"Bố già" đã khuấy động Rạp phim Việt ngày trở lại sau dỡ bỏ lệnh giãn cách vì Covid -19
Do lệnh giãn cách xã hội khiến thị trường phim Việt ảm đạm đã được "hâm nóng" trở lại với sự xuất hiện của "Bố già" có sự góp mặt của Trấn Thành đã tạo nên cơn sốt với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mang lại sự khởi sắc và tinh thần lạc quan cho người làm nghề.
- "Bố già" đã chạm đến trái tim của khán giả, vậy là đủ?
- Gái già lắm chiêu V: Phim 2 triệu USD quay ở Cung An Định, Đại Nội Huế
- Frozen 2 - Nữ hoàng băng giá Elsa độc chiếm top 1 phòng vé Bắc Mỹ
Dự kiến ra mắt trong dịp Tết Tân Sửu 2021 thế nhưng cả Bố già ( Đạo diễn Trân Thành, Vũ Ngọc Đãng) lẫn Gái già lắm chiêu ( Đạo diễn Bảo Nhâm, Nam Cito) đều phải dời lịch do Covid. Cả hai tác phẩm cũng đã đồng loạt trở lại ngay khi thời gian giãn cách xã hội tại nhiều nơi được dỡ bỏ.
“Bố Già” và “Gái già lắm chiêu” đều có điểm chung là sự nắm bắt nhạy bén tâm lý khán giả để triển khai vào nội dung phim, bên cạnh đó, các yếu tố kỹ thuật, thị trường, truyền thông... cũng được chú trọng.
Phim “Bố già” trước khi ra mắt phiên bản điện ảnh đã chiếu phiên bản web-drama (phim chiếu trên nền tảng số) và thu hút lượt xem lớn, doanh thu cao. Phim tiếp nối thành công từ hai phim hài Tết năm 2019: “Trạng Quỳnh” và “Cua lại vợ bầu” đều có lượt xem lớn qua in-tơ-nét.
Ở phiên bản web-drama, phim “Bố già” xoay quanh câu chuyện một người cha vất vả lo cho các con ăn học. Mâu thuẫn trong gia đình chủ yếu vì sự nghèo khổ, thiếu thốn. Người cha phản đối con trai theo đuổi đam mê âm nhạc và cấm con gái đi làm thêm để phụ giúp gia đình, một mình ông gánh gồng hết khó khăn.
Phim phản ánh thực tế cuộc sống, tâm lý, xung đột thế hệ, đối lập giữa yêu thương và ghét bỏ, kỳ vọng và thất vọng, ích kỷ và cao thượng… trong mối quan hệ gia đình, xã hội.
Đề tài gần gũi, cách truyền tải nhẹ nhàng, xúc động đã tạo được thiện cảm với phần lớn khán giả, nhưng nội dung quen thuộc này chỉ hợp với web-drama hoặc phim truyền hình.
Ở phiên bản điện ảnh, “Bố già” vẫn chọn hình tượng người cha kham khổ làm trung tâm, song các tình huống, chi tiết được thay đổi, có chiều sâu hơn. Phim xây dựng được những yếu tố bất ngờ, làm nổi bật tình yêu thương mộc mạc, sẵn sàng hy sinh của cha dành cho con, giá trị đó cũng giúp con cái có những thay đổi tích cực trong suy nghĩ, hành động.
Ngay trong ngày đầu ra rạp, phim đạt doanh thu 10,6 tỉ đồng và tính đến thời điểm hiện tại, phim vượt mốc doanh thu 200 tỉ đồng, trở thành một trong số ít phim Việt Nam đạt doanh thu trăm tỷ nhanh nhất và cao nhất.
Lý giải thành công nêu trên, Trấn Thành cho biết, anh tự viết khoảng 70 đến 80% lời thoại cho phim, dẫu có ý kiến khen, chê từ khán giả, nhưng anh khá tự tin trong việc hiểu khán giả cần gì.
Một số nhận định khác cho rằng, doanh thu của phim còn mang dấu ấn của cách làm phim thông minh, chiến dịch truyền thông kịp thời, hiệu quả theo đúng tinh thần của công nghiệp điện ảnh.
Trong khi đó, "Gái già lắm chiêu 5" - Những cuộc đời vương giả do 2 đạo diễn Bảo Nhân - NamCito thực hiện lại đậm mùi tình - tiền của giới quý tộc, thượng lưu. Với phần phim mới, mức độ xa hoa của “thương hiệu” dài hơi này như bước lên tầm cao mới với sự xuất hiện của các siêu xe, cổ vật hay dinh thự cổ chỉ dành cho giới siêu giàu.
Đỉnh điểm mâu thuẫn của phim là các tình huống: Người thân trong gia đình mưu đồ, lừa gạt lẫn nhau; tình yêu bị đem ra làm “công cụ” cho kẻ xấu; danh vọng hào nhoáng chỉ là thoáng qua. Từ mức doanh thu trung bình mỗi ngày khoảng 10 tỉ đồng, phim được dự đoán sau đợt ra rạp sẽ đạt khoảng 100 tỉ đồng.
“Cha đẻ” của loạt phim “Gái già lắm chiêu” thuộc số ít những đạo diễn lập hãng phim tư nhân để tự đầu tư cho các dự án của mình. Họ tự viết kịch bản, sản xuất phim và làm truyền thông.
Mỗi khi sản xuất một bộ phim, họ đặt mục tiêu rõ ràng như một bài toán kinh doanh: Làm phim về cái gì, phim sẽ bán được cho ai, thu lại được bao nhiêu tiền? Bên cạnh đó, điểm nhấn quan trọng về văn hóa Việt, yếu tố thời đại, vùng miền… cũng được ê-kíp đầu tư công phu và thận trọng.
Đáng chú ý, “Bố già” và “Gái già lắm chiêu 5” có khoảng cách rất lớn về kinh phí đầu tư. Phim “Bố già” có kinh phí khoảng 23 tỉ đồng, còn “Gái già lắm chiêu 5” kinh phí gấp đôi, khoảng 46 tỉ đồng.
Một cảnh trong phim điện ảnh '' Gái già lắm chiêu 5''.
Tuy nhiên, bên cạnh các phim đã nhanh chóng đạt doanh thu cao, một số dự án điện ảnh vẫn phải đối diện khó khăn. Nhà sản xuất, đạo diễn Lý Hải cho biết, khi phim “Lật mặt 5” (Lật mặt: 48h) phải hoãn chiếu trong dịp Tết năm 2021 vì dịch Covid-19, cả ê-kíp rất khủng hoảng.
Trước đó, phim đã từng phải lùi lịch chiếu vào dịp 30/4 và 1/5/2020. Mỗi lần hoãn, lùi đều gây thiệt hại chi phí quảng bá đã bỏ ra, khoảng từ năm đến bảy tỉ đồng. Tương tự phim này, phim “Trạng Tí” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân với kinh phí đầu tư 43 tỉ đồng đang xảy ra tranh luận về bản quyền và chưa thể ra rạp.
Dù gặp khó khăn về dịch bệnh, song điện ảnh trong nước nhìn chung đang nỗ lực tìm con đường đến với công chúng. Nửa cuối năm 2020, cú bứt phá đáng kể phải kể đến những bộ phim đạt doanh thu cao: “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (175 tỉ đồng), “Gái già lắm chiêu 3” của đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito (165 tỉ đồng).
Tháng 4/2021 sẽ có khoảng 12 bộ phim Việt ra mắt, hứa hẹn mang lại không khí sôi nổi, kích thích nhu cầu thưởng thức của khán giả và khích lệ tâm lý những người làm nghề để thị trường phim trong nước phục hồi mạnh mẽ hơn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận