Giấc mơ 'Thung lũng Silicon' của người Việt sắp thành hiện thực?
Theo ông Nguyễn Việt Quang, trong vòng 3 năm tới, Vingroup có kế hoạch mở trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hòa nhằm quy tụ những chuyên gia, nhà khoa học đang sở hữu các bằng sáng chế, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ.
- Vintech City: bao giờ “thung lũng silicon" ở Hà Nội đi vào hiện thực?
- 5C of IoT - Tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ kết nối vạn vật của tương lai
- Bảo vệ người lao động trong kỷ nguyên 4.0
Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang chia sẻ thông tin về trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hòa - Ảnh: VGP
Đó là thông tin được tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết tại Hội nghị trực tuyến phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập do Thủ tướng chủ trì ngày 20-8.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ phát triển ứng dụng để Việt Nam có một "Thung lũng Silicon" - nơi quy tụ tinh hoa của thế giới", ông Quang cho hay.
Cũng theo tổng giám đốc Vingroup, tập đoàn sẽ tuyển dụng khoảng 150.000 nhân sự trong vòng 2 năm tới. Ứng viên đa dạng từ người lao động phổ thông đến lao động cấp cao người Việt có khả năng dẫn dắt hàng trăm nhân sự cao cấp trong nghiên cứu sản xuất công nghệ, thương mại - dịch vụ...
Nói rõ hơn về nhu cầu tuyển dụng, ông Nguyễn Việt Quang cho biết tập đoàn sẽ tuyển khoảng 20.000 nhân sự cao cấp đã qua đào tạo, tối thiểu ở trình độ đại học.
Ngoài ra, trong 5 năm tới, Vingroup dự kiến xây 500.000 căn nhà xã hội và một loạt dự án xây dựng được triển khai tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP.HCM. Tập đoàn cũng mở mới nhà máy pin tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), mở rộng sản xuất nhà máy ôtô điện ở Hải Phòng. Số lượng tuyển dụng nhân sự phục vụ các dự án từ 80.000 - 100.000 công nhân.
Lao động trình độ thấp sẽ khó tìm việc
Cũng tại hội nghị ngày 20-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay việc phân bố lao động không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương. Chất lượng lao động thấp, chỉ có hơn 26% lao động qua đào tạo, có chứng chỉ. Lao động quản lý, tay nghề cao rất thiếu, không đáp ứng cho thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) công nghệ cao. Cùng với đó, năng suất lao động rất thấp.
Do vậy, ông Nguyễn Chí Dũng đề ra các giải pháp ngắn hạn là giải quyết việc làm, phát triển hệ thống thông tin, dự báo thị trường lao động, làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học…
Về dài hạn, trưởng ngành kế hoạch và đầu tư nêu rõ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, huy động mạng lưới trí thức người Việt trong và ngoài nước, đẩy mạnh xã hội hóa của các cơ sở đào tạo nhân lực, đa dạng hóa hình thức liên kết đào tạo - nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp…
Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động, thu hút nguồn nhân lực, trong đó trọng yếu là chính sách tiền lương, tiền thưởng, chế độ đãi ngộ.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Diên, dự báo tới đây, công nghiệp Việt Nam tập trung phát triển các ngành có tính chất nền tảng, then chốt như công nghệ vật liệu, hỗ trợ, cơ khí, chế biến, hóa chất gắn với tăng cường cải tiến quy trình, sản xuất thông minh, tự động hóa trong các ngành dệt may, da giày, điện tử...
"Nhu cầu lao động có kỹ năng, trình độ cao sẽ tăng mạnh. Người lao động trong nước, nhất là lao động có trình độ, tay nghề sẽ có điều kiện tiếp cận với thị trường lao động rộng lớn, hiện đại, chuyên nghiệp hơn…
Nhưng đồng thời thu hẹp quy mô việc làm của các ngành sử dụng lao động phổ thông như dệt may, da giày... Người lao động thiếu kỹ năng, chưa qua đào tạo sẽ khó khăn trong tiếp cận việc làm", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảnh báo.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận