Cập nhật tình hình dịch COVID-19: NASA sản xuất máy thở chỉ trong 37 ngày
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo công bố mới đây của các nhà khoa học tại NASA cho biết đã phát triển máy thở áp lực được thử nghiệm ở trường Y khoa Icahn chỉ với thời gian 37 ngày và đang chờ được nhà chức trách Mỹ thông qua để thực hiện sản xuất lớn.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ bị "cướp" đi số việc làm cao kỷ lục
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thế giới sẽ mất đi 20% lượng kiều hối trong năm 2020
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Tượng đài âm nhạc thế giới chung sức chống dịch COVID-19
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu thuộc NASA đã phát triển một máy thở áp lực cao để điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ trong vòng 37 ngày và họ đang chờ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua.
Trong một tuyên bố ngày 23/4, NASA cho biết, cỗ máy y tế đã vượt qua một bài kiểm tra quan trọng trong tuần này. Thiết bị có tên "VITAL" đã được thử nghiệm tại Trường Y khoa Icahn, khu vực Mount Sinai của thành phố New York trên "thiết bị mô phỏng bệnh nhân có độ trung thực cao".
Các nhà khoa học NASA bên chiếc máy thở đã được nghiên cứu và chế tạo thành công.
Ông Matthew Levin, Giám đốc tại Trường Y khoa Icahn, khẳng định họ rất hài lòng với kết quả thử nghiệm và nguyên mẫu đã thực hiện như mong đợi trong nhiều điều kiện bệnh nhân mô phỏng.
Ông Levin cũng cho biết thêm rằng, nhóm nghiên cứu cảm thấy tin tưởng máy thở VITAL sẽ có thể hỗ trợ an toàn cho bệnh nhân mắc COVID-19 cả ở Mỹ và trên toàn thế giới.
NASA hiện đang tìm kiếm sự thông qua nhanh chóng của FDA cho thiết bị thông qua một ủy quyền sử dụng khẩn cấp. Họ cho biết thiết bị này được thiết kế để giải phóng nguồn cung cấp máy thở truyền thống hạn chế của Mỹ để có thể được sử dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng nhất.
Theo NASA, các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã yêu cầu việc cung cấp máy thở từ chính phủ liên bang cũng như các nhà cung cấp tư nhân trong bối cảnh quốc gia này thiếu thiết bị y tế thiết yếu. Trong khi đó, máy thở mới có thể được chế tạo nhanh hơn và sử dụng ít bộ phận hơn máy thở truyền thống.
Giám đốc Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA Michael Watkins cho biết: "Chúng tôi chuyên về tàu vũ trụ, không phải sản xuất thiết bị y tế. Nhưng kỹ thuật xuất sắc, thử nghiệm nghiêm ngặt và tạo mẫu nhanh là một số chuyên môn của chúng tôi".
Trong một tuyên bố ngày 24/4, NASA lưu ý rằng máy thở này sẽ không thay thế máy thở hiện tại - vốn có thể tồn tại trong nhiều năm và được chế tạo để giúp nhiều loại bệnh nhân hơn so với những người mắc bệnh COVID-19. NASA cho biết, VITAL được điều chỉnh đặc biệt để phù hợp với các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 22h ngày 24/4, trên toàn thế giới hiện có 2.760.442 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 193.148 trường hợp tử vong.
Số người được chữa khỏi bệnh đang là 762.784 người, trong khi số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch là 58.698 ca.
Mỹ tiếp tục là ổ dịch lớn nhất thế giới với 889.391 ca mắc COVID-19 và 50.370 ca tử vong.
Hạ viện Mỹ đã thông qua đề xuất thành lập một hội đồng điều tra đặc biệt nhằm kiểm tra công tác ứng phó của chính quyền liên bang đối với đại dịch COVID-19. Mặc dù vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ của đảng Cộng hòa, song đề xuất này vẫn được thông qua tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Theo quy định, hội đồng trên sẽ có quyền hạn rộng lớn để tiến hành điều tra cách thức chi tiêu của liên bang, sự sẵn sàng của nước Mỹ cũng như những thận trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong công tác đối phó với đại dịch. Hội đồng này cũng có thể đưa ra yêu cầu triệu tập khi tiến hành những cuộc điều tra.
Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 219.764 ca mắc COVID-19 và 22.524 ca tử vong. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đón nhận tin vui trong ngày 24/4 khi số ca tử vong ở nước này trong 24 giờ qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng (367 ca).
Hiện quốc gia thuộc Bán đảo Iberia này vẫn là tâm dịch lớn nhất tại châu Âu, tiếp đó là Italy - với 189.973 ca mắc COVID-19 và 25.549 ca tử vong.
Pháp hiện có 158.183 ca mắc COVID-19, trong đó có 21.856 trưởng hợp tử vong, tiếp đó là Đức với lần lượt 153.584 ca mắc và 5.577 ca tử vong, Anh là 143.464 ca mắc và 19.506 ca tử vong...
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, công tác hồi hương công dân châu Âu đã gần như hoàn tất.
Theo ông Josep Borrell, hơn nữa triệu công dân châu Âu đã được đưa về nước và hiện chỉ còn khoảng 90.000 người đang bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Ông Borrel khẳng định đây là kết quả của sự phối hợp và điều phối tích cực giữa nhóm công tác lãnh sự của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (SEAE) và các phái đoàn của EU, Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên EU. Ông cho biết EU sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa các công dân còn lại về nước trong những ngày tới.
Trong khi đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại Nga, Ukraine. Hiện Nga đang trong công tác chuẩn bị cuối cùng để đưa bệnh viện dã chiến hơn 1.000 giường ở thành phố St Petersburg đi vào hoạt động từ cuối tuần này.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn nước Nga có tổng cộng 68.622 ca mắc bệnh và 615 ca tử vong. Tại Ukraine, tính đến 9h sáng 24/4, nước này đã ghi nhận thêm 477 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm lên 7.647 người.
Tại Đông Nam Á - khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng mới của thế giới, số ca mắc COVID-19 không ngừng gia tăng. Cụ thể, trong 24 giờ qua, vùng dịch lớn nhất là Singapore tiếp tục phát hiện thêm 897 ca mắc bệnh COVID-19. Như vậy, tính đến nay, số người mắc COVID-19 tại quốc đảo này là 12.075 người, trong đó có 12 người tử vong.
Indonesia cũng ghi nhận thêm 436 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện tại nước này, và 42 ca tử vong. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận 8.211 người mắc COVID-19, trong đó có 689 người tử vong.
Philippines cũng có thêm 211 người mắc COVID-19 và 15 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 7.192 ca và số ca tử vong lên 477 ca. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các tỉnh có nguy cơ cao trên đảo Luzon thêm 2 tuần cho đến ngày 15/5 tới.
Trong khi đó, Malaysia xác nhận thêm 88 người mắc COVID-19 và 1 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 5.691, trong đó có 96 ca tử vong. Đây là ngày thứ tám liên tiếp, số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng 2 con số.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo Australia sẽ phải chuẩn bị đối mặt với sự bùng phát của các ổ dịch COVID-19 mới sau khi các hạn chế về kinh tế và xã hội được dỡ bỏ.
Dự kiến, trong vài tuần tới, chính quyền liên bang và các bang ở nước này sẽ mở cửa trở lại một số hoạt động xã hội và kinh tế song song với việc mở rộng quy mô xét nghiệm và đưa vào sử dụng rộng rãi ứng dụng theo dõi người tiếp xúc bệnh nhân COVID-19. Tính đến nay, số các ca nhiễm COVID-19 ở Australia là 6.675, trong đó hơn 5.000 người đã hồi phục, trong khi số ca tử vong là 79 trường hợp.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố sáng kiến “hợp tác mang tính quyết định” nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại thuốc cũng như các phương pháp xét nghiệm và điều chế vaccine an toàn và hiệu quả để phòng ngừa và điều trị bệnh COVID-19. Mục đích sáng kiến này là nhằm phát triển các công nghệ chống COVID-19 mà bất kỳ ai cần đều có thể tiếp cận, trên phạm vi toàn thế giới.
Sáng kiến nói trên của WHO được cho là bao gồm việc dự trữ vaccine phòng COVID-19 để sử dụng ở các nước nghèo, như cơ chế hiện tại WHO dự trữ vaccine phòng cúm để ứng phó trường hợp xảy ra đại dịch. WHO cho biết Pháp và Đức sẽ hỗ trợ sáng kiến toàn cầu này, nhưng Mỹ khẳng định sẽ không tham gia.
Trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 24/4, người đứng đầu Liên minh vaccine toàn cầu Gavi, ông Seth Berkley cho biết thế giới đang trong cuộc đua sản xuất vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp, song ở thời điểm hiện tại không có gì chắc chắn rằng có thể sớm tìm ra loại vaccine này.
Theo ông Berley, một loạt vaccine thường sẽ phải mất từ 10 đến 15 năm phát triển, tuy nhiên, nếu may mắn, các loại vaccine phòng COVID-19 có thể sẽ được cho ra đời trong từ 12 đến 18 tháng.
Ông đánh giá cạnh tranh là điều tốt, song thay vì sản xuất hàng chục loại vaccine có cùng 1 công năng, thế giới vẫn cần nhiều loại vaccine có công năng khác nhau. Ông Barkley cho biết hiện có khoảng hơn 100 đến 150 loại vaccine đang được nghiên cứu phát triển với từng giai đoạn khác nhau.
Liên quan đến phát triển vaccine phòng COVID-19, Công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm một loại vaccine chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên khỉ và loại vaccine này đã có hiệu quả trong việc bảo vệ khỉ thí nghiệm trước sự tấn công của virus này.
Trong quá trình thử nghiệm, 8 con khỉ đã được tiêm 2 mũi vaccine và cho phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Kết quả kiểm tra 3 tuần sau đó, không phát hiện bất cứ trường hợp nhiễm virus nào ở khỉ thí nghiệm.
Sau khi công kết quả thử nghiệm trên, ngày 22/4, Sinovac đã bắt đầu thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, những kết quả thử nghiệm của Sinovac chưa được cộng đồng khoa học toàn cầu xem xét.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận