Cách chuyển tập tin sang máy tính mới
Chuyển tập tin từ máy tính này sang máy tính khác một cách nhanh chóng và an toàn mà không làm mất bất cứ dữ liệu nào trong cả quá trình
Không có gì thú vị hơn là sở hữu một chiếc máy tính mới mạnh mẽ giúp bạn hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách nhanh chóng, chạy các ứng dụng mới và chơi game với tốc độ đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, không có gì làm bạn nản chí khi nhận ra rằng bạn phải chuyển toàn bộ nhạc, hình ảnh, tài liệu và các tập tin khác từ máy tính cũ sang máy tính mới.
May mắn là bạn không phải xin xỏ và “đút lót” bạn bè để họ giúp mình chuyển dữ liệu. Có rất nhiều cách để chia sẻ tập tin và thậm chí chuyển các chương trình một cách dễ dàng và an toàn từ máy tính cũ sang máy tính mới nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho dữ liệu.
Phương pháp DIY (tự làm): Chuyển tập tin thủ công
Nếu bạn là người thích thực hành, một trong những cách đơn giản nhất để đưa toàn bộ tập tin của bạn sang máy tính mới là di chuyển thủ công. Có một số cách để sử dụng phương pháp này.
Đối với những người mới tìm hiểu, hãy cắm ổ đĩa flash USB hoặc ổ cứng ngoài vào máy tính cũ. Tùy thuộc vào dung lượng lưu trữ, tốc độ và chức năng bạn cần, các thiết bị lưu trữ này thường có giá từ $30 đến vài trăm đô la. Chỉ cần sao chép tập tin vào ổ đĩa ngoài, rút khỏi thiết bị lưu trữ, cắm thiết bị lưu trữ này vào máy tính mới, rồi sau đó đảo ngược quy trình này để tải tập tin vào máy tính mới. Mẹo: Một số máy tính có cổng eSATA được thiết kế đặc biệt cho ổ cứng ngoài và chuyển dữ liệu thậm chí còn nhanh hơn cổng USB.
Nếu không muốn mua ổ cứng ngoài, bạn cũng có thể chuyển và lưu trữ tập tin trên đám mây bằng cách sử dụng dịch vụ lưu trữ trên Internet như Microsoft OneDrive, Google Drive hoặc Dropbox. Một lần nữa, chỉ cần thả và kéo tập tin từ máy tính cũ vào dịch vụ đám mây rồi kéo và thả tập tin vào máy tính mới. Những dịch vụ này thường miễn phí đối với dung lượng lưu trữ nhỏ và sau đó tính phí hàng tháng khi nhu cầu lưu trữ của bạn tăng lên.
Tăng tốc độ: Sử dụng cáp truyền dữ liệu
Nếu bạn nhận thấy việc sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây mất nhiều thời gian hoặc nếu bạn muốn tránh phải trả phí hàng tháng cho dịch vụ đám mây thì bạn có thể chọn chuyển tập tin bằng cáp truyền dữ liệu. Cắm cáp vào cổng trên cả máy tính mới và máy tính cũ. Thông thường, cáp sẽ đi kèm với phần mềm có chức năng tự động chuyển các tập tin khi nâng cấp từ máy tính chạy hệ điều hành Windows 10, 8.1, 8, 7, Vista hoặc XP cũ hơn lên máy tính chạy hệ điều hành mới hơn. Cáp truyền dữ liệu hoạt động nhanh hơn ổ cứng ngoài vì máy tính cũ kết nối trực tiếp với máy tính mới mà không cần qua thiết bị trung gian (ổ cứng ngoài).
Trước khi bạn bắt đầu chuyển dữ liệu, hãy cân nhắc xem bạn có thực sự cần tất cả không. Cài đặt một chiếc máy tính hoàn toàn mới là thời điểm lý tưởng để cất đi những tập tin cũ bằng cách lưu trữ chúng, từ đó thu dọn các tập tin và cấu trúc thư mục.
Thuê dịch vụ chuyển dữ liệu giữa các máy tính: Sử dụng phần mềm đa năng
Các phiên bản trước của Windows có một dịch vụ tên là Easy Transfer, giúp người dùng dễ dàng chuyển tập tin giữa các máy tính. Không may là dịch vụ đó đã bị loại bỏ khỏi hệ điều hành Windows 10. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng vì Microsoft đã hợp tác với nhà cung cấp Laplink PC Mover để tạo ra tính năng giống như của Easy Transfer. Phần mềm PCMover Express của nhà cung cấp này giúp chuyển dữ liệu và các cài đặt từ máy tính chạy Windows XP sang máy tính chạy Windows 8.1 hoặc phiên bản mới hơn. Dịch vụ này có mức phí khoảng $15. PC Mover Professional có giá cao hơn nhưng cũng giúp bạn chuyển các ứng dụng. Nếu bạn gặp sự cố, cả hai dịch vụ đều có hỗ trợ 24/7.
Phương pháp này yêu cầu bạn phải trả một khoản phí, nhưng nó sẽ tự động thực hiện các quy trình và có thể hướng dẫn để đảm bảo bạn không bỏ sót tập tin nào vốn có thể được đặt ở một nơi mà bạn không biết trên máy tính cũ.
Các hệ điều hành khác: Chuyển tập tin từ máy Mac sang máy tính cá nhân hoặc máy tính cá nhân sang máy Mac
Bạn có thể chuyển tập tin thủ công giữa máy Mac và máy tính cá nhân bằng cách tương tự như khi bạn chuyển tập tin bằng ổ cứng ngoài, dịch vụ đám mây hoặc mạng gia đình. Hoặc bạn có thể để tự máy tính làm công việc của một trợ lý cá nhân khi chuyển và chia sẻ tập tin: Mac OS X Lion và hệ điều hành phiên bản mới hơn có một công cụ tiện lợi mang tên Migration Assistant, có chức năng chuyển danh bạ, lịch, tài khoản email cùng nhiều thứ khác từ máy tính cá nhân và lưu những tập tin này ở vị trí phù hợp trên máy Mac mới của bạn.
Xóa sạch dữ liệu: Bảo vệ dữ liệu cũ tránh rơi vào tay kẻ xấu
Sau khi chuyển tập tin, bạn nên giữ lại máy tính cũ ít nhất vài tuần phòng trường hợp bạn bỏ sót bất cứ tập tin nào. Tuy nhiên, nếu bạn bán, bỏ hoặc cho máy tính cũ, đừng quên xóa toàn bộ dữ liệu và thông tin cá nhân của bạn. Chuyển tập tin không có nghĩa là dữ liệu sẽ bị xóa. Ngay cả khi bạn đã xóa tập tin hoặc định dạng lại ổ đĩa, các chuyên gia vẫn có thể truy xuất được thông tin mà bạn không muốn chia sẻ, chẳng hạn như thông tin ngân hàng hoặc các email cũ. May thay, các chương trình hủy dữ liệu miễn phí, như Darik's Boot And Nuke (DBAN), có thể xóa mọi thứ trên máy tính cũ của bạn, đảm bảo bạn không để lại dấu vết (dữ liệu) nào.
Luôn đảm bảo an toàn: Sao lưu dữ liệu mới
Giờ đây, khi mà bạn đã quen với việc chuyển tập tin khỏi máy tính cũ thì cũng là lúc cần đảm bảo rằng bạn có sẵn hệ thống sao lưu phòng trường hợp cần khôi phục lại các tập tin đó. Hệ điều hành Windows 8 trở lên có tính năng tiện dụng mang tên File History, giúp bạn tự động và định kỳ sao lưu tập tin sang ổ cứng ngoài. Tính năng này đảm bảo dữ liệu của bạn không bị mất nếu có sự cố xấu nhất xảy ra.
Nếu bạn sở hữu máy Mac, bạn có rất nhiều lựa chọn và nền tảng để sao lưu dữ liệu, từ iCloud đến các chương trình như Time Machine, tùy vào việc bạn đang chạy phiên bản OS X nào.
Ghi nhớ: Tuy có nhiều cách để chuyển và chia sẻ dữ liệu một cách dễ dàng, nhưng bạn chỉ có thể chuyển những dữ liệu bạn có thể truy cập. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng tài liệu, hình ảnh và các dữ liệu quý giá khác của bạn luôn được bảo vệ an toàn ngay cả khi máy tính của bạn bị mất hoặc bị hỏng. Chuyển dữ liệu tự động khá dễ và diễn ra suôn sẻ hơn.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận