ số có tuổi đời “già” hơn như IBM, Microft, Oracle, Intel, Qualcomm, v.v… đã nhận ra và đang tận dụng cơ hội khổng lồ từ việc khai thác dữ liệu tạo ra bởi số lượng đông đảo các khách hàng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của họ.

Kể cả những tập đoàn công nghiệp có truyền thống cả trăm năm như General Electric hay Siemens cũng đã đưa vào vận hành mô hình kinh doanh dựa trên khai thác dữ liệu lớn từ khách hàng của mình.

Xu hướng vạn vận kết nối (IoT) đang phát triển ngày càng mạnh mẽ sẽ tiếp tục tạo ra lượng dữ liệu ngày càng khổng lồ. Với các thuật toán ngày càng thông minh và chi phí cho siêu máy tính đang giảm nhanh chóng, khả năng khai thác dữ liệu lớn của con người ngày càng tăng. Điều này mang lại cơ hội không chỉ cho những ông lớn nói trên mà cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Biến các sản phẩm thành nền tảng để phân phối sản phẩm và dịch vụ

Để khai thác được tiềm năng của dữ liệu lớn, các doanh nghiệp đang có xu hướng xây dựng những hệ sinh thái hội tụ sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng của mình, biến các sản phẩm của mình thành nền tảng để phân phối các sản phẩm và dịch vụ. Nếu như trước đây các doanh nghiệp chỉ ưu tiên việc bán được sản phẩm cho người tiêu dùng (ô tô của Ford, máy tính của Dell, hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng văn phòng Office của Microsoft, điện thoại “cục gạch” của Nokia, thang máy của Otis, v.v…) thì ngày nay điều đó chưa đủ để làm nên một mô hình kinh doanh thành công. Các sản phẩm đó ngày càng có vai trò quan trọng là một nền tảng (platform) để qua đó doanh nghiệp sở hữu nền tảng cung cấp thêm sản phẩm, dịch vụ của mình. Các thiết bị điện tử của Apple hay các sản phẩm chạy trên hệ điều hành Android là những ví dụ tiêu biểu. Đây là những nền tảng để Apple và Google kinh doanh ứng dụng (app economy), cung cấp dịch vụ (Apple iCloud, Apple pay, Samsung Cloud, Samsung pay, v.v…) và phân phối nội dung số (iTunes, Google Music, v.v...). TV thông minh, tủ lạnh thông minh và nhiều sản phẩm gia dụng và công nghiệp khác cũng đang được sản xuất, phân phối và khai thác theo xu hướng này. Ngay cả những chiếc ô tô hay thang máy hiện nay cũng trở thành nền tảng để qua đó sản phẩm và dịch vụ được phân phối nhờ khả năng kết nối Internet của chúng. Microsoft quyết định miễn phí hoàn toàn hệ điều hành Windows 10 (kèm theo dịch vụ cập nhật vá lỗi hệ điều hành cũng miễn phí) vì coi đó là nền tảng để phân phối các phần mềm khác của mình.

Nền kinh tế chia sẻ

Xu hướng này dựa trên nguyên tắc tận dụng công suất nhàn rỗi của tài tài sản/nguồn lực, về bản chất cũng không khác gì nguyên tắc quay vòng vốn trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của công nghệ, sự phổ biến của các thiết bị IoT và khả năng kết nối cùng năng lực xử lí dữ liệu lớn, cơ hội để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực (tức là “bắt” mỗi đơn vị tài sản phải “đẻ” ra nhiều giá trị hơn) ngày càng lớn.

Có quan điểm cho rằng xu hướng này thực chất chỉ là việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực, vốn là quá trình thường xuyên diễn ra trong kinh doanh, thể hiện qua xu hướng chuyên môn hóa trong sản xuất kinh doanh qui mô lớn và hình thành nên những chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng ngày càng hoàn thiện.

Thực ra có những điểm khác biệt rất lớn giữa hai xu hướng này. Chuyên môn hóa là quá trình đòi hỏi nguồn lực lớn, tập trung, thường được dẫn dắt bởi các tập đoàn đa quốc gia, trong đó các cá nhân/người tiêu dùng đơn lẻ không có nhiều quyền quyết định. Kinh tế chia sẻ không đòi hỏi nguồn lực lớn và tập trung như thế, không phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn đa quốc gia và trên hết là nó trao quyền hơn nhiều cho các các nhân/người tiêu dùng đơn lẻ. Một ưu điểm căn bản của kinh tế chia sẻ là nó giúp tận dụng công suất nhàn rỗi của tài sản mà trước đây bị bỏ phí (trong chừng mực nào đó có thể so sánh với hoạt động tái chế, tái sử dụng).

Kinh tế chia sẻ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn mô hình kinh doanh mới xuất hiện và con số vẫn tăng lên hàng ngày trong vô vàn các lĩnh vực như vận tải, lưu trú, du lịch, nông nghiệp, tài chính, thực phẩm, lao động, y tế, v.v…

Dịch vụ hóa/thuê bao hóa việc đáp ứng nhu cầu thị trường

Gắn liền với nền kinh tế chia sẻ là xu hướng dịch vụ hóa/thuê bao hóa phương thức đáp ứng nhu cầu của khách hàng đang ngày càng phát triển. Mô hình kinh doanh truyền thống dựa trên giả định rất quan trọng là khách hàng muốn sở hữu tài sản/công cụ, mặc dù mục đích mua hay sở hữu tài sản đó là để đáp ứng (những) nhu cầu khác. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xác định, đối với khách hàng, sở hữu tài sản không phải lúc nào cũng là cách khôn ngoan nhất để đáp ứng nhu cầu của mình, nhất là những tài sản có giá trị lớn. Thay vì cố thuyết phục khách hàng mua đứt sản phẩm của mình (và do đó phải chịu các chi phí của việc sở hữu), các doanh nghiệp này đã chuyển sang mô hình cung cấp giải pháp cho nhu cầu của khách hàng theo thuê bao (đối với những khách hàng không có nhu cầu sở hữu tư liệu sản xuất/tài sản).

Trong mô hình cũ trước đây, Microsoft bán hệ điều hành Windows và các phần mềm chạy trên hệ điều hành đó, trong đó nổi tiếng nhất là bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office. Đối với khách hàng, dù là cá nhân hay doanh nghiệp, chi phí để sở hữu những sản phẩm này là rất lớn trong khi đó nhu cầu sử dụng của mỗi người là khác nhau và đối với mỗi người dùng, nhu cầu sử dụng của họ cũng nhiều ít khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Kết quả là nạn sử dụng phần mềm bẻ khóa (lậu) của Microsoft vô cùng phát triển, nhất là ở những thị trường có thu nhập bình quân đầu người thấp. Sau một thời gian dài đuổi theo những kẻ vi phạm bản quyền nhưng không đem lại kết quả tích cực gì đáng kể, Microsoft dưới thời tân Tổng Giám đốc điều hành Satya Nadella đã phát minh lại mô hình kinh doanh của họ. Thay vì đi “dọa dẫm” những người đang dùng phần mềm lậu, công ti đã chuyển sang coi họ là những khách hàng và tìm hiểu cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của họ. Rất đơn giản, nhu cầu ấy là được sử dụng những chức năng, công dụng của các sản phẩm của Microsoft vào bất kỳ lúc nào, nơi nào và với bất kỳ cường độ, tần xuất nào mà khách hàng muốn với chi phí phù hợp khả năng chi trả của họ. Từ đó, công ti đã quyết định cho không khách hàng hệ điều hành windows (đã nói ở trên) và cung cấp dịch vụ thuê bao sử dụng các sản phẩm của mình (gồm bộ ứng dụng văn phòng hay từng thành phần của nó và nhiều phần mềm khác). Dùng nhiều thì trả nhiều, dùng ít trả ít, không dùng thì không phải trả chi phí gì cả. Một mô hình tài trợ cho tư liệu sản xuất cực kỳ linh hoạt, như thể “may đo” cho mỗi khách hàng. Chiến lược mới này đang là kênh phân phối chủ đạo của Microsoft, giúp công ti bật dậy trở lại là một ông lớn trong ngành công nghệ và kĩ thuật số sau một thời gian bị lu mờ bởi các gã khổng lồ khác như Google, Apple hay Facebook.

Thực ra, không phải Microsoft phát minh ra chiến lược thuê bao hóa/dịch vụ hóa nói trên mà trước đó, phương thức này đã khá phổ biến ở một số dòng sản phẩm như phần mềm chống virus hay bộ công cụ đảm bảo an ninh mạng cho máy tính, vốn đòi hỏi phải cập nhật thường xuyên nên không thể “mua đứt bán đoạn” được. Việc cho thuê các tài sản/tư liệu sản xuất có giá trị lớn cũng đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, chỉ đến thời điểm hiện nay thì xu hướng thuê bao hóa/dịch vụ hóa mới trở thành chủ đạo vì công nghệ hiện nay cho phép cá nhân hóa giải pháp cho từng người tiêu dùng đơn lẻ với chi phí chấp nhận được và ngày càng giảm. Ứng dụng của xu hướng này rất đa dạng, từ thuê cây cảnh, thuê tranh trang trí văn phòng, nhà ở đến thuê xe, thuê ứng dụng phần mềm, v.v… đến dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm theo thuê bao – home delivery (thay bình gas, bóng điện, thức ăn cho chó, mèo, gạo cho người …)

Dịch vụ đám mây

Phải nói ngay là lưu trữ dữ liệu chỉ là một phần rất nhỏ và không phải là quan trọng nhất của dịch vụ đám mây (DVĐM). DVĐM thủa ban đầu được gọi là điện toán đám mây (cloud computing) với hàm ý là một phương thức tiết kiệm nguồn lực công nghệ thông tin (CNTT) cho các tổ chức, doanh nghiệp, giúp họ không phải chi nhiều tiền mua sắm trang thiết bị và thuê mướn đội ngũ quản lý vận hành hệ thống CNTT của riêng mình. DVĐM hiện nay không chỉ còn là CNTT mà đã phát triển rộng lớn hơn rất nhiều, trở thành một phương thức sản xuất hoàn toàn mới. Các hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống thường phải gắn với một thời gian và khu vực địa lý cụ thể. Ví dụ bác sỹ A chỉ có thể cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của mình từ 9h00 đến 17h00 các ngày trong tuần ở phòng khám X hay bệnh viện Y ở một địa chỉ vật lý cụ thể. Với DVĐM, bác sỹ A có thể cung cấp dịch vụ vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu (thậm chí cả ở nước ngoài). Các bệnh nhân cũng có thể tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh vào bất kỳ lúc nào từ bất kỳ nơi nào. Trong mô hình khám bệnh từ xa này (telemedicine), cả người cung cấp dịch vụ (bác sỹ) và khách hàng (bệnh nhân) đều không phải quan tâm nhiều đến CNTT và các dịch vụ phụ trợ khác (được cung cấp bởi đội ngũ các nhân viên hỗ trợ ở các cơ sở khám chữa bệnh) mà chỉ tập trung vào thực hiện chuyên môn chính của mình (là khám bệnh, chẩn đoán đối với bác sỹ) và làm điều mình quan tâm nhất (là được khám bệnh đối với bệnh nhân). DVĐM đi liền với các xu hướng nói trên và gắn chặt với xu hướng ảo hóa (virtualization) các hoạt động, thao tác sản xuất kinh doanh truyền thống. Nó cho phép cá nhân, doanh nghiệp tham gia thị trường với chi phí thấp nhất và ít rào cản nhất, giúp họ không phải bận tâm nhiều đến những việc không phải là chuyên môn, sở trường của họ, mà dành phần lớn thời gian, nguồn lực tập trung cho những gì mà họ làm giỏi nhất.

Hướng đi nào cho công tác quản lý nhà nước

Những xu hướng nói trên và nhiều xu hướng khác rõ ràng có rất nhiều lợi ích tiềm năng nhưng cũng đã làm nảy sinh một loạt các nhóm rủi ro và thách thức mới cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và xã hội. Đặc biệt, từ góc độ cạnh tranh, nhiều ngành công nghiệp và mô hình kinh doanh truyền thống cảm thấy bị đe dọa bởi những mô hình kinh doanh mới này và cho rằng họ bị đẩy vào thế cạnh tranh không bình đẳng vì nhiều doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh mới không phải chịu sự điều chỉnh đầy đủ của các quy định hiện hành mà các doanh nghiệp truyền thống phải tuân thủ (thường là với chi phí cao). Trong nỗ lực của chính phủ các nước nhằm giải quyết vấn đề này, có thể thấy rõ bốn xu hướng sau.

Siết chặt quản lý

Với cách tiếp cận này, mà hình thức cực đoan của nó là không quản được thì cấm, vốn không phải là hiếm trong tư duy quản lý của một số bộ, ngành hiện nay ở Việt Nam, giả định của cơ quan quản lý là về căn bản, những mô hình kinh doanh gọi là mới này thực ra là các phương pháp “lách luật” để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ được phân phối bởi các doanh nghiệp truyền thống. Vì vậy, cốt lõi của giải pháp phải là tìm cách “bịt” các lỗ hổng trong hệ thống các quy phạm pháp luật hiện hành để vừa quản chặt được các mô hình kinh doanh mới vừa tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp truyền thống (tức là các doanh nghiệp mới cũng phải chịu những ràng buộc, trong đó có chi phí tuân thủ, tương đương những doanh nghiệp truyền thống).

Cách tiếp cận này bỏ qua một thực tế là các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi mô hình kinh doanh mới không hoàn toàn giống các sản phẩm, dịch vụ đang được cung cấp bởi các doanh nghiệp truyền thống. Về hình thức, hành vi sử dụng dịch vụ UberX có thể trông giống hành vi sử dụng dịch vụ taxi truyền thống giá rẻ. Tuy nhiên, về bản chất, nếu coi trải nghiệm người dùng mới là lý do chính để khách hàng bỏ tiền ra dùng dịch vụ này hay dịch vụ kia thì hai loại này rất khác nhau. Nói cách khác, có những doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh mới không thể xếp cùng loại với những doanh nghiệp truyền thống. Vì vậy, việc “điều chỉnh, mở rộng” các quy định hiện hành đối với một ngành kinh doanh cụ thể để “bao trùm” được “các đối tượng quản lý mới” là không thực tế và thiếu khả thi.

Ví dụ, ngành truyền hình, trong đó có truyền hình trả tiền, là ngành bị quản khá chặt chẽ ở Hong Kong. Mô hình kinh doanh truyền hình truyền thống dựa trên các phương thức truyền dẫn truyền thống là cáp, phát sóng vô tuyến, và vệ tinh. Chính quyền Hong Kong thu phí cấp giấy phép kinh doanh truyền hình rất cao. Tuy nhiên, việc phân phối nội dung truyền hình qua mạng Internet (OTT) lại không phải chịu những ràng buộc này. Với việc hành vi người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng theo hướng tiếp nhận sản phẩm truyền hình qua OTT và rời bỏ các phương thức truyền dẫn truyền thống, hãng truyền hình lớn nhất Hong Kong là TVB vừa qua đã chính thức trả lại giấy phép kinh doanh truyền hình trả tiền và chuyển hẳn qua kênh phân phối OTT. Thật khó hình dung chính quyền Hong Kong sẽ tìm cách bắt OTT “chui” vào khuôn khổ các quy phạm pháp luật quản lý ngành truyền hình theo mô hình kinh doanh truyền thống.

Cơi nới chính sách

Trước những bất cập của cách tiếp cận “siết chặt” nói trên, đã xuất hiện xu hướng cơi nới chính sách, theo đó một số thay đổi hoặc quy định mới được ban hành nhằm cố gắng quản lý các mô hình kinh doanh mới. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cố gắng quản lý dịch vụ gọi xe điện tử (Uber, Grab) trong khuôn khổ các quy phạm pháp luật về xe hợp đồng, với việc phát triển khái niệm hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, do bị giới hạn bởi quy định về xe hợp đồng là đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển khách, mô hình đi xe chung (Grabshare, Uberpool) bị coi là bất hợp pháp. Hay quy định về xe cá nhân và xe kinh doanh hiện nay cũng ngăn cản việc khai thác công suất nhàn rỗi của cả triệu xe cá nhân ở các thành phố lớn và vô hình trung khuyến khích người ta mua xe mới để “chạy Grab chuyên nghiệp” (hơn 90% xe ô tô tham gia mô hình Grab là toàn thời gian), dẫn đến gia tăng tổng lượng phương tiện tham gia giao thông, làm trầm trọng thêm vấn đề tắc nghẽn. Việc cơi nới hay đổi mới chính sách nửa vời không giúp gì nhiều cho việc kinh doanh của doanh nghiệp, công tác quản lý Nhà nướcvà lợi ích người tiêu dùng mà trong nhiều trường hợp, nó lại tạo ra những hệ lụy còn lớn hơn. Cơi nới là kẻ thù lớn nhất của sáng tạo, như lời một chuyên gia đã nói.

Nới lỏng quản lý

Những bất cập của cách tiếp cận “siết chặt” và xu hướng cơi nới chính sách nói trên khiến một số quốc gia đang đi theo xu hướng nới lỏng quản lý, tức là nới lỏng hay dỡ bỏ các điều kiện, hạn chế đối với các mô hình kinh doanh truyền thống, để các doanh nghiệp truyền thống cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp mới và thị trường sẽ quyết định mô hình nào chiến thắng. Trong ví dụ về ngành truyền hình nói trên, những điều kiện như phải trả phí mua giấy phép kinh doanh, phải đảm bảo chất lượng tín hiệu truyền hình, độ phủ sóng, phải phát những kênh bắt buộc (tương tự như phải phát những kênh chính trị, xã hội thiết yếu trong quy định của Việt Nam), v.v… có thể được gỡ bỏ để cắt giảm chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp truyền thống. Các doanh nghiệp này sẽ tự động phải nghĩ cách cải thiện sản phẩm của mình, mà ở đây là trải nghiệm người dùng, để cạnh tranh được với các doanh nghiệp OTT nếu không muốn bị đẩy khỏi thị trường.

Trong lĩnh vực quản lý Internet, cả hai viện Quốc hội Mỹ vừa rồi đã bỏ phiếu dỡ bỏ những hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (ISP, tức là các công ti viễn thông như AT&T, Verizon, Comcast, v.v…) trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu người dùng, điều mà các công ti Internet như Google, Facebook vẫn được phép thực hiện từ bao lâu nay. Mặc dù động thái này đang gây nhiều tranh cãi, nó thể hiện rõ xu hướng tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp bằng cách nới lỏng quản lý.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 nói trên đã đề xuất việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi như niên hạn (miễn là xe được đăng kiểm chứng nhận đủ điều kiện tham gia giao thông, không phân biệt xe kinh doanh hay không kinh doanh), đồng hồ tính tiền (hiện có nhiều phương pháp tính cước hợp lý mà không dùng đồng hồ gắn trên xe. Bỏ được điều kiện này còn giúp bỏ thêm được thủ tục và chi phí kiểm định đồng hồ tính tiền)…, sơn biểu trưng logo (mào), trung tâm điều hành, số lượng xe tối thiểu, v.v….

Mục đích của những điều kiện này là đảm bảo quyền lợi của hành khách (an toàn, chi phí hợp lý, quyền được đi lại, sự thuận tiện, v.v…), lái xe, doanh nghiệp taxi và yêu cầu quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, với việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ và các mô hình kinh doanh mới như Uber, Grab, VATO, v.v… các quyền lợi nói trên của khách hàng không những vẫn được đảm bảo mà còn được đảm bảo tốt hơn nhiều so với mô hình kinh doanh cũ. Việc nới lỏng hay dỡ bỏ những hạn chế nói trên sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp truyền thống vi phạm quyền lợi khách hàng (đồng hồ tính gian cước, sử dụng xe cũ, taxi dù, v.v… ) mà ngược lại, buộc họ phải cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ (mà quan trọng nhất là trải nghiệm người dùng) nếu không muốn bị đẩy khỏi thị trường, đồng thời góp phần xây dựng một nền kinh tế thị trường đáp ứng quy luật cung-cầu theo đúng nghĩa của nó. Việc xử lí các tranh chấp giữa hành khách với nhà cung cấp dịch vụ sẽ vẫn thực hiện được dựa trên các quy định khác về giao dịch dân sự.

Quản lý nương nhẹ, hướng tới xây dựng khuôn khổ pháp lý hoàn toàn mới

Dĩ nhiên, các ví dụ về cách tiếp cận nới lỏng nói trên chưa thể đề cập hết các khía cạnh cần phải cân nhắc từ góc độ quản lý nhà nước. Tạo sân chơi bình đẳng bằng nới lỏng quản lý có thể có tác dụng tốt hơn cách tiếp cận siết chặt, nhưng có lẽ chỉ là biện pháp tình thế. Để đảm bảo bền vững, phải có những cách tiếp cận mang tính đột phá, thậm chí là cách mạng trong công tác quản lý Nhà nướcmới có thể hy vọng khai thác được tiềm năng của các mô hình kinh doanh mới và sáng tạo và rộng hơn là CMCN 4.0. Vì vậy mà ở một số nơi đã xuất hiện xu hướng cố gắng xây dựng khuôn khổ pháp lí hoàn toàn mới cho những mô hình kinh doanh mới. Do nhiều công nghệ và mô hình kinh doanh sáng tạo còn quá mới đối với tất cả các nước trên thế giới nên hầu như chưa quốc gia nào xây dựng được hoàn chỉnh một khuôn khổ pháp lí mới hoàn toàn cho những loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh mới này. Tuy nhiên các nhà quản lý đều nhận thức rất rõ là áp dụng ba xu hướng nói trên sẽ lợi bất cập hại. Vì vậy, họ đều xác định phải xây dựng từ đầu các quy định mới để để quản lý, nhưng trong giai đoạn quá độ, Nhà nướcsẽ áp dụng quan điểm quản lý nương nhẹ đối với các công nghệ, mô hình kinh doanh mới, nhằm mục đích khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo. Singapore và Malaysia hiện là hai quốc gia đi đầu Đông Nam Á với cách tiếp cận này.

Vận dụng các xu hướng của CMCN 4.0 vào công tác quản lý nhà nước

Dùng tư duy quản lý của thế kỷ 20 để quản lý xã hội ở thế kỷ 21 chắc chắn sẽ có những điểm không phù hợp. Khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp, cùng số lượng ngày càng tăng các cá nhân, tổ chức trong xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi và tận dụng được các cơ hội mà các xu hướng mô hình kinh doanh mới nói trên mang lại. Khu vực Nhà nướcdường như chậm chân hơn trong việc ứng dụng các xu hướng này, mặc dù Chính phủ một số nước bước đầu đã có những động thái mạnh mẽ và chương trình cụ thể theo hướng khai thác tiềm năng của CMCN 4.0. Điều này là dễ hiểu vì doanh nghiệp dù có lớn và lâu đời đến đến đâu vẫn chịu sức ép/có động lực vứt bỏ mô hình kinh doanh cũ để chuyển sang mô hình kinh doanh mới, nhưng khó có thể hình dung một chính phủ nào dám mạnh dạn dứt bỏ mô hình quản lý cũ để chuyển hẳn sang mô hình quản lý mới.

Điều đó không có nghĩa việc thay đổi mô hình kinh doanh là dễ dàng đối với doanh nghiệp. Ngược lại, quá trình này thường rất tốn kém, đau đớn, nhiều rủi ro và không ít các trường hợp thất bại. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, cái giá phải trả cho việc không thay đổi hoặc chậm thay đổi luôn là lớn nhất và dễ nhìn thấy nhất. Để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, một số tập đoàn lớn, trong đó có những doanh nghiệp lâu đời, đã thành lập một bộ phận hay đơn vị chuyên trách nghiên cứu ứng dụng mô hình kinh doanh mới với ngân sách và quá trình ra quyết định độc lập (không chịu sự chi phối, điều hành của mảng kinh doanh hiện hữu nào).

Trong trường hợp của GE nói trên, công ti đã bước đầu thu hoạch những thành công rất ấn tượng từ nền tảng Predix, “một nền tảng dữ liệu số công nghiệp có vai trò đối với các máy móc công nghiệp như vai trò của hệ điều hành Android đối với các điện thoại thông minh, theo đó Predix là môi trường hay hệ sinh thái để các “app” công nghiệp quản lý các dàn tua-bin điện gió hay các đội đầu máy tàu hỏa”. Doanh thu do Predix đem lại cho GE năm 2016 là 6 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2015 và nhiều khả năng đạt con số 15 tỉ USD vào năm 2020 như kế hoạch của GE, đưa công ti này trở thành một trong số 10 công ti phần mềm lớn nhất thế giới. Khó ai có thể hình dung một công ti được thành lập bởi Thomas Edison cách đây gần 130 năm với những lĩnh vực kinh doanh ban đầu như bóng đèn, điện thoại và đầu máy xe lửa rồi sau này nổi tiếng với những sản phẩm công nghiệp nặng như tua-bin, động cơ máy bay, thiết bị y tế v.v… giờ đây lại trở thành một trong những công ti phần mềm hàng đầu thế giới. Để có được kết quả đó, GE đã phải đầu tư hàng tỉ đô la từ năm 2011 vào nghiên cứu Predix, với việc thành lập một đơn vị độc lập ở một địa điểm độc lập, không “chung chạ” chút nào với các mảng kinh doanh khổng lồ hiện hữu lúc đó của công ti. Lý do là nếu không làm như vậy, đơn vị non trẻ này sẽ bị bóp nghẹt bởi cơ cấu khổng lồ, phức tạp lúc đó của đế chế này.

Các gã khổng lồ khác như Google, JP Morgan, v.v… cũng thành lập những đơn vị độc lập với cơ cấu chính của tập đoàn để tập trung nghiên cứu những ý tưởng điên rồ, cách mạng nhất. Các chính phủ có thể cân nhắc áp dụng mô hình này để thành lập một cơ quan chuyên trách, không chịu sự chi phối của bộ máy quản lý (cấp bộ) hiện hành cả về ngân sách và quy trình ra quyết định, nhằm tập trung vào hình dung lại công tác quản lý Nhà nướctrong bối cảnh CMCN 4.0., thậm chí tiếp cận theo cách “xây dựng lại từ đầu.”

Quy trình hoạch định chính sách cũng cần phải ứng dụng những công nghệ mới trong xử lí dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các mô hình kinh doanh mới nói trên và nhiều thành tựu khác. Có như thế thì quản lý Nhà nướcmới đóng vai trò thúc đẩy phát triển, chứ không phải là cản trở sự phát triển như đang xảy ra ở nhiều nước trong nhiều lĩnh vực.

Vũ Tú Thành

Đại diện Cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận

Tin cùng chuyên mục

Bản sao số hệ thống mạng: Cuộc cách mạng tiếp theo trong quản lý mạng

Bản sao số hệ thống mạng: Cuộc cách mạng tiếp theo trong quản lý mạng

Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung chứng minh AI không thể thay thế trực giác con người trong toán học

Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung chứng minh AI không thể thay thế trực giác con người trong toán học

Chuyên gia bác bỏ tin đồn về 'mây động đất' tại Nhật Bản

Chuyên gia bác bỏ tin đồn về 'mây động đất' tại Nhật Bản

Chuyên gia lo ngại về 'thử nghiệm diệt vệ tinh có tính hủy diệt'

Chuyên gia lo ngại về 'thử nghiệm diệt vệ tinh có tính hủy diệt'

Tiếp năng lượng cho kỷ nguyên xe điện

Tiếp năng lượng cho kỷ nguyên xe điện

Trí tuệ nhân tạo: Giải mã những nghi vấn trong văn hóa đại chúng 

Trí tuệ nhân tạo: Giải mã những nghi vấn trong văn hóa đại chúng 

Nguyên nhân cháy rừng không chỉ đơn thuần do biến đổi khí hậu

Nguyên nhân cháy rừng không chỉ đơn thuần do biến đổi khí hậu

CEO Nvidia: Hãy nắm vững AI nếu không muốn bị tụt lại phía sau

CEO Nvidia: Hãy nắm vững AI nếu không muốn bị tụt lại phía sau

ChatGPT, AI và báo chí: Lợi ích, rủi ro cùng những vấn đề về pháp lý và đạo đức

ChatGPT, AI và báo chí: Lợi ích, rủi ro cùng những vấn đề về pháp lý và đạo đức

Sự thúc đẩy của Công nghệ tiên tiến trong quá trình tiến hóa tiếp theo của loài người

Sự thúc đẩy của Công nghệ tiên tiến trong quá trình tiến hóa tiếp theo của loài người

Đo kiểm trong sản xuất đại trà bảng mạch giá thấp: Đương đầu thách thức

Đo kiểm trong sản xuất đại trà bảng mạch giá thấp: Đương đầu thách thức

Dự báo công nghệ năm 2023 của Keysight - Kiến giải từ hãng đo lường và kiểm thử hàng đầu thị trường (phần 2)

Dự báo công nghệ năm 2023 của Keysight - Kiến giải từ hãng đo lường và kiểm thử hàng đầu thị trường (phần 2)

Tin mới cập nhật

Nền tảng EWASP của Keysight tăng cường khả năng đo kiểm và đánh giá EW của Indra

Nền tảng EWASP của Keysight tăng cường khả năng đo kiểm và đánh giá EW của Indra

Bộ tạo tín hiệu: Sự khác biệt giữa công nghệ Analog và Digital

Bộ tạo tín hiệu: Sự khác biệt giữa công nghệ Analog và Digital

Keysight AppFusion giải pháp hiển thị và bảo mật mạng toàn diện

Keysight AppFusion giải pháp hiển thị và bảo mật mạng toàn diện

Đột phá, cách mạng trong thực hiện Nghị quyết 57

Đột phá, cách mạng trong thực hiện Nghị quyết 57

Cuộc cách mạng trong ngành quảng cáo: Từ tìm kiếm đến trí tuệ nhân tạo

Cuộc cách mạng trong ngành quảng cáo: Từ tìm kiếm đến trí tuệ nhân tạo

Những dấu mốc nổi bật về khoa học công nghệ của Việt Nam 2024

Những dấu mốc nổi bật về khoa học công nghệ của Việt Nam 2024

Samsung và cuộc cách mạng 'AI cho mọi người'

Samsung và cuộc cách mạng 'AI cho mọi người'

ASUS đa dạng hóa hệ sinh thái laptop AI bằng sản phẩm mới Vivobook S 14

ASUS đa dạng hóa hệ sinh thái laptop AI bằng sản phẩm mới Vivobook S 14

Grab kết nối người dân với tuyến Metro số 1 bằng ưu đãi khủng

Grab kết nối người dân với tuyến Metro số 1 bằng ưu đãi khủng

Logitech triển khai chiến dịch mới mang tên 'I LOVE POP'

Logitech triển khai chiến dịch mới mang tên 'I LOVE POP'

 Viettel High Tech tiếp tục mở rộng tại thị trường châu Mỹ

 Viettel High Tech tiếp tục mở rộng tại thị trường châu Mỹ

Nhận diện các hình thức lừa đảo ngân hàng và biện pháp phòng tránh

Nhận diện các hình thức lừa đảo ngân hàng và biện pháp phòng tránh

Tin đọc nhiều

Bản sao số hệ thống mạng: Cuộc cách mạng tiếp theo trong quản lý mạng

Bản sao số hệ thống mạng: Cuộc cách mạng tiếp theo trong quản lý mạng

Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung chứng minh AI không thể thay thế trực giác con người trong toán học

Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung chứng minh AI không thể thay thế trực giác con người trong toán học

Chuyên gia bác bỏ tin đồn về 'mây động đất' tại Nhật Bản

Chuyên gia bác bỏ tin đồn về 'mây động đất' tại Nhật Bản

Chuyên gia lo ngại về 'thử nghiệm diệt vệ tinh có tính hủy diệt'

Chuyên gia lo ngại về 'thử nghiệm diệt vệ tinh có tính hủy diệt'

Bàn về tầm nhìn và các trụ cột của công nghệ thông tin di động 6G

Bàn về tầm nhìn và các trụ cột của công nghệ thông tin di động 6G

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Industry 4.0 là gì?

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Industry 4.0 là gì?

Nên hiểu thế nào về giá dầu âm lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại

Nên hiểu thế nào về giá dầu âm lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại

“Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp muốn tồn tại trong 10 năm tới”

“Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp muốn tồn tại trong 10 năm tới”

Chuyên gia người Việt sống 30 năm tại Nhật Bản suy ngẫm để “cứu” sông Tô Lịch và các “dòng sông chết”, ao hồ ô nhiễm tại Việt Nam

Chuyên gia người Việt sống 30 năm tại Nhật Bản suy ngẫm để “cứu” sông Tô Lịch và các “dòng sông chết”, ao hồ ô nhiễm tại Việt Nam

Phát triển các Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam

Phát triển các Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam

Video xem nhiều

Ford F-150 Lightning 2022 ra mắt: Bán tải chạy điện giá khởi điểm chưa đến 40 nghìn USD

Ford F-150 Lightning 2022 ra mắt: Bán tải chạy điện giá khởi điểm chưa đến 40 nghìn USD

Isuzu Mu-X 2021 hoàn toàn mới: Thiết kế hiện đại và đầy công nghệ

Isuzu Mu-X 2021 hoàn toàn mới: Thiết kế hiện đại và đầy công nghệ

Honda MSX 125 Grom 2021 mẫu xe côn tay phiên bản đường đua

Honda MSX 125 Grom 2021 mẫu xe côn tay phiên bản đường đua

Clip: Khuyến cáo đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng tại khu dịch vụ trong dịch Covid-19

Clip: Khuyến cáo đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng tại khu dịch vụ trong dịch Covid-19

Geneva Motor Show 2020: Bentley hé lộ siêu xe Bacalar triệu đô

Geneva Motor Show 2020: Bentley hé lộ siêu xe Bacalar triệu đô

Lộ diện siêu xe hypercar Czinger 21C tăng tốc 0-100km/h chưa tới 2 giây

Lộ diện siêu xe hypercar Czinger 21C tăng tốc 0-100km/h chưa tới 2 giây

“Rắn tiên tri” dự đoán đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan

“Rắn tiên tri” dự đoán đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan

Xe máy điện VinFast được CNN chọn là 1 trong 5 biểu tượng mới của Hà Nội

Xe máy điện VinFast được CNN chọn là 1 trong 5 biểu tượng mới của Hà Nội

Một ngày trải nghiệm giấc mơ trở thành tay đua F1 chuyên nghiệp ở Nhật Bản

Một ngày trải nghiệm giấc mơ trở thành tay đua F1 chuyên nghiệp ở Nhật Bản

Trực tiếp: Apple ra mắt Iphone 11 tại Cupertino, California, Mỹ

Trực tiếp: Apple ra mắt Iphone 11 tại Cupertino, California, Mỹ

Sếp nhà bán lẻ làm lộ ngày bán iPhone 11

Sếp nhà bán lẻ làm lộ ngày bán iPhone 11

5G thay đổi tương lai của bạn như thế nào?

5G thay đổi tương lai của bạn như thế nào?

Bàn về tầm nhìn và các trụ cột của công nghệ thông tin di động 6G
04/03/2022
Chip xử lý A15 Bionic của Apple có gì mới
15/09/2021
Sex Education mùa 3 được Netflix công chiếu vào 17/9
14/09/2021
iPhone 13 không thay đổi nhiều về ngoại hình, camera được nâng cấp mạnh
13/09/2021
Cách xem trực tiếp sự kiện ra mắt iPhone 13 và Apple Watch 7
10/09/2021
VNEID của Bộ Công an khác các ứng dụng đang được vận hành?
10/09/2021
'Cái tôi' thời 4.0 và tính hai mặt của mạng xã hội
04/09/2021
'Muôn màu' cảm xúc của trẻ trong ngày khai giảng online
24/08/2021
Chủ tịch Chu Ngọc Anh giải toả 'ách tắc' về Giấy đi đường cho người dân Thủ đô
10/08/2021
Hàng loạt Macbook M1 tự dưng vỡ màn hình, Apple có đồng ý bảo hành?
02/08/2021
6 bộ phim hay nhất để xem trên VieON
29/01/2021
Bắc Ninh: Không ký kết triển khai dự án Owifi 5G với CSE Singapore
27/06/2020
Bị World Bank cấm dự thầu 7 năm, công ty Sao Bắc Đẩu thừa nhận sai sót
27/06/2020
Wefinex - Mô hình hoạt động đa cấp "đội lốt" đầu tài chính trên mạng internet
10/06/2020
Khai trừ MISA khỏi Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam
27/05/2020
Chuyển đổi số - Nên hiểu như thế nào cho đúng
25/05/2020
Chống thất thu thuế là thách thức lớn đối với nền kinh tế số
29/04/2020
Cách chuyển tập tin sang máy tính mới
10/11/2019
VNPT, MobiFone, VTC sẽ hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021
20/08/2019
5G thay đổi tương lai của bạn như thế nào?
26/07/2019
Nhận diện hành vi lừa đảo trên không gian mạng
25/07/2019
Truyền hình OTT - Hướng đi mới của các “nhà Đài”
24/07/2019