Mobile Money: Từ thị trường tiềm năng đến quản trị rủi ro và bảo mật
Mobile money tại thị trường Việt Nam được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá là tiềm năng rất lớn khi có tới trên 100% độ phủ người dùng cùng với khả năng quản trị rủi ro và bảo mật đã đảm bảo khả năng tiếp cận tối ưu cho người dân trong tiếp cận các hình thức thanh toán để hướng tới xã hội không tiền mặt.
- Mobile Money sẽ là một dịch vụ tài chính bình dân
- Mobile Money được cấp phép thí điểm cho dịch vụ có giá trị nhỏ
- Mobile Money: Từ cốc trà đá, gửi xe, mua rau,... đều có thể sử dụng
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money).
Mô hình này hứa hẹn sẽ đem lại công nghệ thanh toán vượt xa những cách thức hiện tại, tạo ra bước ngoặt cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động là đề án đang được Bộ TT&TT, NHNN xúc tiến nhằm triển khai rộng khắp tại thị trường Việt Nam.
Từ thị trường tiềm năng...
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng triển khai thí điểm Mobile Money tại Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bước sang thế kỷ XXI, thế giới đã chứng kiến sự phát triển, đổi mới không ngừng của công nghệ thông tin và viễn thông, đặc biệt là sự bùng nổ về thông tin di động với độ phổ biến của điện thoại di động - một sản phẩm, một dịch vụ xa xỉ nay đã trở thành một sản phẩm, dịch vụ bình dân.
Với độ phủ của các thiết bị di động trong dân chúng là hơn 100% từ rất lâu sẽ là thị trơngf tiềm năng cho Mobile Money phát triển.
Mobile Money (hay tiền di động) đã có mặt và phát triển tại 95 quốc gia trên thế giới với hơn 1 tỷ tài khoản được đăng ký, với lượng giao dịch trung bình 1,9 tỉ USD mỗi ngày, không những cho phép khách hàng nạp tiền, lưu trữ, thanh toán, rút tiền và chuyển khoản nhanh chóng dưới dạng tiền điện tử thông qua mạng thông tin di động, mà còn cung cấp các dịch vụ khác như tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm… tới mọi người dân.
Chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán.
Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay. Với 2 đặc điểm chính là tính phổ cập và thanh toán giá trị nhỏ, Mobile Money sẽ góp phần cùng hệ thống ngân hàng và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác cung ứng đầy đủ các phương tiện thanh toán cho người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu của mình.
Mobile Money là một công cụ để đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của tài chính toàn diện.
Mục tiêu chính của Mobile Money là tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện không sử dụng tiền mặt cho các đối tượng là người dân nghèo, người yếu thế ít có khả năng sử dụng các phương tiện tài chính hiện đại (như thẻ ngân hàng, ứng dụng mobile banking).
Các đối tượng này có cả ở nông thôn lẫn thành thị. Thực tế ở Việt Nam, mặc dù số lượng người có tài khoản ngân hàng là khá lớn (63,7% người trưởng thành, phân bổ cả ở thành thị và nông thôn) nhưng vẫn còn số lượng lớn (kể cả tại các đô thị) chưa có tài khoản ngân hàng.
Trong số những người có tài khoản ngân hàng, rất nhiều người chỉ sử dụng được tính năng cơ bản như rút tiền (công nhân tại các khu công nghiệp) mà không sử dụng được các tiện ích khác như thanh toán, chuyển tiền do không có phương tiện và kỹ năng ứng dụng (không có điện thoại thông minh để sử dụng ứng dụng mobile banking, không biết sử dụng app...).
Mobile Money chính là một phương tiện thanh toán khả thi nhất cho những đối tượng này. Chỉ với chiếc điện thoại cơ bản quen thuộc, thao tác đơn giản dễ dàng, người dân nghèo, người yếu thế có thể tiếp cận được với dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt, thực hiện được việc chuyển tiền, thanh toán cho hàng hoá dịch vụ hợp pháp.
Do đó, việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân.
Hiện các doanh nghiệp viễn thông tham gia thí điểm Mobile Money đã có những bước đi như thế nào để triển khai phương thức giao dịch này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việc triển khai Mobile Money là phù hợp với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang rất phổ biến hiện nay trên thế giới. Dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng với tiêu chí an toàn và tiện dụng đặt lên hàng đầu.
Hiện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp viễn thông đã có kinh nghiệm triển khai dịch vụ tài chính điện tử theo hành lang giấy phép trung gian thanh toán của NHNN.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mobile Money sẽ mang lại tính tiện dụng cho người dùng.
Vì vậy đối với dịch vụ Mobile Money, Viettel đã có sẵn mạng lưới các điểm nạp rút cung cấp dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng đầy đủ yêu cầu của NHNN, đồng thời sẵn sàng cung cấp dịch vụ ngay sau khi Thủ tướng ký Quyết định thí điểm.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại, rộng khắp, kết nối trực tiếp với hơn 240 quốc gia và trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trên toàn thế giới, với hệ thống gồm 3 tuyến cáp quang trên đất liền, 5 tuyến cáp quang biển.
Đây cũng là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh tại Việt Nam, VNPT đáp ứng được những yêu cầu cao nhất về an toàn thông tin của quốc gia cũng như nhu cầu dịch vụ đa dạng của khách hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách ở mức cao nhất.
Về hệ thống kỹ thuật, công nghệ, hệ thống phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống công nghệ thông tin ngành ngân hàng, hoạt động liên tục, đảm bảo theo tiêu chuẩn PCI DSS.
Các giao dịch phải được mã hóa và xác thực; các dữ liệu nhạy cảm của khách hàng được mã hóa; lưu trữ toàn bộ lịch sử giao dịch, số dư tài khoản của khách hàng; ban hành các chính sách an toàn thông tin theo cấp độ.
Các doanh nghiệp đảm bảo định danh khách hàng, phát hiện và ngăn ngừa các giao dịch có dấu hiệu gian lận lừa đảo, phục vụ quản lý rủi ro, vận hành và khai thác kinh doanh.
Bên cạnh đó, về nhân sự doanh nghiệp đã tuyển dụng một số chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ví điện tử. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt chính, dẫn dắt đội ngũ trong quá trình triển khai dịch vụ như: đội ngũ kỹ thuật phát triển, vận hành sản phẩm, đội ngũ kinh doanh, phát triển điểm chấp nhận thanh toán, quản trị rủi ro… Đội ngũ nhân sự cũ cũng thường xuyên được tham dự các khóa đào tạo, hội thảo chuyên ngành tài chính, ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money… để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực mới.
... đến quản trị bảo mật
Thưa Bộ trưởng, các doanh nghiệp có gặp trở ngại gì trong quá trình thực hiện không?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Ba vấn đề cơ bản là bảo mật, quản trị rủi ro và định danh khách hàng được xác định là những vấn đề doanh nghiệp đặc biệt chú trọng khi chuẩn bị triển khai thí điểm Mobile Money.
Về bảo mật, cơ hội mang lại từ Mobile Money là rất lớn, song đây cũng là thách thức trong việc đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin. Doanh nghiệp luôn chú trọng nghiên cứu, đầu tư và cập nhật những giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao, đảm bảo mức độ bảo mật tốt nhất cho người dùng và cả hệ thống.
Triển khai Mobile Money sẽ được kích hoạt đồng thời với khả năng quản trị rủi ro và bảo mật.
Bên cạnh đó, đảm bảo năng lực tài chính thông qua tài khoản đảm bảo nhằm sẵn sàng chi trả cho các thiệt hại phát sinh là điều các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với tinh thần luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
Về quản trị rủi ro, khả năng rủi ro khi thực hiện giao dịch bằng Mobile Money không phải là không có. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ càng trong lưu trữ thông tin khách hàng, đảm bảo tính xác thực, an toàn, và khả năng tương thích đồng bộ của hệ thống. Tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã sẵn sàng cho ra mắt dịch vụ thanh toán Mobile Money.
Về phương thức định danh khách hàng, doanh nghiệp đã xây dựng các công cụ cho website quản lý dành cho Điểm giao dịch, Kiểm soát viên tại Điểm giao dịch để thực hiện đối soát các giao dịch cuối ngày cũng như công cụ tiếp quỹ, hoàn quỹ cho các Trung tâm kinh doanh tỉnh/thành phố và Điểm giao dịch đi kèm.
Các doanh nghiệp đã ban hành các quy trình đối soát, thanh toán, hoàn quỹ, tiếp quỹ tại Điểm giao dịch và Trung tâm kinh doanh tỉnh/thành phố nhằm hỗ trợ các Trung tâm kinh doanh tỉnh/thành phố cũng như các Điểm giao dịch kiểm soát tối đa dòng tiền luân chuyển hàng ngày.
Phóng viên: Bộ TT&TT có giải pháp nào để bảo đảm việc nhận biết, định danh tài khoản dịch vụ Mobile Money và SIM điện thoại trong bối cảnh SIM rác chưa được quản lý triệt để, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Về việc nhận biết, định danh khách hàng (KYC) sử dụng dịch vụ Mobile Money là rất quan trọng, đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông phải định danh chính xác khách hàng sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên việc định danh khách hàng cũng cần tận dụng được hạ tầng, dữ liệu viễn thông đã thu thập được của các nhà mạng, không thực hiện thu thập lại dữ liệu đã có, tránh lãng phí.
Do vậy, trong quá trình phối hợp với NHNN, Bộ TT&TT đề xuất yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các bước sau đây để loại bỏ tình trạng sử dụng SIM rác (SIM có thông tin thuê bao không chính xác) để đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Khi cung cấp dịch vụ Mobile Money cho khách hàng, doanh nghiệp phải yêu cầu cung cấp chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu mà khách hàng đó đã sử dụng để đăng ký thuê bao di động và đã được doanh nghiệp viễn thông định danh, xác thực theo quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Khách hàng phải đã sử dụng dịch vụ thông tin di động trong ít nhất 3 tháng liền tính đến thời điểm đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm xây dựng công cụ để quản lý rủi ro và quy trình định danh khách hàng đảm bảo khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money là khách hàng đã cung cấp thông tin thuê bao chính xác cho doanh nghiệp khi đăng ký thuê bao di động và đã được doanh nghiệp định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động.
Doanh nghiệp viễn thông sẽ bị xem xét đình chỉ việc tham gia thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money nếu cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng thông tin thuê bao không chính xác.
Với sự thuận lợi trong thanh toán và tiềm năng khai thác lớn, trong khi khung pháp lý cho loại hình này chưa hoàn chỉnh, xin Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT có sự phối hợp với NHNN như thế nào để hạn chế những rủi ro xảy ra với loại hình này?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Từ năm 2018 tới nay, Bộ TT&TT đã tích cực phối hợp với NHNN xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Dự thảo Quyết định có quy định các điều kiện tham gia thí điểm như: điều kiện cụ thể về phạm vi địa lý, hàng hóa, dịch vụ, các quy trình, nghiệp vụ được phép triển khai thí điểm, các điều kiện cụ thể đối với việc đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp viễn thông, đảm bảo xác thực khách hàng, phòng, chống rửa tiền, điều kiện đối với việc lựa chọn và quản lý các điểm kinh doanh, đơn vị chấp nhận thanh toán, điều kiện về kỹ thuật, công nghệ thông tin, quyền và trách nhiệm đối với khách hàng…
Ngoài ra, dự thảo Quyết định cũng quy định cụ thể về trách nhiệm, quy trình, cách thức tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp viễn thông, Bộ TT&TT và NHNN; quy định về quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận