Năng lượng tái tạo đang là cứu cánh cho EVN giữa mùa khô hạn
Ứng phó với tình trạng nắng nóng gây thiếu hụt lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện EVN đã lên kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và dầu để bù đắp lượng thiếu hụt.
- Bộ TN&MT cho phép các thủy điện điều chỉnh lưu lượng xả xuống hạ du
- Khô hạn kỷ lục, Bộ TN&MT cho phép hồ thủy điện Cửa Đạt giảm lưu lượng xả xuống hạ du
- Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do tình hình thủy văn, lưu lượng nước về các hồ kém, khiến việc huy động thủy điện đạt thấp, Tập đoàn đã huy động các nguồn điện chạy dầu và năng lượng tái tạo ở mức cao.
Năng lượng mặt trời - Một trong những nguồn bù đắp thiếu hụt do thuỷ điện thiếu nước trong mùa khô hạn.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2020, sản lượng toàn hệ thống đạt 75,83 tỷ kWh, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, huy động các nguồn thủy điện chỉ đạt 11,6 tỷ kWh, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2019; tua bin khí đạt 12,62 tỷ kWh, giảm 16,59% so với cùng kỳ năm 2019; điện nhập khẩu đạt 1,28 tỷ kWh, giảm 11,21% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, huy động nhiệt điện than đạt 45,33 tỷ kWh, tăng 17,56% so với cùng kỳ năm 2019; nhiệt điện dầu đạt 1,02 tỷ kWh, tăng gần 1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt với năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) được huy động tối đa, đạt 3,69 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời đạt 3,13 tỷ kWh, gấp 19,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Theo EVN, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện trong tháng 4/2020 vẫn ở mức kém, trừ một số hồ thủy điện miền Bắc, miền Trung lượng nước về cuối tháng 4 có phần được cải thiện.
Tổng sản lượng thủy điện theo nước về tháng 4 tương ứng 1,5 tỷ kWh điện, thấp hơn 477 triệu kWh so với kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng lượng nước về đạt 6,61 tỷ kWh, thấp hơn khoảng 3 tỷ kWh so với kế hoạch.
Với năng lượng tái tạo – điện mặt trời mái nhà, trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5.254 dự án điện mặt trời mái nhà bán điện cho EVN với tổng công suất lắp đặt là 178,66 MWp, sản lượng điện phát lên lưới là 137,1 triệu kWh. Lũy kế đến nay, trên phạm vi cả nước đã phát triển 27.631 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 562,8 MWp.
Theo dự báo của EVN, tháng 5/2020, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 704,5 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 38.270 MW.
Với tình hình huy động các nguồn điện như hiện nay, Tập đoàn tiếp tục nỗ lực vận hành hệ thống điện tháng 5/2020 khai thác các nhà máy thủy điện đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương và mức nước giới hạn các hồ thủy điện.
Đồng thời, khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí theo khả năng cấp nhiên liệu; vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam.
Trong tháng 5/2020 dự báo có nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có khuyến nghị tới người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; đặc biệt nên cài đặt máy lạnh, máy điều hoà nhiệt độ ở 25 -26 độ C vào ban ngày và 26 - 28 độ C vào ban đêm, vừa giúp giảm nguy cơ sự cố điện, vừa tránh được hoá đơn tiền điện tăng cao.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận