Nỗi lo về COVID-19 gia tăng, chứng khoán châu Á vẫn chìm trong sắc đỏ
Nhiều thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong tiếp tục sụt giảm vào đầu phiên hôm nay (25/5). Trong khi Hàn Quốc và Việt Nam có dấu hiệu hồi phục thì thị trường Hong Kong tiếp tục “trượt dốc” và chạm đáy kể từ năm 2004.
- Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới: Khó vượt qua mức kháng cự do nCoV
- Covid-2019 đã làm đảo lộn mọi dự báo về sự khởi sắc của thị trường chứng khoán
- Chứng khoán châu Á đi ngược chiều nhau
Hình minh hoạ
Thị trường Hong Kong
Chỉ số Hang Seng gần chạm mức thấp nhất so với chỉ số MSCI thế giới kể từ năm 2004. Chỉ số thước đo của sàn chứng khoán Hong Kong đã giảm xuống mức thấp nhất so với CSI 300 kể từ 3 năm trước, bất chấp thương vụ bán tháo tại Mỹ vào hôm 24/2.
Bloomberg cho biết, chỉ số Hang Seng tăng 0,1% vào lúc 9h42 sáng 25/2, trong khi chỉ số CSI 300 giảm 0,7%.
Hong Kong đã phải đối mặt với một viễn cảnh ảm đạm trước khi dịch Covid-19 bùng phát sau khi trải qua nhiều tháng chìm trong bất ổn chính trị khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ngành du lịch của khu vực này đã bị tổn thất nghiêm trọng, doanh số bán lẻ sụt giảm cùng với nỗi lo từ dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc đại lục đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp tại đây.
Các nhà phân tích của Citigroup Inc. cho biết trong một nghiên cứu hôm 24/2 rằng cổ phiếu Hong Kong có khả năng tiếp tục lao dốc vào tháng 3. Theo chuyên gia, hoạt động bán lẻ, bất động sản và du lịch tại Hong Kong vẫn chưa thể phục hồi sau các cuộc biểu tình năm ngoái, song lại hứng chịu dịch bệnh bùng phát vào đầu năm nay. Do đó, mức tổn hại của chúng đến kinh tế Hong Kong trong năm 2020 vẫn chưa thể xác định được.
Trong khi đó, các chỉ số chính của thị trường Trung Quốc như Thượng Hải hay Thâm Quyến cũng lùi gần 1% so với tham chiếu.
Thị trường Hàn Quốc
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc diễn biến tích cực trong đầu phiên hôm nay khi tăng hơn 1% sau đà giảm mạnh phiên hôm qua khi nước này chứng kiến sự gia tăng số lượng ca nhiễm nCoV. Seoul đã nâng cảnh báo với dịch viêm phổi lên mức cao nhất sau khi trở thành quốc gia có nhiều trường hợp nhất bên ngoài Trung Quốc.
Niềm tin của người tiêu dùng Hàn Quốc đã giảm trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, theo Yonhap. Theo số liệu từ Ngân hàng Hàn Quốc, chỉ số tiêu dùng tổng hợp tháng 2 đã giảm 7,3 điểm so với tháng 1 xuống 96,9.
"Sự gia tăng nhanh các ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong quý I", Kim Mundy, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Commonwealth Australia, nhận xét. "Điều này cũng làm tăng nguy cơ gián đoạn kinh tế sẽ kéo dài hơn".
Thị trường Nhật Bản
Cổ phiếu trên thị trường Nhật Bản chứng kiến đà giảm mạnh vào sáng thứ ba (25/2) trước lo ngại về cú sốc kinh tế có thể xảy ra do dịch Covid-19 đang lan rộng ngoài Trung Quốc. Nikkei 225 giảm gần 4% khi mở cửa phiên hôm nay, trước khi thu hẹp mức lỗ còn 2,98%. Chỉ số Topix cũng giảm 2,8%.
Thị trường Việt Nam có dấu hiệu hồi phục
Trong phiên giao dịch sáng nay (25/2), lực bán tồn dư cuối phiên hôm qua đã lan sang phiên ATO, khiến chỉ số tiếp tục sụt giảm, mất gần 10 điểm, về quanh 893 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm.
Tạm dừng phiên giao dịch sáng, chỉ số VN-Index giảm 3,87 điểm (-0,43%), xuống 899,47 điểm; HNX-Index tăng 0,77 điểm (+0,74%), lên 104,95 điểm; UpCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 55,24 điểm.
Thị trường Malaysia
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Malaysia đang theo dõi sát sao tình trạng bất ổn chính trị. Thủ tướng Mahathir Mohamad bất ngờ từ chức ngày thứ hai, nhưng có thể được đồng ý ở lại với tư cách là nhà lãnh đạo lâm thời cho đến khi có người kế nhiệm. Sau thông tin này, chỉ số KLCI FTSE Bursa của Malaysia đã đóng cửa thấp hơn 2,69% vào thứ hai, nhưng tăng nhẹ trong đầu phiên hôm nay.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 2 năm qua giữa bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc nhảy vọt, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/2), chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 1.031,61 điểm (tương đương 3,56%) xuống 27.960,80 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 3,35% còn 3.225,89 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 3,71% xuống 9.221,28 điểm.
Đây là phiên giảm sâu nhất khi tính theo cả số điểm và tỉ lệ % của Dow Jones trong hai năm gần đây (từ tháng 2/2018). Cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng xóa sạch thành quả tăng điểm trong gần hai tháng qua và hiện ở dưới ngưỡng đầu năm 2020.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận