Quy hoạch báo chí: Cơ hội để báo chí phát triển lành mạnh
Tại sao cơ quan báo chí của tôi phải Quy hoạch? “Được” Quy hoạch hay “Bị” quy hoạch? Quy hoạch xong thì chúng tôi sống thế nào? Năm ngoái đã Quy hoạch xong hết rồi thì năm nay, 2021, có “Quy hoạch” nữa không? ..vv... Nhiều câu hỏi như vậy đã, đang và sẽ còn được các cơ quan báo chí đặt ra.... Những tâm tư, nỗi niềm cùa một bộ phận người làm báo là không thể tránh khỏi, và vẫn sẽ đặt ra những vấn đề mà chúng ta phải tiếp tục giải quyết. Nhưng còn nỗi niềm, tâm tư, thậm chí là bức xúc của xã hội đối với một bộ phận cơ quan báo chí thì sao?
- Trao giấy phép 18 tạp chí theo quy hoạch báo chí
- Bảo vệ, phát huy các giá trị Việt trong thời buổi “xuyên biên giới”
- Cơ quan báo chí cần sớm áp dụng những biện pháp an ninh mạng
Ban biên tập Tạp chí Điện tử trích lược tham luận của Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ thông tin và Truyền thông về việc Quy hoạch báo chí tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ thông tin và Truyền thông
Năm 2020, Bộ Thông tin và truyền thông đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng số cơ quan báo chí đã giảm đi 71 cơ quan, khiến cho bộ máy tinh gọn hơn. Hàng chục cơ quan báo chí đã chuyển loại hình hoạt động từ báo sang tạp chí chuyên sâu chuyên ngành, hoạt động đúng với tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người đọc. Các cơ quan chủ quản báo chí cũng coi đây là một dịp để rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan ngôn luận của mình.
Bộ TTTT đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn liên quan đến hàng trăm cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, đảm bảo yêu cầu, tiến độ đề ra, và đặc biệt là tạo được sự đồng thuận, thấu hiểu giữa cơ quan quản lý và một bộ phận cơ quan báo chí thuộc diện quy hoạch. Trong tham luận này, chúng tôi muốn được “trần tình”, giãi bày thêm những câu chuyện bên trong, đồng thời làm sáng tỏ những gì còn chưa rõ và gây tranh cãi, xung quanh là câu chuyện Quy hoạch và phát triển báo chí.
Tại sao cơ quan báo chí của tôi phải Quy hoạch? “Được” Quy hoạch hay “Bị” quy hoạch? Quy hoạch xong thì chúng tôi sống thế nào? Năm ngoái đã Quy hoạch xong hết rồi thì năm nay, 2021, có “Quy hoạch” nữa không? ..vv... Nhiều câu hỏi như vậy đã, đang và sẽ còn được các cơ quan báo chí đặt ra.... Những tâm tư, nỗi niềm cùa một bộ phận người làm báo là không thể tránh khỏi, và vẫn sẽ đặt ra những vấn đề mà chúng ta phải tiếp tục giải quyết. Nhưng còn nỗi niềm, tâm tư, thậm chí là bức xúc của xã hội đối với một bộ phận cơ quan báo chí thì sao?
Quy hoạch báo chí, nhìn từ góc độ QLNN, thực sự là 1 đợt “Tổng kiểm tra sức khoẻ” của hệ thống hàng trăm cơ quan báo chí Việt nam. Quá trình sắp xếp lại các cơ quan này đã giúp phơi bày một số thực trạng không mấy tự hào trong làng báo Việt nam: Tình trạng buông lỏng quản lý đến mức đáng báo động trong nội bộ một số cơ quan báo chí, từ khâu tuyển dụng cho đến quy trình tác nghiệp và quy định đạo đức nghề nghiệp; tình trạng “thương mại hoá” báo chí từ cách thức thô sơ nhất cho đến những hình thức tinh vi, bán, khoán pháp nhân, quyền khai thác ấn phẩm, chuyên trang cho đối tác bên ngoài, mở vô tội vạ các VP Đại diện, cơ quan thường trú của cơ quan báo chí tại các địa phương, rồi khoán doanh thu, ốp nộp tiền về cho toà soạn, và rồi khoán trắng mọi việc (cá biệt có cả dư luận, thông tin về việc một số toà soạn “bán” cả giấy giới thiệu liên hệ công tác, khiến cho bất cứ ai có tiền mua giấy giới thiệu đều có thể đóng vai phóng viên đến sách nhiễu, vòi vĩnh cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức...).
Những biến tướng, lệch lạc, thậm chí là những sai phạm đó trong hoạt động báo chí không chỉ có trách nhiệm của phóng viên hay cơ quan báo chí. Sự buông lỏng quản lý (hoặc vì bất lực, hoặc do thông đồng) của nhiều cơ quan chủ quản đối với tờ báo hay tạp chí của mình cũng góp phần làm cho các sai phạm đó nhức nhối thêm và kéo dài trong nhiều năm. Không ít cơ quan chủ quản thực tế không giúp gì được cho cơ quan báo chí phát triển, nhưng lại đề ra nhiều khoản đóng góp không đúng quy định của pháp luật cho cơ quan báo chí, hoặc coi việc cơ quan báo chí phải nuôi mình là đương nhiên... Những ràng buộc kinh tế như vậy đã khiến Tôn ti trật tự giữa chủ quản và cơ quan báo chí có lúc bị đảo lộn, nhiều lúc không rõ là ai mới thực sự quản lý ai.
Báo chí chúng ta những năm qua đã làm khá tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, phê phán mạnh mẽ những thói hư, tật xấu, những điều sai trái trong xã hội... Thế nhưng làng báo lại khá dễ dãi, mắt nhắm mắt mở và không mấy khi phê phán những sai phạm, thiếu sót trong chính giới báo chí của mình. Trong khi xã hội cảm thấy bức xúc, mất lòng tin, thậm chí khiếp sợ một bộ phận báo chí đánh đấm, quy chụp, nhũng nhiễu, thì trong làng báo, xu hướng “tự phê bình” vẫn còn yếu ớt.
Báo chí của chúng ta là Báo chí cách mạng, với những sứ mạng cao cả đã được Đảng, Nhà nước và xã hội trao cho, với những thành quả to lớn đã được ghi nhận. Nhưng không phải tờ báo nào hiện nay cũng làm đúng với sứ mạng này. Do vậy, đã đến lúc phải kiên quyết sắp xếp lại, chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong báo chí gây bức xúc cho xã hội, làm giảm niềm tin của xã hội đối với báo chí, làm ảnh hưởng tới đội ngũ những người làm báo chân chính.
Với Luật Báo chí chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017, Quy hoạch báo chí được ban hành từ 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Tuyên giáo Trung ương, và với tầm nhìn, cách nghĩ, cách làm mới của đ/c Tư lệnh ngành thông tin truyền thông, Công tác QLNN về Báo chí từ gần 3 năm nay đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ từ cách làm cũ sang cách làm mới: Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để nắm bắt các xu hướng thông tin, điều tiết nhiệt độ thông tin theo “số lớn”, quản lý gắn liền với việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc để cơ quan báo chí phát triển, đặc biệt là quan tâm giải quyết vấn đề “kinh tế báo chí” và chuyển đổi số trong báo chí. Công tác hậu kiểm, thanh tra, xử lý vi phạm trong báo chí đã được thực hiện kiên quyết, bài bản, đồng bộ, điểm mặt, chỉ tên rõ những vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí Cùng với đó là các giải pháp, động thái chấn chỉnh mạnh mẽ đối với các biểu hiện biến tướng, quan điểm lệch lạc trong cách làm báo, chấn chỉnh tình trạng hoạt động sai tôn chỉ, mục đích với động cơ không trong sáng. Quyền lực xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí giờ đây cũng đã được Chính phủ được trao thêm cho các địa phương, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác hậu kiểm và quản lý báo chí cả nước lên hàng chục lần.
Năm 2020 không chỉ có những nỗ lực trong việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Trước Những khó khăn và biến động về kinh tế - xã hội do đại dịch Covid - 19 gây ra, Chính phủ cũng đã có nhiều quyết sách chưa từng có để khẳng định cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ vực dậy nền kinh tế, động viên những nỗ lực chung của toàn xã hội, trong đó có báo chí. Riêng Bộ TTTT đã chủ động dành 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách được cấp năm 2020 để đặt hàng đối với hàng chục cơ quan báo chí sản xuất tin, bài về phòng chống đại dịch Covid. Và vào những ngày cuối năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định giao 58 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để tiếp tục đặt hàng các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nguồn kinh phí này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều cơ quan báo chí đang gồng mình để tồn tại trong hoàn cảnh đại dịch và xu hướng suy giảm nguồn thu quảng cáo. Nhưng không phải chỉ có vậy: Bộ TTTT vừa qua cũng đã trình Chính phủ một Đề án lớn, thực hiện trong 5 năm tới, nhằm hỗ trợ báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, với nhiều đề xuất mang tính đột phá trong cách nghĩ, cách làm. Nếu được phê duyệt đi vào thực hiện, đây sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho việc Chính phủ luôn hài hoà giữa nhu cầu quản lý và phát triển báo chí: Quy hoạch báo chí, gắn với những giải pháp căn cơ về quản lý, phát triển, sẽ giúp cho nền báo chí Việt nam có hành lang pháp lý rõ ràng, có nguồn lực để phát triển đúng hướng, lành mạnh, giúp người làm báo chân chính có thể sống được bằng nghề.
Những kết quả, thành tích đạt được của năm 2020 trong lĩnh vực QLNN về báo chí cũng dự báo cho một năm 2021 tiếp tục bận rộn và sôi động: Rà soát, cấp phép lại cho hàng loạt cơ quan báo chí để làm rõ những yêu cầu về tôn chỉ, mục đích, loại hình hoạt động; Hoàn thành cấp đổi toàn bộ thẻ nhà báo giai đoạn 2021-2025 với quy trình rà soát chặt chẽ, khẳng định vinh dự và sứ mệnh đặc biệt của người được cấp thẻ; Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí để kiến nghị những sửa đổi căn bản giúp báo chí phát triển; Tiếp tục thực hiện Quy hoạch báo chí kết hợp với việc hoàn thiện thể chế về kinh tế báo chí; Xây dựng đề án thành lập các Tổ hợp truyền thông Nhà nước chủ lực, đa phương tiện, có khả năng cạnh tranh, lan toả thông tin chính thống và giá trị tốt đẹp của người Việt nam trong các không gian truyền thông mới; Điều tiết, định hướng thông tin báo chí bằng công nghệ, bằng số liệu lớn, hỗ trợ báo chí trong tiến trình chuyển đổi số.....
Báo chí cách mạng Việt nam, thực hiện tốt Quy hoạch báo chí, với nguồn lực mới và ý thức rõ nét hơn về sứ mệnh của mình, sẽ phát triển lành mạnh, truyền đi một năng lượng tích cực, thực sự phản ánh được dòng chảy chính, tạo được niềm tin và đồng thuận xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để xây dựng một Việt nam phát triển, thịnh vượng.
Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm
Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận