Bộ Tài chính: Không nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao
Trước thực trạng trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển nóng đã khiến Bộ Tài chính đưa ra những khuyến nghị đối với các nhà đầu tư cần phải cân nhắc, thận trọng và không nên đầu tư chỉ vì trái phiếu đó lãi suất cao.
- Doanh nghiệp chạy đua phát hành trái phiếu để huy động vốn cho kế hoạch 2020
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần hành lang pháp lý để hạn chế lừa đảo
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại, 9 tháng năm 2019 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ Tài chính cho rằng, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đặt ra yêu cầu đối với các chủ thể tham gia vào thị trường này. Cụ thể, với doanh nghiệp phát hành cần tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật khi huy động vốn trái phiếu, công bố công khai thông tin về tình hình tài chính, mục đích huy động vốn từ phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải khi mua trái phiếu; với tổ chức cung cấp dịch vụ cần cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, tư vấn cho doanh nghiệp phát hành tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi phát hành trái phiếu.
Với đặc thù trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh, nên nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số rủi ro nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp phải là doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán; doanh nghiệp không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; doanh nghiệp không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...
Do đó, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phải nắm rõ các thông tin gồm: trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu; kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Thông lệ thị trường tài chính cho thấy trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro. Đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên tham gia đầu tư qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư an toàn, hiệu quả.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững Bộ Tài chính khuyến nghị doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư hiểu rõ và tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành, đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, hiểu rõ về đặc điểm của trái phiếu và các rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường quản lý giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận