Nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản trong thời đại công nghiệp 4.0
Năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành Xuất bản vẫn đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Phạm Chí Thành
Giám đốc – Tổng biên tập Nhà XB Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật
Xuất bản là một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của Đảng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác xuất bản, những năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển. Trong đó, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản” là văn bản thể hiện đầy đủ, cụ thể, sâu sắc nhất quan điểm của Đảng ta về vấn đề này.
Quán triệt triển khai thực hiện các chỉ thị và nghị quyết của Đảng về công tác xuất bản, hoạt động xuất bản trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm hơn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách. Nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại sách ngày càng phong phú và đa dạng. Phương thức xuất bản, phát hành sách bước đầu được cải tiến và thích ứng với cơ chế thị trường.Đội ngũ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách có nhiều cố gắng, trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao. Một số nhà xuất bản, công ty sách đã tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin để tiến hành những hình thức kinh doanh mới như: mua bán sách trực tuyến qua mạng internet, xuất bản sách truyền thống kèm các sản phẩm sách điện tử. Hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sách có nhiều chuyển biến tích cực với sự xuất hiện của những mô hình hiện đại như cà phê sách, đường sách. Hoạt động mua bán bản quyền sách với các đối tác nước ngoài đã dần phát triển và ngày càng diễn ra sôi động. Một số nhà xuất bản, công ty sách đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong các giao dịch tác quyền và phát huy hiệu quả cao. Cơ chế hoạt động và quản lý công tác xuất bản, phát hành sách đã có bước đổi mới…
Tuy nhiên, công tác xuất bản, phát hành sách vẫn còn nhiều mặt hạn chế.Số lượng và chất lượng sách chưa đáp ứng yêu cầu. Số bản sách trên đầu người chưa thực hiện được mục tiêu theo tinh thần của Chỉ thị số 42-CT/TW. Chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn của các thể loại sách nói chung, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trịnói riêng còn hạn chế. Cơ cấu sách chưa hợp lý, chưa có nhiều đầu sách hay, có giá trị lý luận và thực tiễn cao.
Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập, chủ yếu là xuất bản truyền thống, việc xuất bản điện tử chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Công tác rà soát, quy hoạch các nhà xuất bản sách chưa kịp thời, không quyết liệt, còn lúng túng nên nhiều nhà xuất bản còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ.
Bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập, xuất bản, phát hành sách còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động xuất bản trong tình hình hiện nay. Đội ngũ biên soạn sách chưa có nhiều chuyên gia có trình độ cao, có uy tín ở tầm quốc tế.
Nguy cơ tụt hậu về công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh so với các nước trong khu vực và thế giới có dấu hiệu ngày càng lớn. Mạng lưới xuất bản, in và phát hành còn chưa rộng khắp, đặc biệt ở những khu vực khó khăn về giao thông hoặc các địa phương xa các trung tâm đô thị lớn.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế với đặc trưng chủ yếu là chịu sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động xuất bản đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen đòi hỏi ngành xuất bản phải có sự đổi mới, chuyển mình, có những bước đi đúng đắn, phát huy những thành tựu đã đạt được, hạn chế tiến tới khắc phục những yếu kém, bất cập nêu trên nhằm thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ tác động trực tiếp và làm thay đổi toàn bộ “ngành công nghiệp tri thức”, trong đó có ngành Xuất bản, từ cách các nhà xuất bản tiếp cận thị trường, quy trình xuất bản, cách thức xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, vấn đề bản quyền cho tới cách thức quản lý xuất bản, văn hóa xuất bản. Trong hoạt động xuất bản, sự thay đổi đó đồng thời làm thay đổi mô hình và quá trình xuất bản sang môi trường internet, điện tử.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà xuất bản truyền thống nếu không thích nghi, kịp thời ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cùng những lợi thế của xu hướng xuất bản số, xuất bản điện tử vào quy trình xuất bản; không có điều kiện về nguồn vốn để thay thế máy móc, trang thiết bị hiện đại; không đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và cơ chế, cách thức hoạt động... sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường.
Vậy, để tận dụng những thuận lợi cũng như hạn chế, ứng phó với khó khăn, thách thức, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, phát hành sách, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp:
Xây dựng cơ sở hạ tầng: Xuất bản 4.0 đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở. Các nhà xuất bản cần phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo qua sự chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc; tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học- công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; lựa chọn những mảng xuất bản đặc thù để xây dựng thương hiệu riêng, độc đáo cho mình; tăng cường xây dựng các website, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị mình.
Thứ hai, đào tạo nhân lực: Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Quan tâm tới nhân lực xuất bản đảm bảo về chất lượng, đầy đủ về số lượng để đáp ứng yêu cầu của ngành là việc làm cấp bách. Bản thân mỗi cá nhân hoạt động trong ngành xuất bản cũng cần có sự chủ động, tích cực nâng cao trình độ, tăng cường tri thức, nâng cao khả năng thích nghi, dám đối mặt với thách thức.
Thứ ba, xây dựng môi trường pháp lý: Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động xuất bản diễn ra lành mạnh, đúng pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử diễn biến hết sức phức tạp, trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp hoặc nhà xuất bản muốn phát triển xuất bản điện tử. Mặc dù điều kiện công nghệ đã và đang được hoàn thiện, nhu cầu và thái độ của bạn đọc đối với sách điện tử đang chuyển biến tích cực song tình trạng vi phạm bản quyền vẫn là điểm mấu chốt ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển.
Thứ tư, phát triển thị trường sách điện tử và dịch vụ xuất bản mới trên cơ sở “kết hợp hài hòa” với thị trường sách in truyền thống:Tạo điều kiện để các nhà xuất bản, nhà sản xuất và phân phối khéo léo kết hợp giữa 2 loại hình sách in truyền thống và sách điện tử, để dần thu hút ngườiđọc, đặc biệt là những người có thời gian sử dụng máy tính cao, đến với các ấn phẩm truyền thống thông qua quảng cáo, trích đăng trên mạng internet; xây dựng hệ thống thư viện điện tử thuận lợi phục vụ cho tra cứu, tìm kiếm sản phẩm xuất bản truyền thống; thay đổi phương thức giáo dục dựa trên ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại...
Thứ năm, công nghệ quản lý mới: Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ quản lý chuyên ngành, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Cùng với công nghệ quản lý mới, trong điều kiện hệ thống thông tin trở nên vô cùng đa dạng, những thông tin thừa, thiếu chính xác, thậm chí là những thông tin mang tính xuyên tạc, mang mục đích, động cơ không lành mạnh cũng xuất hiện và tồn tại như một phần tất yếu. Như vậy, cả người làm xuất bản và độc giả đều sẽ rất khó khăn trong lựa chọn, chắt lọc thông tin. Vì thế, cần nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Có thể nói, đây là một trong những yêu cầu căn bản và cấp thiết nhất ở mọi quốc gia hiện nay, khi phải giải bài toán “cách mạng công nghệ 4.0”.
Tóm lại, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản Việt Nam cần sớm nhận ra những cơ hội và thách thức, giải quyết những yêu cầu đặt ra về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực... để nắm chắc cơ hội, chủ động bắt kịp xu hướng phát triển của xuất bản thế giới, nhằm góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản trong tình hình mới.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận