Cổng Dịch vụ công quốc gia được vận hành như thế nào sau 3 tháng
Sau 3 tháng quản lý, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đưa vào vận hành nhưng vẫn chưa được tích hợp đăng nhập một lần hoặc chưa đồng bộ đầy đủ hồ sơ thuộc thẩm quyền tiếp nhận theo quy định thậm chí còn có số lượng thấp.
- Thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia
- Cấp đổi GPLX quốc tế trên Cổng dịch vụ công quốc gia có thể chỉ mất 2 giờ
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cổng dịch vụ công quốc gia là cầu nối điện tử giữa Chính phủ và người dân
Sau 3 tháng quản lý, vận hành, tính đến 12h30 ngày 11/3, có trên 82 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 23,2 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ đầy đủ hồ sơ thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết theo quy định (gồm cả hồ sơ trực tuyến, trực tiếp và qua bưu chính), thậm chí có bộ, ngành, địa phương có số lượng rất thấp.
11 bộ ngành chưa tích hợp
Tính đến 11/3, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp đăng nhập một lần với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của 11/22 bộ, ngành; 62/63 địa phương; 3 tập đoàn, ngân hàng thương mại.
Có 17/22 bộ, ngành, 60/63 địa phương bố trí máy chủ bảo mật; 14/22 bộ, ngành, 63/63 địa phương đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ tra cứu, giám sát, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Các Bộ: VHTT&DL; Công an; Quốc phòng; Ngoại giao; Nội vụ; TT&TT; Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ chưa thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Như vậy, vẫn còn đến 11 bộ, ngành (gồm Tư pháp; VHTT&DL; TT&TT; Công an; Quốc phòng; Ngoại giao; Nội vụ; GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc, NHNN và Thanh tra Chính phủ) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chưa hoàn thành việc tích hợp đăng nhập một lần trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Còn 5/22 bộ, ngành (Ngoại giao; Nội vụ; VHTT&DL; Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ), 3 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Ninh Bình, Tuyên Quang) chưa bố trí máy chủ bảo mật.
Đáng chú ý là, mặc dù đã thực hiện đồng bộ trạng thái, song vẫn còn bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ đầy đủ hồ sơ thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết theo quy định (gồm cả hồ sơ trực tuyến, trực tiếp và qua bưu chính), thậm chí có nơi có số lượng rất thấp.
Tính từ đầu năm đến 11/3, tỉnh Ninh Thuận mới đồng bộ được 110/6.411 hồ sơ, Hà Giang đồng bộ 132/27.928 hồ sơ, Vĩnh Long đồng bộ 183/13.758 hồ sơ mà tỉnh tiếp nhận…
Nội dung đồng bộ của một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn có sai sót, chưa chính xác về địa chỉ cơ quan tiếp nhận theo mã số đơn vị, mã số hồ sơ chưa đúng theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP (về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính), hay hồ sơ chưa gắn đúng mã thủ tục hành chính, như: Tỉnh Thái Nguyên có 116.845/119.830 hồ sơ chưa gắn mã định danh cơ quan tiếp nhận; Đồng Nai có 31.245/31.954 hồ sơ sai mã hồ sơ; Bình Phước có 5.274/12.060 hồ sơ sai mã thủ tục hành chính…
Một số địa phương (tỉnh Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ sai mã thủ tục hành chính và mã hồ sơ lớn là do Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử đã được xây dựng từ trước khi Nghị định số 61/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nên cần có thời gian để hoàn chỉnh, đồng bộ.
Lý giải điều này, Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Nghị định số 61 quy định mã hồ sơ thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính duy nhất của một hồ sơ trên toàn quốc phục vụ việc tra cứu; đồng thời, bảo đảm việc tích hợp thông suốt thông tin giữa các hệ thống thông tin trên toàn quốc.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tuân thủ đúng quy định tại Nghị định, hoàn chỉnh Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Văn phòng Chính phủ đã thiết lập các nhóm hỗ trợ trực tuyến đối với từng bộ, ngành, tỉnh, thành phố.
Tích hợp 161 dịch vụ công ở mức độ 3, 4
Tính từ thời điểm khai trương (mới chỉ đưa vào triển khai 8 nhóm dịch vụ công), đến nay, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 161 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Trong đó, lĩnh vực công thương có 132 dịch vụ, điện lực 9 dịch vụ; tài chính 7 dịch vụ; giao thông vận tải, xây dựng và tư pháp cùng có 2 dịch vụ. Các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, công an, khoa học công nghệ, y tế, kế hoạch đầu tư, nông nghiệp, lao động có 1 dịch vụ.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đưa vào vận hành hệ thống thanh toán trực tuyến để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công.
Hiện nay, đã thực hiện tích hợp để nộp phí, lệ phí dịch vụ hành chính công tại An Giang; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận); thực hiện nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế môn bài trực tuyến trên toàn quốc.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, tổng số hồ sơ trực tuyến đã được thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia là 13.681 hồ sơ, trong đó có 2 dịch vụ công có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn được thực hiện tại đây là thông báo hoạt động khuyến mại (9.246 hồ sơ) và đổi giấy phép lái xe (gần 3.000 hồ sơ).
Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, số hồ sơ thực hiện thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại đã được xử lý trực tuyến là 6.407 hồ sơ, chiếm 69,3%.
Điều đó cho thấy, những dịch vụ công này đã được tái cấu trúc quy trình để tạo thuận lợi nhiều hơn so với cách giải quyết trước đây (cho phép lựa chọn đổi giấy phép lái xe ở nơi sinh sống, học tập, làm việc; cho phép giải quyết một lúc hồ sơ chương trình khuyến mại tại nhiều địa phương ở mức độ 4).
Tuy tình trạng từ chối hồ sơ ký số hay yêu cầu bổ sung hồ sơ không rõ lý do (như tỉnh Sóc Trăng có 5 hồ sơ thông báo hoạt động khuyến mại yêu cầu bổ sung hồ sơ nhưng không nêu lý do) đã giảm, nhưng việc chậm xử lý kỹ thuật đường truyền, nhất là các vấn đề liên quan đến máy chủ bảo mật của bộ, địa phương nên vẫn còn xảy ra tình trạng có thời điểm việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến đến các bộ, địa phương còn chưa thông suốt.
Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm để thực hiện tiếp nhận, xử lý các hồ sơ trực tuyến nên đến nay vẫn có tình trạng hồ sơ chưa hoặc chậm được giải quyết.
Đơn cử, còn 2.839 hồ sơ thông báo hoạt động khuyến mại chưa được xử lý, trong đó nhiều nhất là Sở Công Thương tỉnh Bình Dương với 174 hồ sơ, kế đến là Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi 146 hồ sơ. Sở Công Thương các tỉnh Tây Ninh, Phú Yên, Bạc Liêu cùng có 144 hồ sơ, Sở Công Thương Hà Nội có 142 hồ sơ.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn hóa, công khai 6.956 thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trong đó cắt giảm, bãi bỏ 544 thủ tục hành chính hết hiệu lực, trùng lặp so với trước; xây dựng, chuẩn hóa, cập nhật hơn 10.000 câu hỏi và trả lời các vướng mắc thường gặp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Song, việc công bố, công khai thủ tục hành chính của một số bộ, ngành còn chậm nên ảnh hưởng đến việc địa phương hóa, công bố, công khai của địa phương không kịp thời theo đúng quy định.
Một số tính năng của phần mềm cập nhật, quản lý dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính cần tiếp tục hoàn thiện để thân thiện, thuận lợi hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận