Tín dụng ngân hàng đổ dồn vào bất động sản - Rủi ro 'nhãn tiền' cho nền kinh tế
Trước sự diều hướng của dòng tiền tại các ngân hàng đang được đổ dồn vào bất động sản "sân sau" của các ông chủ chính ngân hàng đó khiến một số chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại dòng tín dụng có thể gây rủi ro cho hệ thống tài chính và cả nền kinh tế.
- Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2021
- Các ngân hàng có trách nhiệm như thế nào trong việc “chặn” các giao dịch tín dụng đen?
- Chỉ thị 02 chặn đường "làm ăn" của dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng
Hành trình "đi vòng" dòng tín dụng
Theo đó, dòng vốn huy động đáng ra phải được đẩy vào phục vụ cả nền kinh tế thì một số ngân hàng lại dùng dòng tiền đó vào trong các lĩnh vực hoạt động riêng của họ; trong đó, có những doanh nghiệp bất động sản liên quan đến chủ tịch ngân hàng, thành viên hội đồng quản trị…
Ban đầu là cách thức vay và đầu tư để cho thuê lại tạo nên đường vòng cho dòng tín dụng.
Trong thời gian trước đây, lãnh đạo ngân hàng có công ty “sân sau” hoạt động trong lĩnh vực bất động sản - xây dựng, công ty này đến ngân hàng vay một số tiền rất lớn để xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê và được ngân hàng chấp thuận cho vay. Sau đó, ngân hàng lại ký hợp đồng thuê tòa nhà này làm trụ sở ngân hàng.
Đáng chú ý, hợp đồng thuê được ký trong vòng 20 năm và ngân hàng trả trước tiền thuê. Doanh nghiệp sẽ dùng số tiền trả trước này để trả nợ vay ngân hàng. Qua những bút toán như vậy, lãnh đạo ngân hàng có thể sở hữu khối tài sản rất lớn nhờ vào việc dùng tiền ngân hàng và thông qua công ty “sân sau”.
Đó là một trong những trường hợp mà lãnh đạo sở hữu ngân hàng tài trợ vốn cho công ty “sân sau” của mình được TS. Nguyễn Trí Hiếu, cựu cán bộ cấp cao hoạt động hơn 40 năm trong ngành ngân hàng chia sẻ với phóng viên.
Theo vị chuyên gia này, trường hợp trên không chỉ xảy ra ở một ngân hàng, mà vài chủ ngân hàng khác cũng làm tương tự. Họ đã làm giàu bằng cách dùng tiền khách hàng để tài trợ vốn cho “sân sau”.
Tuy nhiên, ngày nay, với các biện pháp giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, các lãnh đạo ngân hàng muốn tài trợ vốn cho “sân sau” có thể sẽ không dám làm lộ liễu như trên. Song, họ có “trăm phương ngàn cách” để tìm cách xóa dấu vết của dòng tiền thông qua nhiều thành phần tham dự vào chuỗi vận chuyển dòng tiền.
“Một trong những cách xóa dấu vết dòng tiền là sử dụng tiền mặt, nhưng cách này cũng có nhiều hạn chế. Ngày nay, việc doanh nghiệp “sân sau” phát hành trái phiếu và bán cho các ngân hàng là một trong những công cụ tài chính hữu hiệu cho những giao dịch loại này. Đây là một tệ nạn có thể mang đến nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính và cả nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trái phiếu doanh nghiệp - Kênh điều hướng mới của dòng tiền
Thực tế, vài năm gần đây, cùng với chính sách đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Đáng lưu ý, phần lớn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản được các ngân hàng, công ty chứng khoán mua lại và rủi ro cho vay đang bị che lấp.
Thống kê mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, trong năm 2021, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Trong số đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3%.
Hiện nay cách thức có phần được tổ chức chuyên nghiệp hơn khi doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu và được bán cho chính các ngân hàng.
Đáng chú ý, trong số trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu chiếm tới 54,2% lượng phát hành.
SSI cho rằng, con số thực tế có thể lớn hơn, vì có tới 10% trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo. Trong khi đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán là những nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.
Tại một hội thảo mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cũng bày tỏ lo ngại dòng tín dụng ngân hàng chảy vào các “sân sau” bất động sản thông qua hình thức mua trái phiếu doanh nghiệp.
“Con số các ngân hàng cho vay ở các tập đoàn “sân sau” lớn đến mức đáng báo động và chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức vẫn đúng theo Luật Các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Nghĩa bày tỏ lo ngại.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, bản thân ông đã có lần cảnh báo về tình trạng sở hữu chéo giữa các nhà đầu tư bất động sản và ngân hàng. Việc sở hữu chéo giữa các nhà đầu tư bất động sản và ngân hàng có thể dẫn đến việc có một số trường hợp được ngân hàng ưu tiên cho vay hoặc bằng một hình thức rót vốn nào đó. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc cho vay cũng như tạo sự mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Theo ông Thịnh, dù NHNN có quy định giới hạn cho vay vào bất động sản, tuy nhiên, nếu đó là chủ ngân hàng, thành viên hội đồng quản trị… thì họ sẽ có nhiều cách để cho doanh nghiệp “sân sau” được vay vốn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu và ngân hàng sẽ đứng ra mua. Đây cũng là một hình thức cho vay, song rủi ro cho vay đã bị che lấp.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận