Mỹ đối diện nguy cơ vỡ nợ - Thảm hoạ với kinh tế thế giới
Đó là cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nếu các nhà lập pháp không sớm thông qua nới rộng giới hạn vay của chính quyền Tổng thống Biden trước ngày 31/7.
- Câu chuyện về chiếc iPod tuyệt mật được chính phủ Mỹ chế tạo
- Chính phủ Mỹ muốn có một phần lợi ích từ các hoạt động của TikTok
- Huawei thất bại trong vụ kiện Chính phủ Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 23/6 đã cảnh báo Quốc hội rằng nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ và đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới sớm nhất vào tháng 8/2021, nếu các nhà lập pháp không nhanh chóng hành động để đình chỉ hoặc nâng giới hạn vay.
Trong phiên điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện về dự thảo ngân sách mới, Bộ trưởng Yellen cho biết việc vỡ nợ là “điều không thể tưởng tượng được” và sẽ gây ra những hậu quả kinh tế vô cùng thảm khốc.
Bà Yellen nói rằng để tránh bất ổn cho thị trường tài chính, Quốc hội nên thông qua luật giới hạn nợ mới - cho phép Kho bạc tiếp tục vay - trước khi lệnh đình chỉ gần nhất hết hạn vào ngày 31/7.
Các nhà lập pháp Mỹ sẽ phải hành động sớm với dự luật cho phép chính quyền Tổng thống Biden nới rộng trần vay nợ nếu không muốn bị vỡ nợ.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nếu nước Mỹ thực sự không thể đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ, nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, đe dọa việc làm và tiền tiết kiệm của người dân Mỹ vào thời điểm nước này vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trước đây Bộ Tài chính Mỹ từng ngăn chặn khả năng vỡ nợ trong vài tháng bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý dòng tiền bất thường, như tạm ngừng đóng tiền vào quỹ hưu trí của nhân viên chính phủ.
Khi được hỏi những biện pháp này có thể kéo dài bao lâu, bà Yellen cho biết chi tiêu cho các chương trình cứu trợ COVID-19 đã làm gia tăng bất ổn cho dòng tiền thanh toán của chính phủ. Nhưng lần này, các biện pháp bất thường của Bộ Tài chính Mỹ có thể không còn vào tháng Tám, thời điểm Quốc hội Mỹ tạm nghỉ mùa Hè theo truyền thống.
Khi đó, Bộ Tài chính chỉ có thể dựa vào nguồn thu thuế để thanh toán các nghĩa vụ nợ, nhưng rồi sẽ không thể hoàn thành đáp ứng mọi khoản trả nợ nếu không có khoản vay mới.
Cũng trong phiên điều trần, khi được hỏi liệu lạm phát có tiếp tục tăng ở mức 5% so với cùng kỳ năm trước như đã ghi nhận trong tháng 5/2021 hay không, Bộ trưởng Yellen chia sẻ con số sẽ gần mức 2% vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.
Bà lưu ý hầu hết các thước đo về kỳ vọng lạm phát trong năm tới đều cho thấy nó quay trở lại gần mức 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra.
Chia sẻ quan điểm tương tự như Chủ tịch Fed Jerome Powell, bà Yellen đã viện dẫn lý do cho sự gia tăng áp lực giá gần đây là vì tình trạng tắc nghẽn, thiếu hụt nguồn cung phát sinh vào mùa Xuân khi nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn đóng cửa vì COVID-19.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ hy vọng những vấn đề đó sẽ “tự giải quyết” trong những tháng tới. Đồng thời, các yếu tố dài hạn đã góp phần duy trì lạm phát ở mức thấp hơn trong suốt thập kỷ qua sẽ mạnh lên và đưa lạm phát xuống thấp hơn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận