Công nghệ mới hứa hẹn khả năng xoá bỏ những ký ức tồi tệ đã qua
Dù là những thứ vô định hình, ký ức vẫn có thể trở thành một phần rất chân thực góp phần tạo nên nhân dạng của chúng ta, giống như những vết tàn nhang trên mặt hay những dấu hằn trên chiếc áo khoác da yêu thích bạn vẫn thường mặc.
- Tài xế công nghệ - Nỗi lo xiết xe
- Elon Musk - Từ "gã khùng" công nghệ đến nhà khởi nghiệp vụ trụ
- Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới vừa khép lại 1 năm bộn thu
Nhớ lại một người bạn thời thơ ấu khi phóng tầm mắt dọc theo cánh đồng lúa xanh rì có thể là một trải nghiệm thư thái, nhưng bị cuốn vào một ký ức tồi tệ - ví dụ như một cuộc chia tay đầy khó khăn, hay một mất mát to lớn - có thể khiến mỗi chúng ta cảm thấy ngột ngạt.
Nhưng nếu chúng ta xoá sạch được những ký ức đó thì sao? Đây là một ý tưởng từng được khám phá trước đây, nhưng Philipp Kellmeyer, một nhà thần kinh học và là trưởng Phòng thí nghiệm Neuroethics & AI Ethics tại Đại học Freiburg, lại có một số nghi ngại về vấn đề này. Đặc biệt là về mặt nhân dạng.
"Loại bỏ hoặc dựng nên ký ức vì những mục đích nào đó ngoài trị liệu y tế hiển nhiên sẽ đi kèm với những vấn đề lớn về đạo đức" - Kellmeyer nói. "Bao gồm khả năng can thiệp vào nhân dạng của một người, hoặc lợi dụng để điều khiển họ bằng cách sử dụng ký ức giả để gây ảnh hưởng lên hành vi con người"
Dù nhiều ký ức tồi tệ sẽ phai nhạt theo năm tháng, những ký ức đặc biệt đau khổ có thể để lại một vết hằn vĩnh viễn thể hiện dưới dạng hậu chấn tâm lý (PTSD) và khiến những khía cạnh tưởng chừng vô hại trong cuộc sống thường nhật trở nên rất khó để xử lý.
Bạn sẽ nghĩ rằng công nghệ xoá ký ức nghe thật viễn vông, nhưng nó thực ra gần hơn chúng ta tưởng. Các nhà thần kinh học điện toán đang trong giai đoạn chứng minh một loại liệu pháp chữa trị PTSD mới gọi là "giải mã phản hồi từ thần kinh" (DecNef), trong đó họ sẽ thu thập và phân tích tín hiệu não bằng học máy để chỉnh sửa lại những ký ức đau thương - tất cả diễn ra trong âm thầm, người bệnh thậm chí không hề biết gì!
DecNef có thể mở ra con đường để điều trị cho vô vàn những người đang mắc hội chứng PTSD - ít nhất thì, nếu công nghệ này được đặt vào tay những tổ chức có ý đồ tốt.
Dù bộ não con người trông như một khối vật chất cục mịch nằm trong hộp sọ, chúng thực ra là trung tâm quyền lực mạnh mẽ của cơ thể, bắn ra tín hiệu điện nhằm xử lý mọi cử động của chúng ta hoặc mọi kích thích chúng ta gặp phải. Aurelio Cortese, một nhà thần kinh học điện toán kiêm điều tra viên của phòng thí nghiệm ATR Computational Neuroscience, nói rằng những tín hiệu này là thứ mà các nhà khoa học đang tìm cách tận dụng khi nghiên cứu về DecNef.
"Trong DecNef, chúng tôi sử dụng dữ liệu hình ảnh thần kinh. Một khối nam châm lớn quét bộ não của bạn, và đo đạc những thay đổi trong nồng độ oxy trong máu não. Dữ liệu này sau đó được xử lý trong thời gian thực thông qua một máy tính thu thập dữ liệu từ khu vực não liên quan"
Khối nam châm lớn nói trên là một phần của máy fMRI, một cỗ máy giống như đường hầm cỡ lớn tương tự máy quét CAT bạn thường thấy ở bệnh viện. Thu thập dữ liệu fMRI không phải là điều quá mới mẻ, nhưng điểm khác biệt về DecNef là nó sử dụng học máy để trích xuất và nhắm ngược lại những mô hình cụ thể trong hoạt động thần kinh.
"Học máy được sử dụng để học biểu hiện cụ thể về mặt thần kinh của biểu hiện tâm thần. Thuật toán giải mã học máy này sau đó được sử dụng trong quy trình phản hồi thần kinh để phát hiện những mô hình kích hoạt và tính toán khả năng nó sẽ phản ứng với một mô hình mục tiêu"
"Những người tham gia DecNef sẽ nhận được một phần thưởng nhỏ mỗi khi một mục tiêu kích hoạt mô hình trong não họ được phát hiện. Điều này nhằm trao cho những người tham gia quyền kiẻm soát đối với một số quy trình não cụ thể" - Cortese nói.
Hoạt động trong thực tế
Về cơ bản, dữ liệu fMRI thu thập được trong quá trình tiếp nhận một kích thích đau đớn (ví dụ, một cú sốc điện nhẹ, hay kích thích sợ hãi bằng hình ảnh một kẻ tấn công) được phân tích bởi một thuật toán học máy để phân tách mô hình cụ thể từ dữ liệu hỗn tạp.
Những người tham gia sau đó được yêu cầu tự điều chỉnh hoạt động thần kinh của họ thông qua quá trình thử và lỗi nhằm khớp hoạt động não của họ với một loạt các mục tiêu trong thời gian thực để nhận được một khoản tiền nhỏ. Dù những người tham gia cho rằng họ đơn giản chỉ đang chơi game, điều họ thực sự làm là khớp hoạt động thần kinh thời gian thực của họ với ảnh chụp hoạt động thần kinh từ kích thích đau đớn nói trên.
Dù các nghiên cứu trong thập kỷ trước đã phát hiện ra rằng hướng tiếp cận này có thể làm giảm đáng kể nỗi sợ hãi liên quan những ký ức cũ (kể cả với các bệnh nhân PTSD), các nhà nghiên cứu chưa hoàn toàn chắc chắn nguyên nhân tại sao.
Nhưng nhiều giả thuyết cho rằng DecNef hoạt động tương tự liệu pháp tiếp xúc (tiêu chuẩn vàng của điều trị PTSD, vốn phát huy tác dụng bằng cách từ từ giảm nỗi sợ hãi thông qua tiếp xúc), hoặc phương pháp phản điều kiện (trong đó nỗi sợ trước một kích thích sẽ được thay thế bởi một phản ứng tích cực hơn, như nhận phần thưởng chẳng hạn)
Tuy nhiên, Cortese nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa bản thân ký ức sẽ bị xoá đi, mà sẽ được chuyển hoá thành ký ức không gây đau khổ.
"Một trong những mục tiêu chính là giảm tác động của những ký ức đau khổ, hay những ký ức về những thứ kinh hoàng" - Cortese nói. "Bằng cách liên tục khớp những biểu hiện thần kinh của ký ức hoặc vật thể với một phần thưởng nhỏ, bộ não có thể quên đi mặt gây sợ hãi"
Tại sao con người muốn làm vậy?
Cortese nói rằng kỹ thuật biến đổi ký ức này có thể hữu dụng trong nhiều trường hợp, bao gồm giúp huấn luyện khả năng tập trung, tăng cường chức năng nhớ, hoặc giảm cơn đau vật lý. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc điều trị PTSD.
Liệu pháp chữa trị PTSD thông qua tiếp xúc - trong đó bệnh nhân được tiếp xúc ảo hoặc ngoài đời thực với một kích thích gây ra nỗi sợ - là phương thức chữa trị chính cho tình trạng rối loạn này, nhưng nó có thể là một quy trình đáng sợ và không phải lúc nào cũng hiệu quả với mọi bệnh nhân.
Sử dụng DecNef có thể mở ra một cánh cửa để chỉnh sửa những ký ức đó mà không phải cho bệnh nhân tiếp xúc với nguồn cơn nỗi đau của họ. Quá trình nghiên cứu DecNef hiện nay thường thu thập phản ứng thần kinh đối với một kích thích trong phòng thí nghiệm, nhưng nó cũng cho thấy có khả năng sử dụng một bộ tín hiệu thần kinh thay thế để làm điều đó, đồng nghĩa bệnh nhân một ngày nào đó sẽ không phải tái tiếp xúc với nỗi sợ nữa.
"Đây thực sự là một thành tựu bởi nó có nghĩa chúng ta có thể xây dựng nên những thuật toán giải mã học máy mà không phải đưa ra những hình ảnh đau khổ để biết được biểu hiện thần kinh (mô hình kích hoạt) đối với người bệnh" - Cortese nói.
Ký ức là một phần cơ bản của câu chuyện về một người và là một thứ gắn với quyền sở hữu của chúng ta. Vì lý do đó, Cortese nói rằng một trong những đặc điểm tốt nhất của DecNef (khả năng chỉnh sửa những ký ức xấu) đồng thời cũng là một vấn đề về mặt đạo đức.
"Bởi DecNef có thể được sử dụng để thay đổi một phần biểu hiện thần kinh mà một người không hề biết đến điều đó, nó chỉ nên được sử dụng trong những tình huống rất cụ thể, với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan đạo đức" - Cortese nói.
Kellmeyer cũng cho biết công nghệ này đang làm dấy lên những quan ngại về mặt đạo đức cả về dữ liệu và "tính riêng tư thần kinh". Không như việc bị mất số thẻ tín dụng, bị đánh cắp dữ liệu ký ức có thể dẫn đến những hệ quả lớn hơn nhiều.
"Do đó, những vấn đề này cần được giải quyết cả bằng cách phân tích đạo đức cẩn thận và thông qua những cơ quan quản lý/luật pháp nhằm ngăn ngừa lạm dụng chỉnh sửa ký ức"
Cortese hi vọng những vấn đề đạo đức đó có thể được giải quyết một cách hiệu quả để kỹ thuật này mang lại một tác động mạnh mẽ đến những người đang chật vật với những ký ức đen tối từ quá khứ của họ.
"Tôi hi vọng một ngày nào đó, nó có thể xoá bỏ một ký ức đau khổ, hoặc giảm các triệu chứng trầm cảm, hoặc cải thiện những trạng thái thần kinh tâm thần khác chỉ với vài phiên làm việc cùng chuyên gia tư vấn y tế/tâm lý"- Cortese nói. "Chỉ cần phát triển và tinh chỉnh thêm một chút nữa, công nghệ này thực sự có tiềm năng giúp đỡ những người đang đối mặt với rối tình trạng rối loạn tâm lý".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận