Ebook ở thư viện: Rất lắm phiền toái
Trái với những hình dung về sách điện tử, ebook không phải là một file máy tính mà thư viện có thể tùy ý “sao chép” ra bao nhiêu bản cho độc giả mượn cũng được mà được vận hành trên cơ sở những điều khoản ràng buộc xuất phát từ sự khác biệt về tầm nhìn giữa đơn vị phát hành sách và thư viện - vẫn đang hạn chế khả năng tiếp cận ebook rộng rãi của công chúng và làm đau đầu các nhà quản lý thư viện trên thế giới.
Ảnh: wabisabilearning.com
Theo Hiệp hội Thư viện Mỹ, số lượng ebook lưu hành tại các thư viện thành viên đang tăng trưởng với tốc độ 30% mỗi năm. Năm 2017, có hơn 391 triệu ebook được mượn thông qua hệ thống thư viện công cộng tại quốc gia này, theo CNN.
Vẫn phải “xếp hàng”
Khi bỏ tiền mua sách giấy, người mua có toàn quyền sử dụng đối với ấn bản mà mình sở hữu, bao gồm cho, tặng, quyên góp từ thiện, bán lại, cho thuê. Trong trường hợp của thư viện, khi nhập sách về kho thì có thể cho người sử dụng thư viện mượn lại - miễn phí hoặc có tính phí. Điều này không đúng với ebook.
Khi trả tiền cho một quyển sách điện tử, bạn không thật sự “sở hữu” quyển sách đó, mà chỉ được cấp phép truy cập và tải nội dung tương ứng về thiết bị, với những điều khoản ràng buộc do bên bán đặt ra như không được phép cung cấp nội dung điện tử đó cho bên thứ ba.
Tại Mỹ, để được phép cho mượn ebook, các thư viện phải trả số tiền không nhỏ cho những loại giấy phép đặc biệt. Giá một giấy phép như vậy có thể lên đến 40-60 USD cho một tựa sách mới - đắt hơn cả sách giấy truyền thống. Số lượng người được phép “mượn” ebook cùng lúc cũng bị giới hạn chỉ 1 người/giấy phép, có nghĩa là ai muốn mượn ebook vẫn phải... xếp hàng chờ đến lượt, chẳng khác gì quy trình mượn sách truyền thống thường thấy ở thư viện. Nó không giống việc bạn có một file PDF trên máy tính và có thể tùy thích gửi cho cả trăm người qua email.
Mượn sách điện tử ở thư viện cũng nhiêu khê không khác gì sách giấy. Ảnh: Washington Post
Không may cho các thư viện là những giấy phép này cũng có “hạn sử dụng”, chứ không phải mua một lần là xài cả đời. Về điểm này thì mỗi đơn vị phát hành lại có chính sách khác nhau. Như giấy phép của Nhà xuất bản HarperCollins sẽ hết hạn sau 26 lần mượn. Theo lý giải của Josh Marwell - giám đốc kinh doanh HarperCollins, nếu tạm tính mỗi người mượn ebook trong vòng trung bình 2 tuần thì con số 26 lượt mượn sách là vừa chẵn 1 năm.
Thử tưởng tượng một thư viện cứ mỗi năm lại phải mua bản mới thay cho cùng một quyển sách in dù mới cho mượn được 26 lần, trong khi chúng vẫn còn mới và hoàn toàn có thể tiếp tục nằm trên kệ. Thế nhưng Marwell lại cho rằng một quyển sách giấy mà qua tay 26 người thì cũng... “hết xài”, chứ huống hồ là ebook.
Nhà xuất bản Macmillan thì bán ebook cho thư viện với giá cao hơn khoảng 1,5 lần so với giá bìa, kèm thời hạn sử dụng là 2 năm hoặc 52 lượt mượn, tùy điều kiện nào tới trước. Hai nhà xuất bản khác trong nhóm “Big Five” (5 nhà xuất bản sách tiếng Anh lớn nhất thế giới) là Penguin Random House và Hachette thì chọn cách bán ebook ban đầu cho thư viện với giá khá “chát” nhưng không ràng buộc về số lượt mượn, tức là không cần phải gia hạn. Hachette còn có chính sách giảm giá đối với những tựa sách đã ra thị trường được hơn 1 năm.
Nhà xuất bản không mặn mà
Dù thư viện sẵn sàng trả giá cao cho ebook, một số nhà xuất bản vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với việc đưa ebook vào thư viện vì lo ngại ảnh hưởng doanh số bán lẻ. Tháng 11-2019, Macmillan bắt đầu thực hiện chính sách mới nhằm hạn chế số lượng ebook bán cho thư viện.
Theo đó, mỗi thư viện chỉ được phép mua 1 bản ebook đối với các tựa sách mới phát hành, và chỉ được mua số lượng ebook không giới hạn đối với những sách đã phát hành từ 2 tháng trở lên. Chính sách này được đánh giá là cố tình “làm khó” thư viện khi mà các thư viện thường mua nhiều bản ebook của cùng 1 tựa sách, nhất là đối với những sách “hot” trên thị trường, nhằm tránh tình trạng người đọc phải đợi quá lâu mới có thể mượn sách.
Trong một thông báo về chính sách mới được Washington Post trích dẫn, CEO Macmillan John Sargent cho rằng thực trạng người đọc mượn ebook từ thư viện thay vì bỏ tiền mua ebook đang “ăn vào doanh số” bán sách của hãng.
Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, doanh số bán lẻ ebook tại Mỹ giảm liên tục từ năm 2014 đến nay, trong khi doanh số sách giấy lại có sự tăng trưởng tích cực. Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng nhấn mạnh không có bằng chứng cho thấy doanh số bán ebook sụt giảm có liên hệ với việc người đọc mượn sách của thư viện.
Đáp lại, nhiều mạng lưới thư viện tại Mỹ đã kêu gọi tẩy chay ebook của Macmillan. Hiệp hội Thư viện Mỹ cho biết đang cân nhắc các giải pháp pháp lý. “Tại sao một nhà xuất bản lại có quyền quyết định cách thức vận hành của các thư viện công? Họ có thể nói rằng họ bán ebook cho chúng tôi không có lời và muốn chúng tôi phải trả nhiều tiền hơn. Như vậy còn có thể hiểu được, chứ tại sao lại từ chối bán ebook cho thư viện?” - Washington Post dẫn lời Lisa Rosenblum, giám đốc điều hành hệ thống thư viện King County ở bang Washington (Mỹ).
Theo Rosenblum, lệnh “cấm vận” của Macmillan sẽ khiến danh sách chờ mượn ebook ùn ứ và thư viện phải tốn nhiều tiền hơn để giải quyết. Hệ thống thư viện King County của Rosenblum năm ngoái đã chi hơn 2 triệu USD - 16% ngân sách duy trì đầu sách - cho ebook. Con số này dù cao nhưng vẫn chưa bằng tiền đầu tư cho sách giấy truyền thống, chiếm khoảng 7 triệu USD, hay 52% ngân sách.
Amazon Publishing - đơn vị sản xuất ebook của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, công ty sở hữu thương hiệu máy đọc sách điện tử Kindle nổi tiếng - chọn giải pháp không bán bất cứ tựa sách ebook nào cho thư viện, đồng thời từ chối nêu lý do.
Ảnh: natesebooknews.com
Đôi bên cùng có lợi
Trái ngược với sự lo ngại của Macmillan và Amazon, nhiều đơn vị xuất bản sách cho rằng thư viện là đòn bẩy quan trọng để giới thiệu tác giả mới đến với công chúng, đồng thời thúc đẩy doanh số bán sách.
“Những chính sách (làm khó thư viện với ebook) như vậy không chỉ gây tổn hại không đáng có đối với những người ở bên lề xã hội, đặc biệt là người nghèo và tàn tật, mà còn cho thấy họ không thật sự hiểu về thư viện và những người sử dụng chúng” - Washington Post dẫn lời độc giả D. V. Thorn, người khuyết tật không thể tự đi lại và hầu như không ra khỏi nhà.
Thorn cho biết nhờ vào ebook và sách nói (audio book) mà anh đã đọc được hơn 800 tựa sách. “Rất nhiều người mượn sách của thư viện để đọc thử xem nội dung quyển sách đó như thế nào, sau đó bỏ tiền túi mua những quyển sách mà mình thích. Tôi là một trong số đó!” - Thorn cho biết.
“Chúng tôi đang làm việc với hàng tá nhà xuất bản sẵn sàng tặng miễn phí ebook cho thư viện, miễn là sách của họ tới được tay người đọc. Vì họ thấy được rằng khi một tác giả được thư viện quảng bá thì doanh số bán sách giấy, ebook và cả sách nói của tác giả đó cũng tăng theo” - Washington Post dẫn lời Steve Potash, giám đốc điều hành OverDrive, công ty đóng vai trò cầu nối giữa thư viện và các đơn vị phát hành ebook nhằm thương lượng giá cả và cung cấp công cụ quản lý kho sách điện tử. OverDrive hiện làm việc với hơn 43.000 thư viện trên khắp nước Mỹ, và là đơn vị trung gian duy nhất có thể cung cấp quyền bản quyền ebook dành cho máy Kindle cho các thư viện.
Những dịch vụ tương tự như OverDrive đang dần trở nên phổ biến, giúp các hệ thống thư viện trở nên gắn kết hơn, có thể dùng chung và chia sẻ nguồn tài nguyên ebook với nhau. Ví dụ, một độc giả đăng ký thẻ thành viên của thư viện ở thành phố này vẫn có thể mượn ebook có trong kho của một thư viện ở thành phố khác, miễn là vẫn tuân thủ nguyên tắc “xếp hàng”, ai đăng ký trước được mượn trước.
Tuy vậy, với các hạn chế của mô hình thư viện truyền thống, một số độc giả có nhu cầu đọc nhiều ebook đã bắt đầu từ bỏ thẻ thư viện để đăng ký các dịch vụ “thuê bao” ebook hằng tháng như Kindle Unlimited, Scribd hay Bookmate.
Sử dụng các dịch vụ được ví như “Netflix dành cho dân mọt sách” này, người dùng chỉ phải trả một khoản phí cố định hằng tháng là có thể thỏa sức đọc bao nhiêu ebook tùy thích mà không phải canh cánh lo về túi tiền hay thời hạn trả sách cho thư viện.
Chi phí duy trì kho ebook cũng tốn kém chẳng kém sách giấy. Năm 2017, 27% ngân sách dành cho đầu tư sách được các thư viện công ở Mỹ chi tiêu cho các tài liệu điện tử - bao gồm ebook, cơ sở dữ liệu và các nội dung số khác, theo số liệu từ Viện Dịch vụ bảo tàng và thư viện Mỹ - đơn vị quản lý ngân sách liên bang dành cho các thư viện công. Con số này cao hơn 16,7% so với năm 2012. “Khối lượng công việc mà các thủ thư phụ trách ebook phải gánh vác là rất lớn. Mỗi ngày đều có các tựa sách ebook hết hạn và nhiệm vụ của họ là quyết định xem có nên tiếp tục gia hạn chúng hay không” - báo Washington Post dẫn lời cô Jennifer Tormey, quản lý kỹ thuật của Thư viện công Des Moines, bang Iowa (Mỹ). |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận