Đẩy mạnh việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Qua 7 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.
Đó là khẳng định của Bộ Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024, được tổ chức sáng ngày 16/12,
Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua năm 2014, ngày 23/01/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.
Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, là một dấu mốc quan trọng trong thể chế và cơ chế thực hiện đăng ký, thống kê hộ tịch. Chương trình hành động cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo về Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 tại hội nghị, ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết, với mục tiêu tổng quát là bảo đảm các sự kiện hộ tịch được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.
Hội nghị toàn quốc Tổng kết chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024.
Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được hiện đại hóa thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (gồm trên 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác.
Các chỉ tiêu quan trọng của chương trình hành động đạt nhiều kết quả tích cực: Tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay – đều trên 98,5%, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động đề ra; Tỷ lệ đăng ký khai tử đã đạt được mục tiêu Chương trình hành động đề ra. Tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn cuối chu kỳ cao (72,25%) phản ánh nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, cũng thể hiện những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.
Đăng ký nuôi con nuôi từ 2017 đến 2023 có 19.800 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước, trung bình 2.800 trường hợp/năm, góp phần bảo đảm cho trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình thay thế ngay tại Việt Nam. Việc thu thập số liệu về tình hình nuôi con nuôi thực tế ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ con nuôi thực tế được đăng ký không cao, chưa phản ánh được đúng thực tiễn và chưa đáp ứng mục tiêu Chương trình hành động đề ra.
Về đăng ký kết hôn, ghi vào sổ việc ly hôn - Từ 2017-2020: cả nước có 2.778.532 cặp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn lần đầu là 2.479.308 cặp (89,23%). Giai đoạn 2021-2023, số liệu tương ứng là 1.890.488/1.618.020 (85,58%). Tỷ lệ kết hôn lần đầu có xu hướng giảm, trong khi tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nam và nữ có xu hướng tăng. Số vụ ly hôn, huỷ kết hôn trái pháp luật ở trong nước được ghi vào sổ hộ tịch tăng dần từ 2017-2023; cả nước có 187.690 vụ ly hôn được Toà án giải quyết...
Đánh giá những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho rằng, thể chế trong lĩnh vực thống kê, hộ tịch đã được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch đồng bộ, hiệu quả; phương thức đăng ký, thống kê hộ tịch được hiện đại hóa; đẩy mạnh đăng ký hộ tịch trực tuyến…
Tuy nhiên, chương trình hành động cũng tồn tại những vấn đề mà Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp cần nỗ lực ưu tiên giải quyết trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, việc xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử theo chương trình hành động vẫn còn là thách thức không nhỏ do việc quản lý dữ liệu sinh, tử, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử vẫn chưa có sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu sinh, tử, khai sinh, khai tử trên môi trường điện tử chặt chẽ, kịp thời giữa các ngành; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của đội ngũ công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã không đồng đều; hạn chế về nguồn kinh phí triển khai chương trình hành động; việc tra cứu, báo cáo thống kê, thu thập số liệu hộ tịch còn gặp nhiều khó khăn…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký và thống kê hộ tịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch và lĩnh vực liên quan, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch theo hướng bảo đảm tính khả thi, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số, hiện đại hoá phương thức đăng ký hộ tịch, đẩy mạnh việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng