99,7% số hộ dân tỉnh Quảng Ninh được sử dụng điện lưới quốc gia
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh 177/177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có điện, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ có điện đạt tỉ lệ 100%, trong đó số hộ có điện lưới quốc gia đạt tỉ lệ 99,7% (441.501/442.711 hộ).
Công nhân PC Quảng Ninh kiểm tra hệ thống điện đảm bảo lễ hội mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2022.
Tỉnh Quảng Ninh là khu vực tập trung chủ yếu của các nguồn nhiệt điện than. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất đặt khoảng 5.800MW. Trong đó, các nhà máy thuộc EVN có tổng công suất khoảng 3.000MW, gồm: Uông Bí mở rộng (330+300MW), Quảng Ninh (4x300MW), Mông Dương I (2x540MW).
Phụ tải trên địa bàn tỉnh hiện được cấp điện từ các TBA 220kV Hoành Bồ (125+250MVA), Tràng Bạch (2x250MVA), Hải Hà (1x250MVA), Yên Hưng (1x250MVA), các MBA 220kV tại TBA 500kV Quảng Ninh (125+250MVA), NĐ Uông Bí (1x125MVA), NĐ Cẩm Phả (2x125MVA) với tổng dung lượng 2.125MVA, và 27 TBA 110kV với tổng dung lượng là 1.987MVA (19 TBA / 1.490MVA thuộc tài sản ngành điện và 08 TBA / 497 MVA thuộc tài sản khách hàng). Công suất phụ tải lớn nhất tỉnh Quảng Ninh hiện tại khoảng 960MW.
Trong thời gian vừa qua, EVN đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân. Trong đó, điện thương phẩm giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng bình quân 7,38%/năm (thấp hơn quy hoạch được duyệt là 14,8%/năm).
Điện thương phẩm thực hiện năm 2021 là 4,99 tỷ kWh (tăng 5,29% so với năm 2020), trong đó điện cấp cho Công nghiệp – Xây dựng chiếm 61,8% và tăng 6,1% so với năm 2020;
Thực hiện 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện thương phẩm đạt 4,071 tỷ kWh, tăng 9,09% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thành phần công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 60,7% và tăng 8,87% so với cùng kỳ năm 2021.
Để đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Quảng Ninh, EVN kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo khách hàng sử dụng công suất lớn cung cấp thông tin định hướng phát triển không gian các hoạt động kinh tế - xã hội: tình hình phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị dịch vụ, khu công nghệ cao, ... để ngành điện xây dựng các phương án, kịch bản đảm bảo cấp điện phù hợp các giai đoạn.
Chỉ đạo các khách hàng chuyên dùng 110kV Xi măng (XM) Thăng Long, Hạ Long, Cẩm Phả thực hiện cải tạo đấu nối chuyển tiếp (xóa đấu nối chữ T), hoàn thiện sơ đồ để phù hợp với kết cấu lưới điện theo quy hoạch đã được duyệt.
Thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ công tác phát triển điện lực tỉnh để thống nhất tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc các dự án lưới điện triển khai xây dựng trên địa bàn, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Xây dựng chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, kiểm điểm công tác triển khai đầu tư xây dựng các công trình điện trên địa bàn tỉnh giữa EVN và UBND tỉnh.
Chỉ đạo đối với các khách hàng sử dụng điện là các Khu công nghiệp, các phụ tải lớn có nhu cầu từ 20MW trở lên phải bố trí đất đất để xây dựng trạm và hành lang tuyến đường dây 110kV. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Ban hành chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là các tuyến đường dây 110kV hiện hữu hoặc đã được đưa vào Quy hoạch phát triển Điện lực.
Tiếp tục hỗ trợ ngành Điện trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn.
Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận