Hội chứng "điện thoại ma": Căn bệnh khó chữa của thời đại smartphone
Hội chứng "điện thoại ma" được ghi nhận đang hoành hành trong giới trẻ Mỹ thông qua một thống kê cho thấy 90% sinh viên được hỏi tại Mỹ thừa nhận mắc phải hội chứng này.
- AI biến đổi ngành công nghiệp smartphone như thế nào
- Chế độ ban đêm trên smartphone không tốt cho giấc ngủ?
- "Đường đua" pin - Cuộc đua mới của những những nhà sản xuất smartphone
Dĩ nhiên, tên gọi này không mang yếu tố ý nghĩa tâm linh như nhiều người hiểu lầm. Thực chất, đây là một cảm giác được tạo ra từ tâm lý người dùng điện thoại khi cảm thấy có tín hiệu rung và muốn mở ra kiểm tra xem có thông báo gì mới.
Thế nhưng, điều lạ kỳ nằm ở việc... chẳng có gì xảy ra cả, không cuộc gọi nhỡ, không tin nhắn mới, không gì hết, tất cả chỉ là một cảm giác sai lệch và hư ảo. Càng gặp hiện tượng này nhiều với tần suất cao hàng ngày, bạn càng mắc hội chứng "điện thoại ma" nặng hơn như một thói quen khó bỏ.
Tình trạng này vốn đã xảy ra từ lâu và có mặt trong đời sống của rất nhiều người trên thế giới, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra trong những năm cuối 8x tới giữa 9x. Họ là những người thuộc độ tuổi đi đầu khi làm quen và bị cuốn theo cuộc cách mạng bùng nổ của smartphone, với công nghệ tiện dụng len lỏi vào từng góc cạnh cuộc sống từ những thao tác nhỏ như lướt web cho tới việc dán mắt vào màn hình hiển thị mạng xã hội hàng ngày. Trong một cuộc khảo sát của CBS vào năm ngoái, có tới 90% học sinh sinh viên tại Mỹ thừa nhận mắc phải hội chứng này.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Tiến sỹ Robert Rosenberger từ Học viện Công nghệ Georgia đã có câu trả lời xác đáng nhất: Những thói quen học hỏi của cơ thể, tương tự như một dạng phản xạ.
"Thông qua thói quen dùng đồ công nghệ liên tục hàng ngày, chiếc điện thoại cá nhân của bạn như trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và dần dần hình thành một phản xạ sẵn sàng dành cho những tín hiệu rung lắc mỗi khi có cuộc gọi/tin nhắn mới đến. Dù vậy, nếu hiện tượng này trở nên quá quen thuộc và thường xuyên, cơ thể bạn đôi khi sẽ nhận biết nhầm một số cảm giác và cho đó là một thông báo mới của điện thoại," trích lời Rosenberger.
Tiến sỹ tâm lý học Randi Smith tại Đại học Denver cũng đồng tình: "Nó giống như một ảo giác. Chúng ta bị lệ thuộc vào tư tưởng lo sợ sẽ lỡ mất một thông báo hay tin nhắn mới. Với sự bùng nổ của các phương tiện mạng xã hội và liên lạc online, ai ai cũng muốn kịp thời phản hồi lại chúng nhanh nhất có thể, dần khiến việc đó trở nên ám ảnh sâu hơn."
Mặc dù hội chứng này không có hậu quả trực tiếp tới sức khỏe của người mắc phải, tuy nhiên đó lại là minh chứng cho thấy một vấn đề to lớn hơn, rằng chúng ta đang lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ, và ai biết được trong tương lai sẽ còn có thứ gì phát sinh thêm ngoài tầm kiểm soát nữa.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận