Lời cảnh tỉnh từ COVID-19 cho các nước ASEAN
Dịch COVID-19 có lẽ là cơ hội để các nước Đông Nam Á hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc và đa dạng hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm đạt được vị thế tốt hơn.
- Củng cố vị trí trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu
- ASEAN hướng tới xây dựng tiêu chuẩn hoá thành phố thông minh khu vực
- Biến "nguy" thời đại dịch thành "cơ" cho mục tiêu nền kinh tế không tiền mặt
Sau khi cuộc chiến chống COVID-19 kết thúc, mỗi nước thành viên ASEAN cần tăng cường khả năng sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp và nâng cao khả năng phục hồi quốc gia khi đối phó với các đại dịch tương tự.
Tuy nhiên, nếu gạt các mối quan ngại về sức khỏe sang một bên, dịch bệnh bùng phát cũng nêu bật sự phụ thuộc cao độ về kinh tế và thương mại của khu vực vào Trung Quốc. Khi các chuỗi cung ứng toàn cầu tổ chức lại sau cuộc khủng hoảng, các nước Đông Nam Á nên tiến hành những cải cách táo bạo trong nước và phát triển mạnh mẽ lĩnh vực sản xuất để có được vị thế tốt nhất nhằm gặt hái lợi ích.
Công nhân Campuchia rời khỏi nhà máy của họ khi họ nghỉ trưa ở Phnom Penh, ngày 2 tháng 3 năm 2020. Ngành may mặc trị giá hàng tỷ đô la của Campuchia có nguy cơ bị gián đoạn chuỗi từ đột phá Covid-19, vì nó tác động đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Đông Nam Á . (Tang Chhin Sothy / AFP)
Hiện nay, trong bối cảnh COVID-19 lây lan khắp nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, một Đông Nam Á vốn mở cửa và liên kết sâu rộng phải đối mặt với nguy cơ lớn là các ca bệnh COVID-19 nhập khẩu. Cuộc chiến chống đại dịch đang trở nên khốc liệt khi tình hình trong khu vực nhanh chóng xấu đi.
Là tâm chấn ban đầu của bệnh dịch và cũng là nguồn du khách quan trọng, trung tâm của chuỗi công nghiệp toàn cầu, đối tác thương mại và bên cấp vốn quan trọng, Trung Quốc có ý nghĩa trọng yếu đối với tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, đại dịch cũng tác động tới nền kinh tế khu vực thông qua du lịch, chuỗi công nghiệp và hoạt động đầu tư, đặc biệt là ở Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Mức độ tác động kinh tế của đại dịch ở Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào tốc độ vượt qua đại dịch của Trung Quốc và Đông Nam Á.
Ngày 20/2/2020, bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp đặc biệt các bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về COVID-19 tại Viêng Chăn, thủ đô Lào. Đây là cuộc họp đa phương đầu tiên giữa Trung Quốc và các quốc gia khác về COVID-19 và các vấn đề y tế công cộng kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Nhân viên y tế Indonesia tham gia một cuộc kiểm tra hàng loạt về virus coronavirus COVID-19 tại Sân vận động Patriot ở Bekasi, Tây Java vào ngày 25 tháng 3 năm 2020. (Rezas / AFP)
Với tư cách các đối tác chiến lược, Trung Quốc và ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung sau cuộc họp về cam kết của họ trong việc tăng cường hợp tác chống COVID-19 bùng phát, thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực y tế công cộng, thiết lập các kênh chia sẻ thông tin về đại dịch, trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia y tế, với tầm nhìn nâng cao năng lực chuẩn bị và phản ứng trước các tình huống khẩn cấp.
Những liên kết thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN
Với tư cách láng giềng, Đông Nam Á có những liên kết thương mại gần gũi và tích cực nhất với Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước thành viên ASEAN. Tỷ trọng của ASEAN trong xuất khẩu của Trung Quốc đang gia tăng. Đồng thời, tỷ trọng của ASEAN trong tổng lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng đang trên đà tăng.
Những dấu hiệu này chỉ ra mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa ASEAN và Trung Quốc, trung tâm của chuỗi công nghiệp toàn cầu. Năm 2019, tổng kim ngạch ngoại thương của ASEAN lên tới 2.799,2 tỷ USD, trong đó 18% là với Trung Quốc. Con số này cao hơn nhiều so với EU (10%) và Nhật Bản (8,1%).
Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN vẫn thấp hơn vào Mỹ, EU và Nhật Bản, nhưng đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2019, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực đã đạt 15,5 tỷ USD, chiếm hơn 13% đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động rất tích cực ở Đông Nam Á và tham gia nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khu vực, bao gồm đường sắt Trung-Lào từ tỉnh Vân Nam tới Viêng Chăn, các dự án thủy điện ở Lào, nhà máy điện ở Campuchia, nhà máy nhiệt điện than và đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ở Indonesia, các nhà máy sắt thép ở Malaysia và các dự án vận tải cao tốc ở Singapore.
Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng tiêu thụ đáng kể các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc trong thị trường trong nước, từ hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và đồ gia dụng đến hàng hóa cao cấp như động cơ xe, điện thoại thông minh và thiết bị truyền thông.
Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế ASEAN
Ngày nay, mối quan hệ kinh tế Trung Quốc - ASEAN đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã thiết lập quan hệ kinh tế và các mối liên kết thương mại chặt chẽ thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 16% nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của ASEAN theo hai hướng.
Thứ nhất, khách du lịch Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng du lịch ở ASEAN. Trung Quốc đã trở thành nguồn khách du lịch ngoài nước lớn nhất thế giới, với tổng cộng 150 triệu lượt khách năm 2018, tương đương hơn 12% lượng du khách ngoài nước trên toàn cầu. Do tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng văn hóa, những điểm tham quan tự nhiên độc đáo và khoảng cách địa lý gần với Trung Quốc, ASEAN rất được các du khách Trung Quốc ưa chuộng.
Thu nhập của ASEAN từ du lịch đã trở nên phụ thuộc vào tiêu dùng của người Trung Quốc khi có thể thấy hàng đoàn du khách Trung Quốc tụ tập tại nhiều điểm đến du lịch khác nhau, các khu nghỉ mát ven biển, trung tâm mua sắm và nhà hàng. Theo dữ liệu được công bố trong Báo cáo về Trung Quốc và thế giới của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey tháng 7/2019, mức chi tiêu của du khách Trung Quốc tương đương 7% tiêu dùng cá nhân trong nước ở Singapore và 9% ở Thái Lan.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng, Trung Quốc đã tạm ngưng các nhóm du lịch ra nước ngoài vào cuối tháng 1/2020. Ngoài ra, do nhiều quốc gia đã thực hiện lệnh cấm du lịch nhằm hạn chế du khách Trung Quốc vào đất nước, nhiều yêu cầu đặt tour đã bị hủy.
Trong ngắn hạn, việc số lượng du khách Trung Quốc giảm mạnh sẽ tác động sâu sắc đến ngành du lịch, hàng không, dịch vụ ăn uống và các ngành dịch vụ khác ở ASEAN. Các nước phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan và Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chẳng hạn, lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan vào tháng 2/2020 đã giảm hơn 90%. Tổng cục du lịch Thái Lan ước tính dịch COVID-19 sẽ khiến ngành du lịch Thái Lan thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD.
Dịch Covid-19 sẽ khiến du khách thế giới thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD do giảm chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc, người đứng đầu Hội đồng Du lịch và Du lịch Thế giới cho biết vào ngày 27/2 (Tang Chhin Sothy / AFP)
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với ngành du lịch, các nước thành viên ASEAN hy vọng kích thích ngành du lịch trong nước và khai thác các thị trường nguồn mới.
Thứ hai, các nước thành viên ASEAN tham gia chuỗi công nghiệp toàn cầu với Trung Quốc làm trung tâm phụ thuộc vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian sang Trung Quốc để xử lý và lắp ráp giai đoạn cuối. Trong số này có gỗ và nông sản từ Việt Nam, cao su và dầu cọ từ Malaysia, và các linh kiện điện tử từ Singapore. Viện toàn cầu McKinsey ước tính xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 11% sản lượng trong nước của Malaysia và Việt Nam.
Theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, 16.000 nhà máy tại Việt Nam đã ngừng sản xuất vào tháng 1-2/2020, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Để trở thành “công xưởng tiếp theo của thế giới”, trong những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhãn mác “Sản xuất tại Việt Nam” hiện vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Chẳng hạn, hơn 50% nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian cần thiết cho ngành dệt may của Việt Nam được nhập khẩu từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác gần như không thể khắc phục được sự phụ thuộc này.
Các nước thành viên ASEAN có các hệ thống công nghiệp không tương xứng và thiếu các hoạt động đầu nguồn và cuối nguồn trong các chuỗi giá trị. Trừ Singapore, hầu hết các nước thành viên ASEAN đều có thâm hụt thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Thâm hụt thương mại kéo dài sẽ gây tổn hại cho các nỗ lực công nghiệp hoá của các nước này.
Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc đã tạo cho mình một lợi thế so sánh trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc bắt nguồn từ lực lượng lớn các lao động lành nghề và siêng năng, hệ thống giao thông vận tải hiệu quả, cơ sở hạ tầng điện tử, các chuỗi cung ứng đầu nguồn và cuối nguồn, nền chính trị ổn định trong nước và thị trường tiêu thụ khổng lồ.
Đối với ASEAN, hiện nay việc giảm sự tập trung vào Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp toàn cầu là không thực tế và bất khả thi. Báo cáo về Trung Quốc và thế giới của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho thấy thế giới ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, trong khi đó sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới đã giảm đi do sự chuyển đổi kinh tế và sự phát triển của thị trường tiêu dùng nội địa.
Tái cơ cấu chuỗi công nghiệp và các cơ hội phát triển ở ASEAN
Trong những năm gần đây, để đối phó với chi phí sản xuất gia tăng ở Trung Quốc, sự chuyển đổi kinh tế và việc tăng thuế xuất khẩu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra, nhiều công ty đa quốc gia đang cân nhắc việc di dời hoặc thực sự di dời một phần năng lực sản xuất và chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc như là một biện pháp trong chiến lược đa dạng hoá “Trung Quốc+1”.
Chẳng hạn, sau khi đóng cửa các nhà máy sản xuất ở Thâm Quyến và Thiên Tân năm 2018 và tại Huệ Châu, Quảng Đông vào tháng 10/2019, tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đã hoàn thành mục tiêu chuyển các chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Samsung hiện có 2 nhà máy sản xuất và lắp ráp lớn tai Việt Nam.
Một công nhân tại nhà máy xe hơi Ford Việt Nam tại Hải Dương, Việt Nam, ngày 12/4/2019. Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu và sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. (Kham / REUTERS)
Dịch COVID-19 đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đa dạng hoá và tái cơ cấu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tất yếu tái cơ cấu các chuỗi công nghiệp không còn bị nghi ngờ mà nay đã trở thành vấn đề về thời điểm và mức độ. Đại dịch hiện nay sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực này. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, mức độ sử dụng thực tế các khoản đầu tư nước ngoài của nước này trong tháng 1-2/2020 đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 2/2020, con số này đã giảm đáng kể 25,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Một báo cáo khảo sát vào tháng 2/2020 do Văn phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc thực hiện đã cho thấy 1/3 các công ty Mỹ sẽ rời khỏi Trung Quốc nếu các nhà máy không thể khôi phục hoạt động. Nhiều công ty được khảo sát phàn nàn rằng luật pháp và quy chế của Trung Quốc không minh bạch và các thủ tục cách ly nhân viên đều cồng kềnh và không nhất quán, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc khôi phục sản xuất.
Tháng 2/2020, tờ Nikkei Asian Review đưa tin rằng tập đoàn công nghệ Foxconn, một công ty đúc kỹ thuật lớn lắp ráp điện thoại thông minh ở Trung Quốc, chỉ có thể khôi phục 50% công suất. Dựa trên các cuộc khảo sát và phân tích này, có thể dự đoán rằng ít nhất 30% doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ chuyển một phần năng lực chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.
Việc nắm bắt các cơ hội trong thị trường Trung Quốc cũng như các khoản đầu tư của nước này quả thực là điều quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của ASEAN. Tuy vậy, đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với ASEAN. Việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc và chuỗi công nghiệp lấy Trung Quốc làm trung tâm nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khu vực đi kèm với những nguy cơ to lớn.
Dịch COVID-19 đã nêu bật nguy cơ “cú sốc Trung Quốc”, một thuật ngữ trước đó được sử dụng để chỉ tác động của lượng hàng hoá nhập khẩu ngày càng nhiều từ Trung Quốc đối với việc làm trong ngành sản xuất ở các nước phương Tây sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.
Theo kết quả của báo cáo thăm dò “Thực trạng của Đông Nam Á năm 2020” do Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore thực hiện vào tháng 1/2020, thái độ của các nước thành viên ASEAN đối với Trung Quốc đã trở nên ngày càng phức tạp và thận trọng.
Hầu hết giới tinh hoa Đông Nam Á được khảo sát đều tin rằng “Trung Quốc là một cường quốc xét lại và có ý đồ biến Đông Nam Á thành phạm vi ảnh hưởng của nước này”. 79% số người được hỏi từ các nước Đông Nam Á đều lo ngại về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, và chỉ 28,1% số người được hỏi hoan nghênh ảnh hưởng kinh tế như vậy.
Với dân số hơn 600 triệu người, Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Tại đây, lực lượng lao động dồi dào và trẻ, tầng lớp trung lưu đang mở rộng và thị trường có tiềm năng khổng lồ. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và chi phí sản xuất thấp, ASEAN có các điều kiện tiên quyết để trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới và đóng một vai trò quan trọng hơn trong chuỗi công nghiệp toàn cầu.
Việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu tạo nhiều cơ hội cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Campuchia, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất của các nước này và củng cố các ngành phụ trợ. Do đó, các nước Đông Nam Á cần nắm bắt các cơ hội mà việc đa dạng hoá và tái cơ cấu chuỗi công nghiệp toàn cầu đem lại, thực hiện các cải cách táo bạo trong nước và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực sản xuất của mình. Bằng cách thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước, họ sẽ có vị thế tốt hơn để tham gia chuỗi công nghiệp toàn cầu và tăng thị phần.
Theo Tạp chí Điện tử / Thinkchina
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận