Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thế giới sẽ mất đi 20% lượng kiều hối trong năm 2020
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo báo cáo của WB nhân loại trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã làm giảm đến 20% lượng kiều hồi mà các lao động di cư gửi về các nước đang phát triển vì đây là những đối tượng đặc biệt dễ bị mất thu nhập nhất trong xã hội.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hơn nửa người học không có máy tính để học bài trực tuyến
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Tâm dịch của nước Mỹ ghi nhận số ca tử vong thấp nhất
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Tượng đài âm nhạc thế giới chung sức chống dịch COVID-19
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/4 cho biết lượng tiền mà các lao động di cư gửi từ nước ngoài về các nước đang phát triển dự báo sẽ giảm từ mức 554 tỷ USD năm 2019 xuống còn 445 tỷ USD năm 2020.
Mức giảm gần 20% này là mức giảm lớn nhất trong lịch sử gần đây, trong bối cảnh người lao động xuất khẩu bị giảm lương hoặc mất việc làm do các biện pháp chống dịch COVID-19 mà các nước sở tại áp dụng, cũng như tác động của suy thoái kinh tế.
Kiều hối từ các lao động di cư vẫn đang là nguồn sống chính tại các nước đang phát triển.
Báo cáo của WB nhận định các nỗ lực nhằm kiềm chế dịch lây lan có thể gây suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, và có nguy cơ kéo dài đến tận năm 2021. Người di cư là đối tượng đặc biệt dễ bị mất thu nhập vì họ có xu hướng tập trung ở các khu vực đô thị và làm việc trong các ngành dịch vụ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi suy thoái kinh tế.
WB cũng cảnh báo khi mùa vụ bắt đầu, nhiều nước công nghiệp có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp, vốn dựa nhiều vào lao động nhập cư.
Dù lượng tiền gửi giảm, nhưng đây vẫn là nguồn thu nhập quan trọng đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến giảm mạnh hơn, khoảng hơn 35%.
Tại một số quốc gia, như Sudan, Haiti, Nepal, Kyrgyzstan, Tajikistan, Montenegro và Tonga, lượng tiền mà người lao động ở nước ngoài gửi về nhà chiếm tới 1/4, thậm chí 1/3 GDP.
Các dòng tiền gửi dự báo giảm mạnh nhất ở châu Âu và Trung Á (27,5%), sau đó là châu Phi Nam sa mạc Sahara (23,1%), Nam Á (22,1%), Trung Đông và Bắc Mỹ (19,6%), Mỹ Latinh và Caribea (19,3%) và Đông Á và Thái Bình Dương (13%).
Ước tính trung bình mỗi người trong 1 tỷ người di cư - khoảng 270 triệu người làm việc ở nước ngoài và 760 triệu người di cư trong nước - đang hằng ngày nuôi sống 3 người thân của mình ở nhà.
Trong khi đó, đến ngày 22/4, trong tổng số hơn 2,58 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới thì ít nhất 179.800 người đã tử vong. Gần 2/3 trong số các nạn nhân này ở châu Âu, nơi ghi nhận hơn 110.500 ca tử vong.
Còn theo số liệu của trang mạng worldometers.com, tính đến tối 22/4 (giờ Việt Nam), Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với hơn 45.300 ca, tiếp đến là Italy với hơn 24.600 ca và Tây Ban Nha với hơn 21.700 ca. Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Pháp (hơn 20.700 ca) và Anh (18.100 ca).
Tại châu Âu, trong khi một số quốc gia như Bỉ và Thụy Sĩ ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mỗi ngày và được cho là đã qua đỉnh dịch thì Nga và Anh ngày 22/4 vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới. Trên toàn lãnh thổ LB Nga đã ghi nhận thêm 5.236 ca nhiễm, đưa tổng số ca lên 57.999 ca.
Anh ghi nhận 4.451 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 133.400 ca. Giới chức Anh nhận định quốc gia này đang bắt đầu bước qua giai đoạn đỉnh dịch. Nước này cũng thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 do Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển trên người từ ngày 23/4 tới.
Đây cũng là ngày mà Chính phủ Đức lần đầu tiên "bật đèn xanh" cho việc triển khai thử nghiệm lâm sàng trên người một loại vaccine do công ty công nghệ BioNTech của nước này phát triển.
Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo người dân nước này cần chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh tái bùng phát mạnh hơn trong mùa Đông tới.
Bất chấp những cảnh báo này, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định quốc gia này hiện đã an toàn để nối lại các hoạt động kinh tế. Trong một động thái gây tranh cãi khác, chia sẻ mới nhất trên Twitter sáng 22/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump khẳng định trong ngày ông sẽ ký ban hành sắc lệnh tạm ngừng một phần chương trình cấp phép nhập cư nước này, để bảo vệ người lao động Mỹ vốn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái vì tác động của dịch bệnh.
Tại châu Á, dịch vẫn "nóng" ở Singapore và Ấn Độ. Singapore cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.016 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại đảo quốc này lên 10.141 ca.
Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Singapore ghi nhận số ca nhiễm mới trên 1.000 ca. Hơn 75% tổng số bệnh nhân tại Singapore là lao động nhập cư đang sống tại các khu nhà ở tập trung.
Trong khi đó, tối 22/4, Bộ Y tế liên bang Ấn Độ thông báo số ca nhiễm đã vượt 20.000 ca. Cụ thể, tính tới 17h (giờ địa phương), Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 20.471 ca nhiễm sau khi phát hiện thêm 487 ca mới trong ngày.
Ngày 22/4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo dịch bệnh sẽ tác động nghiêm trọng tới người lao động cũng như người sử dụng lao động với dự báo tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ chịu tổn thất lớn về sản lượng và việc làm, đặc biệt là ngành du lịch và sản xuất ô tô.
Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo đối với việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly hiện nay, theo đó người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi đảm bảo được các điều kiện cần thiết để có thể ngăn chặn dịch bệnh tái diễn.
Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và các cơ chế tài chính khu vực khác đã nhất trí phối hợp hành động nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế và tài chính của dịch bệnh COVID-19, nhất là đối với các quốc gia và người dân dễ bị tổn thương nhất.
Ngoài việc trao đổi thông tin về nhu cầu của các thành viên, những cơ quan và cơ chế này cho biết sẽ tìm cách phối hợp hỗ trợ ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
Cùng ngày, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố báo cáo cho thấy 188 quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa trường học các cấp từ ngày 4/5, ảnh hưởng đến 91,3% học sinh, sinh viên. Tổng số học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng là 1.576.021.818 người.
Các chuyên gia nhận định khoảng cách bất bình đẳng giữa học sinh có điều kiện và học sinh nghèo, vốn tồn tại trong các hệ thống giáo dục, ngày càng bị nới rộng do việc đóng cửa trường học.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận