Hành trình của nữ lao động trở thành giám đốc chuyến bay lên sao Hoả của NASA
Diana Trujillo từ Colombia tới Mỹ vào năm 17 tuổi với 300USD trong tay. Trước khi trở thành giám đốc chuyến bay của tàu thăm dò sao Hỏa Perseverance cô từng làm lao công.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: NASA sản xuất máy thở chỉ trong 37 ngày
- Crew Dragon - Tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên được NASA cấp chứng nhận an toàn
- NASA hoàn thành lắp ráp kính viễn vọng khổng lồ săn người ngoài hành tinh
Theo People, khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở Cali, Colombia, Diana Trujillo thường nằm dài trên cỏ, nhìn lên trời và nghĩ: "Phải có thứ gì đó ở ngoài kia tốt hơn thế này".
Tuần trước, Trujillo có cơ hội để tận mắt chứng kiến tàu thăm dò Perseverance Rover của NASA, con tàu mà cô là giám đốc chuyến bay, hạ cánh thành công xuống sao Hỏa.
Trujillo, kỹ sư hàng không vũ trụ, nói với CBS: "Hiểu được việc liệu chúng ta có cô độc trong vũ trụ không là câu hỏi cuối cùng. Tôi hy vọng, trong vòng một năm hoạt động trên bề mặt sao Hỏa, chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó sớm".
Là một trong vài phụ nữ gốc Tây Ban Nha làm việc trong lĩnh vực này, Trujillo chưa bao giờ quên nguồn gốc đã giúp cô vươn tới đỉnh cao của ngành hàng không vũ trụ và có được công việc mơ ước tại NASA.
Năm 2018, Trujillo nói với TechCrunch rằng cô lớn lên với suy nghĩ vị trí của phụ nữ là chăm sóc những người đàn ông trong gia đình. Mẹ cô đã bỏ học khi gặp bố và mang thai cô.
"Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi 12 tuổi. Sau khi mọi việc xảy ra, mẹ tôi không có gì. Không tiền bạc. Chúng tôi thậm chí không có gì để ăn. Chúng tôi luộc một quả trứng, cắt làm đôi và đó là bữa trưa của ngày hôm đó. Tôi còn nhớ mình đã nằm dài trên cỏ, nhìn lên trời và suy nghĩ: Phải có thứ gì đó ở ngoài kia tốt hơn thế này. Một số loài khác đối xử với bản thân tốt hơn hoặc đánh giá cao con người hơn".
Trong một đoạn video của NASA hồi tháng 9 năm ngoái, nữ kỹ sư này kể: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Colombia. Bạo lực lan tràn tại đất nước của tôi, vì thế, đối với tôi, nhìn lên trời và tìm kiếm các ngôi sao là nơi an toàn nhất của tôi".
Bước sang tuổi 17, Trujillo, dù không nói được tiếng Anh, vẫn tới Mỹ chỉ với 300USD trong túi để bắt đầu cuộc sống mà cô mong muốn, theo CBS.
Để có tiền đóng học phí, Trujillo làm dọn phòng. Sau đó, cô chuyển tới trường đại học Florida học ngành kỹ sư hàng không vũ trụ. Ban đầu, cô không biết phải chọn chuyên ngành nào song sau khi gặp trưởng khoa, Trujillo nhìn thấy một tạp chí có hình ảnh của các nữ phi hành gia, phi thuyền không gian và Trái đất. Đó là lúc cô quyết định chọn kỹ thuật hàng không làm chuyên ngành của mình.
"Tôi xem mọi thứ tới với tôi như một cơ hội. Tôi không coi nó kiểu như: Tôi không thể tin nổi, tôi phải làm việc vào ban đêm hay tôi không tin được mình đang cọ rửa nhà tắm ngay lúc này. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng: Thật may vì mình có một công việc và có thể mua thực phẩm, có một ngôi nhà để ngủ. Tôi cho rằng tất cả những thứ đó đã tạo nên con người tôi hiện giờ".
Trujillo nộp đơn vào Học viện NASA vào năm cuối đại học và trở thành người di cư gốc Tây Ban Nha đầu tiên gia nhập chương trình, TechCrunch đưa tin. Năm đó, NASA đã thuê Trujillo và vào năm 2009 cô trở thành kỹ sư hệ thống thông tin liên lạc cho tàu thăm dò Mars Curiosity Rover, con tàu hạ cánh thành công xuống sao Hỏa năm 2012.
Trujillo nói: "Khi còn là một bé gái, tôi thấy những người phụ nữ trong gia đình mình phải hy sinh nhiều thứ. Điều đó cho tôi sự kiên trì mà tôi cần phải nói rằng tôi sẽ không từ bỏ giấc mơ".
Trujillo hiện là một thành viên của Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA. Công việc của cô là giúp tạo ra cánh tay robot để tàu thăm dò Perseverance thu thập các mẫu đá trên sao Hỏa. Các mẫu vật này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về địa hình sao Hỏa và xem liệu nó có chứa sự sống không.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Trujillo vẫn luôn là một trong số ít người gốc Tây Ban Nha làm việc trong lĩnh vực này. Giờ đây, với tư cách là một trong những giám đốc điều hành chuyến bay Perseverance, cô biết rằng bản thân đại diện cho nhiều người hơn là cá nhân mình.
Trujillo cho hay, mục tiêu của cô là giúp thế hệ phụ nữ Latinh tiếp theo nhận thức được họ có thể thành công trong thế giới STEM.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận