Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm
Vừa qua, tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ 4 định hướng điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm.
- Ngân hàng Nhà nước "rung chuông" kiểm soát chặt tín dụng bất động sản
- Ngân hàng nhà nước: Cứng rắn xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cho vay các dự án BOT, BT
- 12.000 tỷ được Ngân hàng Nhà nước bơm thêm vào thị trường
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại hiện ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm 2022... Trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng. Từ tháng 3 - 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2%/năm.
Theo đó, giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu; giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giảm 0,5 - 1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Do đó, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022). Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế khoảng 12,32 triệu tỷ đồng (tính đến ngày 15/6) tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Theo đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng; tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản; cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng