Mùa vàng lên Y tý "săn" sao trời
Y Tý không chỉ đẹp bởi núi non trùng điệp, mây ấp núi non bảng lảng hay mùa vàng sóng sánh lúa thơm, mùa nước đổ loáng nước, óng ánh mặt trời trên những ruộng bậc thang…mà Y Tý còn là điểm đặc biệt để những nhiếp ảnh gia đến đây "săn" sao trời.
- Thác Đỏ - Một kỳ quan giữa rừng già Mường Hum
- Đồi chè Long Cốc điểm đến thú vị cho giới trẻ yêu nhiếp ảnh
- Bản Phùng - Đẹp nhất trong mùa vàng tháng 9
Nói đến Y Tý là nói đến một vùng đất xa xôi, đường đi gập gềnh, núi non trùng điệp. Y Tý thuộc huyện biên giới Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Từ Hà Nội đi bạn phải mất nửa ngày đường mới đến được điểm cần đến.
Với khoảng gần 400km thì có đến hơn 100 km là đường núi với nhiều khúc cua liên tục. Tuy vậy nhưng đã từ lâu Y Tý trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với giới trẻ yêu phượt, yêu du lịch, khám phá…, mà còn là niềm mong ước của rất nhiều lứa tuổi.
Đặc biệt những bạn yêu nhiếp ảnh thì đây chính là thiên đường để họ thoả sức sáng tạo. Nếu được hỏi các bạn ấy đi Y Tý để làm gì thì sẽ được câu trả lời: “đi Y tý để săn mây”, “đi Y Tý để chụp mùa nước đổ”, “đi Y Tý để chụp mùa vàng” hay “đi Y Tý để chụp mùa xuân hoa nở trên miền biên cương.
Y Tý với những nhà trình tường của người dân Hà Nhì, nhấp nhô, len lỏi trong mây giữa lưng chừng núi như một nàng công chúa còn đang ngủ quên chưa được đánh thức. Vẻ đẹp của nàng còn nguyên sơ, mộc mạc nhưng đằm thắm hút hồn lữ khách.
Lần này mời các bạn theo chân nhiếp ảnh gia đến Y Tý để “săn” sao trời
Đây là bản Choản Thèn, bản này đã rất nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh với hai cái cây đứng bên nhau cạnh một túp lều để người dân đi làm đồng về nghỉ ngơi. Nơi đây còn được gọi với cái tên đáng yêu là "Công viên Choản Thèn".
Vào những đêm cuối tháng âm lịch tối trời không trăng, nếu may mắn bạn có thể bắt gặp giải ngân (milkyway) hà vắt ngang qua hai cái cây rất đẹp. Thường mùa hè, trời trong thì nó xuất hiện rất sớm và mắt thường có thể nhìn thấy được. Nhưng mùa thu, trời ít trong hơn, milkyway xuất hiện muộn hơn, có khi phải 1-2h sáng bạn mới thấy được nó.
Theo lời một nhiếp ảnh gia chuyên đi chụp Milkyway: "Để chụp được Milkyway đòi hỏi bạn phải có một chiếc máy ảnh tương đối chất lượng với chế độ khử noise tốt để bức ảnh được trong hơn, đỡ nhiễu hơn.
Ngoài ra bạn cần có một chiếc lens góc rộng với độ mở ống kính lớn để có thể ôm hết được vùng ngân hà chạy dài và thu được lượng ánh sáng tốt hơn". Ở bức ảnh trên, tác giả đã chụp bằng máy ảnh full fame Pentax K1 với lens góc rộng 15-30mm f2.8 và panorama dọc bởi 9 tấm.
Dải ngân hà ở Choản Thèn được chụp bởi khuôn hình dọc tiêu cự 15mm, f2.8, iso 800 và thời gian phơi sáng là 30s
Với một đêm trời trong veo và nhiều sao, nếu bạn không thích chụp Milkyway thì bạn có thể dùng kỹ thuật để chụp sao quay (Star trails). Đây là một kỹ thuật chụp khá thú vị.
Thay vì chụp một tấm milky way bạn chụp nhiều tấm rồi bằng phần mềm Photoshop ghép lại thành một bức ảnh với những vì sao đang quay. Để ra được một bức ảnh như thế này bạn phải chụp rất nhiều tấm, có khi lên đến hàng trăm tấm, vì càng nhiều thì sao càng nhiều, càng dày.
Startrails một góc Choản Thèn
Startrails một góc Choản Thèn
Hay đơn giản chỉ là chụp bầu trời đầy sao lung linh với tiền cảnh là cánh đồng lúa chín đang đợi ngày thu hoạch và phía xa là núi đồi nhấp nhô, trùng điệp
Hay đơn giản chỉ là chụp bầu trời đầy sao lung linh với tiền cảnh là ngôi nhà trình trường của người Hà Nhì
Để chụp tấm ảnh này tác giả đã dùng máy ảnh Olympus EM1 mark II với ống kính 12-40mm f2.8 crop tương đương với 24-80 trên film 35mm. Với các chức năng mới của máy ảnh Olympus là chức năng livecomp thì tấm ảnh này được chụp với thời gian 1h20 phút và nó tự động ghép thành sao quay.
Thức đến 2,3h sáng ở vùng núi cao lạnh giá để sáng tạo ra những bức ảnh đẹp thì đó cùng là niềm hạnh phúc đối với mỗi người cầm máy yêu chụp phong cảnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận