Phát triển dịch vụ chữ ký số công cộng phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội
Thời gian qua, việc triển khai chữ ký số (VNPT-CA) tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Tin tưởng rằng, trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0, dịch vụ chữ ký số càng có nhiều cơ hội tốt để phát triển hiệu quả, bền vững hơn.
- Sử dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cao cho giao dịch điện tử
- Bộ trưởng TT&TT: Chuyển đổi số hướng đến phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ
- Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam Góp ý dự thảo Đề án chuyển đổi số Quốc gia
Đồng chí Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ phát triển, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và xã hội ở nước ta cho rằng, bối cảnh xã hội hiện tại cùng quyết tâm triển khai Chính phủ điện tử của nước ta hiện nay là một trong những thuận lợi chủ yếu để phát triển dịch vụ chữ ký số.
Chữ ký số tại Việt Nam cần được sử dụng phổ biến hơn trong bối cảnh hiện nay (Ảnh: PV)
Điều quan trọng hiện nay là đẩy mạnh sử dụng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động cũng như xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về việc quản lý, triển khai ứng dụng dịch vụ chữ ký số công cộng phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội, góp phần quan trọng trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Tính đến tháng 9/2019, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đã cung cấp gần 220.000 chứng thư số triển khai cho các cơ quan Đảng và Nhà nước; đáp ứng kịp thời nhu cầu về cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan Đảng, Nhà nước song song với quy định pháp lý cho việc ứng dụng và phát triển chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Luật giao dịch điện tử 2005, Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật giao dịch điện tử (thay thế Nghị định số 26/2007/NĐ-CP; Nghị định 106/2011/NĐ-CP; Nghị định 170/2013/NĐ-CP) cũng tạo môi trường pháp lý vững chắc cho thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hoạt động.
Năm 2009, VNPT-CA (còn gọi là CA công cộng) được Bộ TT&TT cấp phép đầu tiên cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, là CA công cộng đầu tiên hoạt động. Đến nay, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 14 doanh nghiệp, trong đó đi vào hoạt động 10 doanh nghiệp, 3 doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện đầu tư hệ thống kỹ thuật và tổ chức vận hành, 1 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép năm 2016.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – Bộ TT&TT, tính đến 30/6/2019, các cơ quan đã cấp 2.699.668 chứng thư số, số lượng chứng thư số đang hoạt động là 1.166.896.
Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như Thuế điện tử, Hải quan điện tử và Bảo hiểm xã hội điện tử, ngoài ra còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…
Điển hình là lĩnh vực thuế, sau 10 năm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ứng dụng chữ ký số tại Tổng cục Thuế, hiện nay tần suất sử dụng ngày càng tăng cao. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc.
Số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử tính đến 31/3 là 711.604 doanh nghiệp hoạt động; Nộp thuế qua mạng: số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế tính đến 31/3 là 703.753 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,87%;Hóa đơn điện tử: số lượng doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử trên hệ thống tính đến ngày 31/3 đạt 255 doanh nghiệp.
Tính đến hết Quý I/2019, Tổng cục Hải quan cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến áp dụng chữ ký số để xác thực và 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 áp dụng chữ ký số để xác thực.
Số lượng doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để giao dịch dịch vụ công trực tuyến tính đến thời điểm 31/3/2019 tại các hệ thống: Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS): 203.967 doanh nghiệp tham gia; Hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia: 28.464 doanh nghiệp tham gia và 173 thủ tục đã triển khai.
Bảo hiểm xã hội sau hơn 4 năm triển khai, các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) áp dụng chữ ký số phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến 31/3/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 28 dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp với 323.481 doanh nghiệp ứng dụng dịch vụ.
Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Đào phát biểu tại một Hội nghị về chữ ký số tại Hà Nội trung tuần tháng 10/2019 (Ảnh: HNV)
Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, việc triển khai chữ ký số vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ, giải quyết nhằm thúc đẩy triển khai chữ ký số mạnh mẽ và phổ biến hơn nữa.
Một số khó khăn, thách thức đó được tổng hợp gồm: việc triển khai, nâng cấp các hệ thống quản lý văn bản điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia, còn nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí; thời gian cấp, đổi chứng thư số chậm dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh khi cán bộ thay đổi vị trí làm việc, thay đổi chức vụ, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai ký số trên văn bản điện tử; một số cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số.
Do đó, theo đồng chí Nguyễn Đăng Đào, các cơ quan có liên quan cần phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chữ ký số của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Qua đó, tạo điều kiện cho việc triển khai chữ ký số ở nước ta đạt nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể hơn, Bộ TT&TT cùng Ban Cơ yếu Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình sử dụng chữ ký số; phối hợp thẩm định cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động cho các CA công cộng… từ đó làm sáng tỏ hơn khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, góp phần sử dụng chữ ký số nhuần nhuyễn và hiệu quả hơn.
Theo Dangcongsan.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận