Khi Apple không còn là "kẻ" luôn chiến thắng
Vụ kiện đình đám giữa hai ông lớn công nghệ, nhà sản xuất trò chơi điện tử khổng lồ Epic Games và doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới với hơn 2.200 tỷ USD Apple vừa có phán quyết chính thức. Apple đã thua kiện, trong một cuộc chiến được coi là khốc liệt và được nhiều trang công nghệ đánh giá là vụ kiện lịch sử.
- Epic Game "quyết chiến" đến cùng với Apple
- Apple tự bào chữa gì trước vụ kiện độc quyền của Epic Game?
- Apple cắt đứt hoàn toàn với Epic Games
Cụ thể, ngày 12/9/2021, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers ra phán quyết buộc Apple gỡ bỏ hạn chế trong phương thức thanh toán của các ứng dụng trên App Store, cho phép nhà phát triển dùng các công cụ khác thay thế. Phán quyết này có thể làm Apple mất hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm. Trước đó, Epic Games khởi kiện Apple sau khi nhà sản xuất iPhone loại bỏ game Fornite khỏi kho ứng dụng. Nguyên đơn cho rằng Apple vi phạm luật chống độc quyền khi cấm nhà phát triển sử dụng phương thức thanh toán riêng.
Tim Sweeney, giám đốc điều hành của Epic Games đến tòa án. Ảnh: Thời Báo New York
Những vụ thua kiện trong quá khứ của Apple
Tháng 6/2021, tại Brazil, Tòa án đã xử Apple phải đền bù bộ sạc miễn phí cho một chủ sở hữu iPhone. Công ty Apple đã bị cô Mariana Morales Oliveira ở Santos, Sao Paulo khởi kiện. Cô đã rất phẫn nộ khi mua điện thoại iPhone 12 mà không có bộ sạc đi kèm. Trong khi đó, Apple đang từ chối bán điện thoại thông minh kèm theo bộ sạc với lý do lo ngại ô nhiễm môi trường. Luật sư của nguyên đơn cho rằng, nếu thực sự lý do là như vậy, thì Apple nên ngừng hẳn việc sản xuất bộ sạc chứ không phải là bán phụ kiện đó riêng bên ngoài. Cuối cùng, tòa án đã đứng về phía nguyên đơn và yêu cầu Apple phải giao bộ sạc cho cô trong vòng mười ngày theo lịch.
Tim Cook rời tòa án sau lời khai vào tháng 5 trong vụ kiện Epic Games với Apple. Ảnh: Thời Báo New York
Tháng 12/2020, Apple thua kiện nhà sản xuất trình giả lập iPhone. Trước đó, Apple kiện công ty bảo mật Corellium, cáo buộc Corellium vi phạm luật bản quyền vì cung cấp cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập vào iPhone "ảo", từ đó có thể giúp họ tìm ra lỗi trong các sản phẩm iOS. Phần mềm của công ty này cho phép các chuyên gia bảo mật có thể truy cập sâu hơn vào iOS ngay cả khi không có iPhone thật.
Vào tháng 3/2020, trước đơn kiện của một nhóm người tiêu dùng, thẩm phán Edward Davila, tòa án tại bang California cũng tuyên bố, Apple phải trả cho người dùng 25USD cho mỗi thiết bị bị ảnh hưởng, tổng cộng số tiền phải thanh toán tối thiểu 310 triệu USD và tối đa 500 triệu USD. Số tiền bồi thường này nhằm mục đích giải quyết vụ kiện với cáo buộc hãng này đã âm thầm làm chậm những chiếc iPhone cũ khi họ tung ra các mẫu mới, khiến người dùng phải mua thiết bị mới hoặc thay thế pin.
Tháng 2/2020, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã bác bỏ đơn kiến nghị của Apple. Quyết định này khiến Apple phải trả cho VirnetX một khoản bồi thường thiệt hại 439.8 triệu USD. Tranh chấp bắt đầu từ năm 2010 khi VirnetX khởi kiện Apple tại quận Đông Texas, liên quan đến bằng sáng chế. Kể từ đó, vụ kiện đã được diễn ra tại nhiều địa điểm. Phán quyết của tòa án cho thấy Apple đã cố tình vi phạm các bằng sáng chế, và phải chịu trách nhiệm chi trả cho VirnetX khoản tiền trên.
Tháng 3/2019, Tòa án quận San Diego (Mỹ) tuyên bố Apple đã vi phạm ba bằng sáng chế của hãng sản xuất chip Qualcomm. Qualcomm đã đệ đơn kiện Apple từ 2018, tố Apple vi phạm các bằng sáng chế của họ liên quan tới phương pháp cho phép smartphone kết nối Internet nhanh hơn sau khi khởi động, bằng sáng chế về quy trình xử lý đồ họa và thời lượng pin và bằng sáng chế liên quan đến thuật toán giúp ứng dụng có thể tải dữ liệu nhanh hơn bằng cách điều hướng lưu lượng dữ liệu giữa bộ xử lý và modem.
Tháng 5/2016, Apple thua kiện quyền sở hữu thương hiệu với công ty Xingtong Tiandi. Theo Apple, Xingtong Tiandi muốn ăn theo thương hiệu iPhone của mình nên đâm đơn kiện công ty này qua cơ quan quản lý thương hiệu Trung Quốc năm 2012 và tòa án một năm sau đó. Apple cho rằng, bất kỳ bên thứ ba nào muốn đăng ký thương hiệu "iPhone", không cần biết họ sản xuất hay cung cấp dịch vụ gì, cũng phải bị coi là không hợp lệ. Nhưng cơ quan quản lý thương hiệu Trung Quốc cũng như Tòa án lại đồng ý việc "người dân sẽ không liên kết thương hiệu đang tranh chấp đó với Apple để ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Apple". Phán quyết này chủ yếu dựa trên cơ sở Xingtong Tiandi đăng ký sở hữu độc quyền thương hiệu IPHONE năm 2007, khi đó iPhone chưa được bán ở Trung Quốc. Phải đến năm 2009, những chiếc iPhone đầu tiên mới được bán ở Trung Quốc.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận