Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh trong bối cảnh mới
Ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”.
- Bộ Công thương trao 2 giải thưởng hiệu quả năng lượng 2021
- "Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021" thúc đẩy phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng
- 61 doanh nghiệp đạt giải thưởng “Năng lượng bền vững” lần thứ nhất
Diễn đàn nhận được sự quan tâm tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Isrel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...
Diễn đàn là nơi chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp công nghệ và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, những năm qua, tăng trưởng điện quốc gia của Việt Nam luôn ở mức hai con số (trung bình tăng trưởng 10,7%/năm cho đến năm 2019). Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, từ một quốc gia xuất khẩu ròng về năng lượng, Việt Nam đã chuyển sang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp từ năm 2015 và sắp tới sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng cho phát điện. Những căng thẳng chính trị thời gian gần đây đã đẩy giá năng lượng trên toàn cầu tăng cao và gây áp lực lạm phát rất lớn đến nhiều nền kinh tế. Nhiều quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp tiết giảm trong tiêu dùng năng lượng. Trong khi đó, Việt Nam lại sử dụng chưa hiệu quả các nguồn năng lượng. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.
“Làm thế nào để chúng ta sử dụng năng lượng ít hơn và hệ số tăng trưởng điện trên GDP giảm xuống còn dưới 1 so với hiện nay là 1,41... Thì đây là một chủ đề lớn và chúng tôi rất mong muốn tiếp cận được công nghệ mới của thế giới, hơn nữa là tìm ra con đường để ứng dụng công nghệ này trong Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ.
"Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình. Cùng với đó là sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris". Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết.
Toàn cảnh diễn đàn.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh về công nghệ khuyến cáo nên sử dụng; Đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo vệ môi trường; Hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội,...
Bên cạnh đó, Diễn đàn đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế... đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững; thảo luận về lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26, đặc biệt nhấn mạnh về công nghệ khuyến cáo nên sử dụng; đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội...
Cùng với đó, đề ra định hướng và phương án phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, chú trọng hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực; vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương trong từng lĩnh vực, trong doanh nghiệp và từng cá nhân; từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong doanh nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận