Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng quy hoạch ngành quốc gia theo Luật Quy hoạch 2017
Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. Luật Quy hoạch ra đời là một nhân tố mới có tác động đa chiều từ tư duy, cách nghĩ, cách làm… có tính bao trùm hướng tới việc tổ chức không gian lãnh thổ, phát triển KT-XH đảm bảo phát triển bền vững…
Báo chí Việt Nam. Ảnh: Internet
Lần đầu tiên kể từ trước đến nay, nước ta xây dựng Quy hoạch các cấp một cách tổng thể, thống nhất về giai đoạn thời kỳ và có sự liên kết chặt chẽ giữa quy hoạch các cấp, các ngành và lĩnh vực và địa phương.
Tuy vậy, quá trình tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia của một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành và áp dụng Luật Quy hoạch như sau:
Thứ nhất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu lập quy hoạch ngành quốc gia. Thực hiện theo đúng trình tự thủ tục của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành, một số đơn vị chủ đầu tư dự án đã thuê tư vấn đấu thầu và thực hiện việc đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, sau khi thời gian gia hạn thêm cho các nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu đã kết thúc, đơn vị chủ đầu tư dự án vẫn không nhận được hồ sơ dự thầu nào của các nhà thầu.
Tình trạng này xuất phát do một số nguyên nhân: đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống quy hoạch cả nước được xây dựng một cách tổng thể, có mối quan hệ hữu cơ cả về chiều dọc giữa các cấp của Quy hoạch từ Quy hoạch tổng thể quốc gia đến quy hoạch các tỉnh, thành phố cũng như tính liên kết chiều ngang giữa các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, tỉnh, thành phố. Đối với các quy hoạch ngành quốc gia thì mỗi quy hoạch lại mang tính tổng thể, thống nhất của cả ngành đó chứ không quy hoạch riêng lẻ như trước đây. Do vậy, đây là nhiệm vụ mới và khó, yêu cầu đơn vị tổ chức xây dựng quy hoạch phải có đủ năng lực, kinh nghiệm và khả năng bao quát tổng thể cho toàn ngành. Mặt khác, do đặc trưng, yêu cầu của một số quy hoạch ngành quốc gia đặc thù, ví dụ như báo chí, thông tin đối ngoại, giáo dục, y tế... là những lĩnh vực liên quan đến thông tin, văn hóa, tư tưởng, giáo dục mà từ trước đến nay, các quy hoạch ngành, lĩnh vực này đều do các Viện nghiên cứu đầu ngành của các Bộ chức năng thực hiện. Tất cả các yêu cầu này dẫn đến kết quả là không có nhà thầu đáp ứng được yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo Điều 4 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và không có nhà thầu nào tham gia dự thầu.
Trong khi đó, xét về năng lực thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thì các Viện Chiến lược của các Bộ, ngành là những đơn vị có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực và am hiểu ngành nhất lại không được thực hiện các nội dung tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia mà phải mời các đơn vị thầu khác do quy định tại Khoản 2a, Điều 6 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu “Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với Chủ đầu tư, bên mời thầu”.
Thứ hai, vướng mắc tiến độ lập quy hoạch. Theo điều 6 Luật Quy hoạch, quy hoạch cấp trên là cơ sở cho quy hoạch cấp dưới. Đây là yêu cầu của Luật để bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch. Theo đó, phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia trước, sau đó lập các quy hoạch cấp dưới, điều này dẫn đến việc có thể phải mất thời gian dài mới xong các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh. Để khắc phục khó khăn này, Quốc hội đã cho phép quy hoạch các cấp quốc gia và quy hoạch vùng, tỉnh thực hiện đồng bộ, đồng thời, song song, để có thể đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển nhưng vẫn bảo đảm đồng bộ giữa các quy hoạch. Tuy nhiên, trong thực tế xây dựng quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch cấp tỉnh, do yêu cầu Điều 4 về nguyên tắc lập quy hoạch và Điều 6 về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, vẫn phải đồng bộ, thống nhất, dựa trên cơ sở nội dung của quy hoạch ngành quốc gia nên các quy hoạch cấp dưới vẫn phải chờ đợi, phụ thuộc vào tiến độ và các nội dung của các quy hoạch cấp trên.
Ngược lại, để xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia hoặc Quy hoạch ngành quốc gia lại được xây dựng trên cơ sở tích hợp các quy hoạch hợp phần nhỏ. Như vậy, việc xác định xây dựng Quy hoạch tổng thể trước hay quy hoạch hợp phần trước vẫn đang gây ra sự lúng túng trong trình tự xây dựng quy hoạch các cấp.
XEM THÊM: Quy hoạch báo chí: Cơ hội để báo chí phát triển lành mạnh
Thứ ba, chưa có cơ chế phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin giữa các quy hoạch ngành quốc gia với các quy hoạch các cấp. Hiện nay, quy hoạch các cấp được phép thực hiện đồng thời, song song. Tuy nhiên, chưa có cơ chế phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị xây dựng quy hoạch nên dẫn đến tình trạng thiếu sự liên kết giữa các ngành trong xây dựng quy hoạch. Thậm chí có thể gây sự chồng chéo trong bố trí không gian và định hướng sử dụng các nguồn tài nguyên như đất đai, vùng bờ, biển…Ví dụ, trong xây dựng quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông và quy hoạch báo chí, nếu không có sự liên kết, chia sẻ với quy hoạch đất đai, quy hoạch tỉnh… có thể dẫn đến việc bố trí hạ tầng thông tin không phù hợp với quy hoạch đất đai, và quy hoạch kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố….
Thứ tư, vướng mắc về tài chính, đối với các quy hoạch ngành quốc gia được giao thực hiện, các hướng dẫn tại Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 về hướng dẫn định mức cho quy hoạch đã rất rõ ràng, tuy nhiên về phần chi phí cho bản đồ, chưa có quy định rõ định lượng và nội hàm của bản đồ số và việc tích hợp bản đồ số với bản đồ số quốc gia cụ thể để có thể tính giá phù hợp.
XEM THÊM: Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030
Thứ năm, khó khăn trong việc báo cáo tiến độ triển khai chính xác. Thực tiễn tổ chức và lập quy hoạch ngành quốc gia cho thấy có nhiều vấn đề phát sinh như vướng mắc về đấu thầu đã nêu ở trên, hay vướng mắc về cơ chế tài chính… Đây là những vướng mắc phát sinh ngoài dự kiến khi xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia, cần thêm thời gian để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn từ các Bộ chức năng. Do đó, việc triển khai lập quy hoạch theo đúng tiến độ đã quy định trong Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch không khả thi và rất khó dự báo tiến độ chính xác.
Nguyễn Thị Thanh Vân - Ban Thông tin, Báo chí, Xuất bản và Quảng cáo
Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận