Mở rộng NMTĐ Tuyên Quang: Sẽ mang lại lợi ích gì?
Đó là những nội dung chính mà phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1) – đơn vị tiên phong trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng của đất nước.
- Máy biến áp Made in Vietnam tiết kiệm chi phí, nhân lực cho thuỷ điện
- Mực nước các hồ thuỷ điện thấp khiến cảnh báo "Thiên tai cấp 1"
- Mực nước hồ thuỷ điện Hoà Bình ở mức thấp nhất kể từ khi vận hành nhà máy
Phó Tổng giám đốc PECC1 Nguyễn Hữu Chỉnh
PV: Thưa ông, từ những cơ sở khoa học kỹ thuật nào để chúng ta có thể nghiên cứu, tính toán mở rộng Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Tuyên Quang trên sông Gâm?
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh: NMTĐ Tuyên Quang được xây dựng để đáp ứng 3 yêu cầu nhiệm vụ chính gồm: Tạo dung tích của hồ chứa 1 tỷ m3 để phòng chống lũ cho đồng bằng sông Hồng và thị xã Tuyên Quang (nay là TP Tuyên Quang); Tạo nguồn phát điện cung cấp cho lưới điện quốc gia; Tạo nguồn cung cấp nước mùa kiệt cho đồng bằng sông Hồng.
Như vậy, đối với NMTĐ Tuyên Quang nhiệm vụ phát điện chỉ đứng thứ 2 nhưng cũng đóng góp lớn cho hệ thống điện quốc gia với công suất lắp đặt 342 MW. Với sản lượng điện trung bình hàng năm là gần 1,33 tỷ kWh, nó tương ứng gần 3.900 giờ sử dụng công suất lắp máy/năm.
NMTĐ Tuyên Quang được thiết kế từ gần 20 năm trước, nhằm vận hành trong thời kỳ hệ thống điện quốc gia đang có nguồn thủy điện là nguồn chính. Các NMTĐ khi đó đang phải đảm bảo cung cấp điện trên hệ thống từ 50% - 60% sản lượng điện.
Có nghĩa là các nhà máy thủy điện đóng góp cho tất cả các vị trí của biểu đồ phụ tải, bao gồm cả phần “đáy” phần “thân” và phần “đỉnh”. Điều này phản ánh qua việc lựa chọn số giờ sử dụng công suất lắp máy tương đối cao của công trình.
Sau 11 năm NMTĐ Tuyên Quang đi vào vận hành (2008 – 2019), chỉ có 3 năm hồ thủy điện Tuyên Quang không xả lũ là những năm có tình hình thời tiết rất khô hạn.
Các năm còn lại hồ đều xả nước từ 1 đến 3 đợt, cá biệt có năm 2017 hồ Tuyên Quang phải thực hiện 6 đợt xả. Những năm phải xả lũ, ta dễ dàng xác định được giá trị năng lượng bị mất đi, gây lãng phí tài nguyên, giảm giá trị kinh tế.
Mặt khác giá trị của thủy điện không chỉ đơn thuần là sản lượng điện (số kWh) phát ra, mà còn ở giá trị công suất đáp ứng của nó trong hệ thống điện và khả năng chạy điều tần.
Sản lượng điện đáp ứng về vấn đề số lượng, còn công suất và điều tần đáp ứng về chất lượng. Số lượng và chất lượng đều có vai trò quan trọng, tuy nhiên yếu tố chất lượng càng ngày yêu cầu càng cao, nhất là trong thời kỳ phát triển kinh tế công nghiệp và công nghệ.
Khi khai thác phần năng lượng xả thừa là ta đã đóng góp thêm phần năng lượng của dòng sông cho hệ thống điện. Đồng thời cũng cung cấp thêm công suất cho hệ thống để đáp ứng phụ tải giờ cao điểm và dự phòng sự cố, tăng thêm khả năng điều tần cho hệ thống. Nếu mở rộng NMTĐ Tuyên Quang sẽ đáp ứng một phần yêu cầu đó.
Toàn cảnh NMTĐ Tuyên Quang
PV: Những lợi ích khi mở rộng NMTĐ Tuyên Quang sẽ mang lại cho đất nước như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh: Hiện nay, các nguồn thủy điện lớn nước ta đã được xây dựng gần hết, nhiệt điện than phụ thuộc vào yếu tố đầu vào. Các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió và điện mặt trời là các giải pháp bổ sung năng lượng cho nhu cầu điện cũng sẽ được phát triển.
Do đó cơ cấu nguồn có sự thay đổi đáng kể, từ chỗ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng lớn đến nay chỉ chiếm còn hơn 30% và cho đến năm 2030 dự báo chỉ còn chiếm khoảng hơn 16%.
Với cơ cấu này nguồn thủy điện sẽ đóng một vai trò mới có tầm quan trọng không kém so với trước đây trong hệ thống điện Việt Nam. Thủy điện có lợi thế trong vận hành là có thể đáp ứng ngay yêu cầu phụ tải. Do đó sẽ là hợp lý khi vận hành để đáp ứng phần “đỉnh” của biểu đồ phụ tải.
Số giờ phụ tải “đỉnh” của hệ thống điện Việt Nam vào khoảng từ 1800 – 2500 giờ, các nhà máy thủy điện có đủ điều kiện để vận hành “phủ đỉnh” nên lựa chọn số giờ sử dụng công suất lắp trong khoảng này cho hiệu quả khai thác tối ưu. Chỉ có các thủy điện có hồ chứa đủ lớn – điều tiết dài hạn mới đủ điều kiện để tham gia vận hành “phủ đỉnh”.
Do thời gian “đỉnh” của phụ tải không kéo dài và thay đổi liên tục cho nên đầu tư nguồn điện chỉ để đáp ứng yêu cầu này thường rất đắt, dẫn đến giá thành sản xuất điện khi đáp ứng cho giờ cao điểm hay phần “đỉnh” phụ tải thường cao hơn nhiều lần so với giờ bình thường. Kinh nghiệm từ các nước phát triển, giá trị này cao hơn từ 5 – 9 lần.
Thủy điện Tuyên Quang có hồ chứa điều tiết đủ lớn hoàn toàn đủ khả năng để tham gia vận hành “phủ đỉnh”, do đó cần được mở rộng để tăng cường công suất cho hệ thống.
PV: Theo tính toán cuả PECC1, nếu mở rộng NMTĐ Tuyên Quang, công suất dự kiến mở rộng là như thế nào để phát huy tối đa lợi ích dự án mang lại?
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh: Công suất cho thủy điện Tuyên Quang mở rộng thích hợp hiện nay là khoảng 100 – 150 MW, tương ứng với điện lượng tăng thêm khoảng 37,6 - 43 triệu kWh mùa lũ, và chuyển đổi điện năng từ giờ thấp điểm (giá 700 đồng/kWh) lên giờ cao điểm (2.658 đồng/kWh) là 88 đến 120 triệu kWh.
Khi đó những lợi ích do dự án mang lại cũng rất ý nghĩa. Đó là bổ sung cho hệ thống điện khoảng 37,6 đến 43 triệu kWh mùa lũ. Làm giảm giá thành phát điện chung của hệ thống do đảm nhận phần phụ tải “đỉnh” so với sử dụng nguồn phát khác. Tăng thêm công suất dự phòng sự cố.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi ngày càng có nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động (có thể chiếm đến 15-20% của hệ thống). Đây là dạng nguồn điện phụ thuộc điều kiện thời tiết, thiếu ổn định và cần dự phòng công suất của hệ thống để tránh rã lưới.
Ngoài ra đối với môi trường, phần mở rộng thủy điện rất thân thiện. Đây là năng lượng sạch, không làm tăng thêm tổn thất do ngập lụt, giảm được lượng phát thải tương ứng khi phải đốt nhiên liệu hóa thạch.
Thượng lưu thủy điện Tuyên Quang
PV: Theo ông, khi triển khai dự án này sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh: Các thuận lợi thì có nhiều, PECC1 là đơn vị tư vấn thiết kế NMTĐ Tuyên Quang nên chúng tôi có đầy đủ tài liệu thiết kế trước đây. Các kỹ sư PECC1 hiểu biết rõ về công trình hiện hữu, các điều kiện thực tế tại hiện trường, như điều kiện địa chất, thủy văn và mặt bằng.
Hiện nay, phía NMTĐ Tuyên Quang cũng ủng hộ cho triển khai nghiên cứu. Mấu chốt nhất là hệ thống điện Việt Nam đang rất cần nguồn thủy điện mới bổ sung có khả năng phát công suất lớn phủ đỉnh khi hệ thống cần để dự phòng cho các nguồn năng lượng có tính không ổn định cao từ mặt trời và gió.
Khó khăn lớn nhất khi triển khai nghiên cứu mở rộng NMTĐ Tuyên Quang cũng như các dự án mở rộng thủy điện khác chính là cơ chế giá điện cho phần điện năng của NMTĐ mở rộng.
Mục tiêu của NMTĐ Tuyên Quang mở rộng là chuyển đổi điện năng từ giờ thấp điểm mà nhà máy đang phát để chuyển sang phát vào giờ cao điểm (phủ đỉnh biểu đồ phụ tải) nên giá điện lúc này của nhà máy mở rộng phải được tính với giá cao điểm của hệ thống.
Cho đến nay vẫn chưa có cơ chế chính thức về giá điện cao thấp điểm cho các dự án mở rộng (nhất là các dự án lớn hơn 30 MW) nên việc luận chứng hiệu quả kinh tế - tài chính của dự án là rất khó khăn.
Nếu tính toán theo giá giờ cao thấp điểm tham khảo biểu giá chi phí tránh được ban hành hàng năm của Bộ Công Thương cho các dự án nhỏ hơn 30 MW, thì dự án Tuyên Quang mở rộng là rất hiệu quả. Tuy nhiên cơ sở pháp lý cho việc áp dụng giá này là chưa có, đây là điểm mà cơ chế pháp lý chưa theo kịp tình hình nhu cầu thực tiễn của hệ thống điện Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Để triển khai dự án, PECC 1 kiến nghị: - Các cơ quan quản lý sớm ban hành các chính sách về giá điện cho các dự án NMTĐ mở rộng để tạo hành lang pháp lý làm cơ sở cho tính khả thi về tài chính của các dự án. - EVN và Công ty Thủy điện Tuyên Quang sớm triển khai nghiên cứu các phương án mở rộng nhà máy để khi có thủ tục thông thoáng thì có thể triển khai ngay đáp ứng kịp thời nhu cầu phủ đỉnh của lưới. - Đơn vị lập Quy hoạch Điện 8 cần khẩn trương bổ sung nguồn mới là các dự án thủy điện mở rộng vào quy hoạch để đảm bảo tính an toàn của toàn hệ thống cũng là cơ sở để các nhà máy triển khai được ngay khi có chủ trương của các cấp quản lý. |
Ông Dương Thanh Tuyên – Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang cho biết: Tổng lượng nước xả từ năm 2008 đến nay khoảng 14,65 tỷ m3, sản lượng điện tương ứng khoảng 2 tỷ kWh (tương đương 2.000 tỷ đồng – giá tính thuế). Trong đó: + Năm xả nhiều nhất: Năm 2017 với tổng lưu lượng xả 3,488 tỷ m3, sản lượng điện tương ứng 498,34 triệu kWh (tương đương 500 tỷ đồng – giá tính thuế). + Năm xả ít nhất: Năm 2010 với tổng lưu lượng xả là 56, 5 triệu m3, sản lượng điện tương ứng 8,07 triệu kWh (tương đương 8 tỷ đồng) |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận