Thuỷ điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) tích nước khiến Miền Tây "nguy to"
Theo thông báo từ nhóm làm việc Lan Thương - Mê Kông về tài nguyên nước thì thuỷ điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ hạn chế dòng nước xả đúng vào thời điểm Đồng Bằng Sông Cửu Long được dự báo đối mặt với hạn hán và xâm mặn nghiêm trọng, điều này sẽ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
- Mực nước các hồ thuỷ điện thấp khiến cảnh báo "Thiên tai cấp 1"
- Mực nước hồ thuỷ điện Hoà Bình ở mức thấp nhất kể từ khi vận hành nhà máy
- EOR 2019: Năng lượng điện Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá và thuỷ điện
Đập thuỷ điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) bắt đầu vào thời kỳ tích nước.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) dẫn thông báo của nhóm làm việc hợp tác Lan Thương – Mê Kông về tài nguyên nước cho biết, sẽ có một số thay đổi dòng chảy do vận hành đập thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) của Trung Quốc diễn ra từ ngày 1/1 đến 4/1/2020.
Theo đó, lưu lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm từ 800 - 1.000 m3/giây vào các ngày từ 1/1 đến 3/1/2020 và thấp nhất trong ngày 4/1/2020 là 504 - 800 m3/giây, trước khi duy trì vận hành bình thường trở lại.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguồn nước mùa khô năm 2019 - 2020 về vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với trung bình nhiều năm và những năm gần đây.
Cụ thể, lưu lượng vào tháng 11 và 12/2019 chỉ đạt 3.488 đến 4.344 m3/giây, đó là chưa kể đến việc giảm xả nước từ thủy điện của Trung Quốc. Do ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng, lưu lượng nước bình quân tháng 1/2020 qua trạm Kratie (Campuchia) trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long giảm xuống còn 3.024 m3/giây.
Ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng sẽ về đến biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) bắt đầu từ ngày 22/1/2020 và ảnh hưởng tới các vùng ven biển kéo dài đến hết ngày 28/1/2020, ngay thời điểm của kỳ triều cường và chuẩn bị đón Tết Canh Tý 2020. Chính vì vậy, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng với đỉnh mặn vào đúng những ngày Tết cổ truyền.
Tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn ở miền Tây sẽ trở nên nguy cấp hơn báo giờ.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo, do việc giảm xả nước của thủy điện Cảnh Hồng nên khả năng xảy ra hạn mặn lịch sử như năm 2015-2016 là rất cao.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, các địa phương cần chủ động các giải pháp phòng, chống hạn mặn ngay từ bây giờ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo và gợi ý cần vận hành hợp lý các công trình, tăng khả năng lấy nước ngay khi có thể và hạn chế tiêu thoát nước…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), việc tích nước của đập Cảnh Hồng diễn ra vào đúng thời điểm hạn hán đang hoành hành ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Điều này sẽ khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020 - được dự báo là rất nghiêm trọng sẽ càng gay gắt hơn.
Để ứng phó với tình trạng trên, bảo vệ sản xuất nông nghiệp của vùng, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng, tìm mọi cách để trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm. Các địa phương cần thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn và thông tin cho người dân biết để kịp thời bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, khi nồng độ mặn dưới 0,5g/lít thì mới được tưới cho cây trồng, gồm cả cây lúa và cây ăn trái, dù ở bất cứ giai đoạn nào. Đối với vườn cây ăn trái, khi mặn vào trong các mương thì hết sức nguy hiểm, nông dân cần hết sức cẩn trọng trước khi tưới cho cây. Bởi nồng độ muối 0,5 - 1g/lít thì khi nếm sẽ không nhận biết được nhưng sẽ gây tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến cây trồng.
Các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo về nguồn nước tưới tiêu bị nhiễm mặn.
Với những hộ sản xuất cây giống thì nước mặn nồng độ 1g/lít nếu tưới sẽ gây chết toàn bộ, bài học này đã từng diễn ra tại Vĩnh Long, Bến Tre hồi năm 2015 – 2016. Do đó, ông Tùng đề nghị nông dân hết sức chú ý, thường xuyên theo dõi các thông báo về chất lượng nước trên các phương tiện thông tin trước khi tưới tiêu để đảm bảo an toàn.
Riêng cây lúa, ở những diện tích đã xuống giống, nông dân cần cân đối nguồn nước trong các kênh mương, cố gắng tích trữ nước tối đa để có thể đủ cung cấp cho ruộng của mình.
“Trong trường hợp nước mặn đến mức không thể tưới được nữa thì người dân nên để cây chịu hạn vài ngày, có thể vượt qua được chứ không đến nỗi chết vì nhiễm mặn” - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng khuyến cáo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận