Hội Nghị Quốc Tế ICISN 2021: Mạng và các Hệ thống thông minh
Ngày 19/3, Hội nghị quốc tế về Mạng và Hệ thống thông minh (The International Conference on Intelligent System and Networks - ICISN 2021) lần đầu tiên được Trường Đại học Công nghệ GTVT (UTT) đăng cai và tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội vô tuyến - Điện tử (REV). Sự kiện sẽ trở thành hoạt động khoa học thường niên được tổ chức hàng năm.
- Giải pháp hệ thống Truyền hình Hội nghị phục vụ cho các cơ quan nhà nước
- Hội nghị công nghệ quang phổ cận hồng ngoại (NIRS) trong kiểm soát nguyên liệu và thức chăn nuôi
- Hội thảo góp ý dự thảo phát triển công nghiệp ICT, hướng tới CMCN lần thứ tư
Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về Mạng và Hệ thống thông minh (The International Conference on Intelligent System and Networks - ICISN 2021).
Hội nghị có sự tham dự của TS. Trần Đức Lai - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch REV, ThS. Đoàn Quang Hoan - Tổng thư ký, kiêm Phó chủ tịch REV và các thành viên trong Ban lãnh đạo Hội; đồng chí Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN- Bộ GTVT; về phía Trường Đại học Công nghệ GTVT có PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Văn Lâm - Phó Hiệu trưởng; Tham dự Hội nghị, còn có đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan doanh nghiệp, tổ chức.
Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về Mạng và các Hệ thống thông minh - ICISN 2021.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết được sự bảo trợ của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ GTVT với tư cách là Chi hội thành viên của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về mạng và các hệ thống thông minh lần thứ Nhất với mong muốn trở thành diễn đàn thường niên dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Điện tử, truyền thông cùng các lĩnh vực khác có liên quan. Hội nghị sẽ tập trung chủ đề về các hệ thống, mạng thông minh, các giải pháp an toàn bảo mật, phương pháp phát triển phần mềm và kỹ thuật phần mềm, xử lý tín hiệu, ứng dụng IoT….
PGS. TS Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị.
PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cũng cho biết, hòa cùng dòng chảy của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới và ở Việt Nam, trong những năm qua UTT đang dần từng bước nâng cao năng lực quản trị đại học gắn liền với chuyển đổi số; chuẩn hoá, đa dạng hóa các chương trình đào tạo trong đó có các chương trình mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, điện tử - viễn thông; công nghệ thông tin, hệ thống thông tin theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, kết nối liên thông dọc, liên ngành, xuyên ngành có tích hợp công nghệ số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trong việc giải quyết các bài toán thực tiễn của Ngành GTVT và đất nước.
TS Trần Đức Lai - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch REV phát biểu tại Hội nghị.
Đánh giá cao đề xuất và nỗ lực đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực điện tử, CNTT và truyền thông của UTT, Chủ tịch REV, TS. Trần Đức Lai cho biết, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên số. Chính phủ mới đây đã công bố Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Vì vậy, diễn đàn kỹ thuật này chính là một trong các hoạt động đóng góp vào việc thực hiện Chương trình.
“Dù đang trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Hội nghị đã thu hút 198 báo cáo tham luận từ các cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế. Tất cả đều được các nhà khoa học đánh giá kỹ lưỡng, 68 bài được lựa chọn in ấn tại Nhà xuất bản Spinger uy tín và trình bày trong 8 mục của Hội nghị. Điều này cho thấy thành công của Hội nghị”, TS. Trần Đức Lai nhận định.
Đồng chí Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ Giao thông vận tải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận UTT là một trong những trường đại học lớn của ngành GTVT, vừa thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành, nhưng cũng rất chủ động tích cực trong việc nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất của Ngành.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng đánh giá cao nỗ lực tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế để huy động nguồn lực chất xám của các nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp vào việc nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng ở Việt Nam.
Nhà trường cần tích cực chủ động hơn nữa trong việc tham mưu đề xuất giúp Bộ cụ thể hóa “Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành trong việc ứng dụng công nghệ ưu tiên vào lập dự án, quản lý chất lượng xây dựng, đồng thời quản lý khai thác và bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và điều hành, tổ chức giao thông, đồng chí Trần Quang Hà nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Nhà trường đã trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị ICISN 2022 lần thứ Hai cho đại diện Đại học Swinburne Vietnam vào năm 2022.
PGS. TS Nguyễn Hoàng Long thực hiện nghi thức trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ Hai cho đại diện Đại học Swinburne Vietnam vào năm 2022.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các diễn giả trình bày báo cáo tại Hội nghị thông qua hình thức trực tuyến.
Các đại biểu, diễn giả, báo cáo viên chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ GTVT và Ban tổ chức chương trình.
Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả chính (keynote speaker) đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan mạng và các hệ thống thông minh với những nghiên cứu mới nhất. Các diễn giả chính bao gồm: GS. Zhongyu Lu - Đại học Huddersfield (Vương quốc Anh), Trưởng nhóm Kỹ thuật thông tin và Hệ thống tại Trung tâm Máy tính hiệu năng cao; GS. Marco Anisetti - Đại học Università degli Studi di Milano (Italy); GS. Prof. Gwanggil Jeon - Đại học Quốc Gia Incheon (Hàn Quốc). Tính đến ngày khai mạc, đã có 198 báo cáo khoa học gửi về Hội nghị từ các nhà nghiên cứu, học giả đến từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ấn độ, Phillippines, Bangladesh, Malaysia, Rumania… Tất cả các bài báo đều được các nhà khoa học có uy tín xem xét kỹ lưỡng, 68 báo cáo được lựa chọn để trình bày tại hội thảo và đăng vào kỷ yếu của Hội thảo - xuất bản tại thư viện số của Nhà xuất bản Spinger. Hội thảo được tổ chức thành 8 phiên thảo luận song song bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến về nhiều chủ đề chuyên sâu như Kỹ thuật phần mềm và Phương pháp phát triển phần mềm, tính toán thông minh, xử lý tín hiệu, mạng di động và mạng không dây, kỹ thuật điện tử… với sự chủ trì của các chuyên gia hàng đầu đến từ các trường đại học hàng đầu trong cả nước. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận