Nhóm phi hành gia Trung Quốc tiến ra bệ phóng sáng 17-6 trong tiếng hò reo chúc mừng. Ảnh: Reuters
Tàu vũ trụ Thần Châu 12 mang theo 3 phi hành gia đã rời khỏi bệ phóng đặt tại Tửu Tuyền lúc 8h22 ngày 17/6 (giờ Việt Nam). Đây là chuyến bay có người lái đầu tiên của dự án hiện thực hóa tham vọng hiện diện thường trực ngoài không gian.
Ba phi hành gia Trung Quốc thực hiện sứ mệnh Thần Châu 12 là Nhiếp Hải Thắng (56 tuổi), Lưu Bá Minh (54 tuổi) và Thang Hồng Ba (45 tuổi) trong đó Phi hành gia Nhiếp Hải Thắng là trưởng nhóm.
Theo Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA), trong 3 tháng ngoài vũ trụ, các phi hành gia sẽ thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian, lắp đặt và kiểm tra các thiết bị trên trạm Thiên Cung-2.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết nhóm phi hành gia sẽ kiểm tra điều kiện sống trên trạm Thiên Cung-2, bao gồm khả năng chịu đựng của con người trong vũ trụ.
Phần môđun lõi của trạm không gian này được đặt tên là Thiên Hà và có không gian rộng gấp 6 lần không gian sống của trạm Thiên Cung-1 (vốn đã ngừng hoạt động). Thiên Hà cũng là môđun lớn nhất trong số 3 môđun sẽ tạo thành trạm Thiên Cung-2.
Theo Tân Hoa xã, ông Nhiếp là người có kinh nghiệm nhất, từng tham gia sứ mệnh Thần Châu 6 (năm 2005) và Thần Châu 10 (năm 2013).
Phi hành gia Lưu Bá Minh cũng có kinh nghiệm nhờ từng tham gia sứ mệnh Thần Châu 7 (năm 2008), trong khi đây là sứ mệnh không gian đầu tiên của Thang Hồng Ba.
Thần Châu 12 là tàu thứ ba trong số 11 chuyến bay cần thiết để hoàn thành trạm Thiên Cung-2. Theo Hãng tin Reuters, 4/11 tàu Thần Châu sẽ có người lái, các chuyến bay còn lại sẽ do các tàu chở hàng không người lái tên Thiên Châu thực hiện.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, dự kiến tàu Thần Châu 12 sẽ kết nối với môđun Thiên Hà trong khoảng 6 tiếng rưỡi kể từ lúc phóng. Đây sẽ là thời gian nhanh kỷ lục đối với một chuyến bay không gian có người lái do Trung Quốc thực hiện.
Cũng giống như các lần phóng Thần Châu trước đây, loại tên lửa đẩy được Trung Quốc sử dụng là tên lửa Trường Chinh-2F. Loại tên lửa này lớn hơn một chút so với tên lửa Trường Chinh-5B được dùng để đưa môđun Thiên Hà lên không gian hồi cuối tháng 4/2021.
Theo giới quan sát, nếu Trạm không gian quốc tế (ISS) thực sự "nghỉ hưu" vào năm 2025, Trung Quốc sẽ là nước duy nhất trên thế giới có trạm không gian.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận