2 kịch bản tăng trưởng cho quý IV và dự báo cả năm 2024
Tại buổi Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức”, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố 2 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong quý IV và dự kiến cả năm 2024.
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức”.
Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam, thảo luận, đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, nhận diện những vấn đề lớn đang tác động đến mục tiêu ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh năm 2024. Đồng thời, tọa đàm cũng đặt ra những kiến nghị về các chính sách thiết thực nhằm đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra cho năm nay và cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội, Khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024, Quốc hội sẽ xem xét tổng cộng 42 nội dung, bao gồm 30 nội dung liên quan đến công tác lập pháp và 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Do đó, báo cáo Kinh tế vĩ mô cùng với những kiến nghị chính sách được trình bày tại tọa đàm này được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách, qua đó đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với các nhu cầu cấp bách của nền kinh tế hiện nay.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã có cái nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024. Theo ông Nguyễn Quốc Việt, kết thúc quý III/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới cuối năm 2024 và năm 2025.
VEPR đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức tăng 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ. Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà phục hồi và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. “Cùng với đó, xuất nhập khẩu hàng hoá tăng nhanh hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD. Đây được đánh giá là mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020-2024” – TS Nguyễn Quốc Việt nêu.
Tuy nhiên, báo cáo của VEPR cũng cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn. Điểm sáng là thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo ra dư địa tài khóa lớn. Điều này mở ra cơ hội tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngành chịu ảnh hưởng từ bão Yagi.
Bên cạnh đó, thương mại ghi nhận những bước tiến tích cực, vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục, du lịch bùng nổ trở lại, và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm, thấp hơn nhiều so với mức trần của Ngân hàng Nhà nước.
Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình những năm trước đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các “cú sốc” và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều chỉnh.
Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, VEPR đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2024. Ở kịch bản cao, GDP quý IV dự kiến sẽ giữ đà tăng trưởng ở mức 7,4%, giúp cả năm đạt mục tiêu 7% như Chính phủ đề ra. Trong kịch bản thấp, GDP quý 4 có thể giảm xuống dưới 7%, và tăng trưởng cả năm sẽ dao động quanh mức 6,84%.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng