Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cổng dịch vụ công quốc gia là cầu nối điện tử giữa Chính phủ và người dân
Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương với mong muốn tạo cầu nối điện tử "thực chất, liên tục và hiệu quả" giữa Chính phủ với người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
- TP HCM sẽ tích hợp hoàn toàn trên Cổng dịch vụ công quốc gia vào cuối năm 2020
- Cuối năm nay, 100% dịch vụ công của Hà Nội được cung cấp trực tuyến mức 3, 4
- Chủ tịch Hà Nội: Chọn Nhật Cường xây dựng phần mềm dịch vụ công vì... không ai làm!
Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có thư ngỏ gửi đến cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp về việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trong thư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ: Ngày 9/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia với mong muốn tạo một cầu nối điện tử “thực chất, liên tục, hiệu quả” kết nối Chính phủ với người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính trong tất cả các ngành, lĩnh vực, tại tất cả các địa phương.
Tại thời điểm khai trương, Cổng Dịch vụ công Quốc gia tập trung tích hợp 8 dịch vụ công, trong đó người dân có thể thực hiện 5 dịch vụ là: Đổi giấy phép lái xe; cấp giấy phép lái xe quốc tế; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do hỏng, mất.
Doanh nghiệp có thể thực hiện 6 dịch vụ là: Thông báo hoạt động khuyến mại; đăng ký hoạt động khuyến mại; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do hỏng, mất; nhóm cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (19 thủ tục hành chính).
Trong quý I năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tăng thêm 15 dịch vụ công liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, doanh nghiệp và tiếp tục gia tăng theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong thư ngỏ, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, để Cổng Dịch vụ công Quốc gia vận hành thông suốt, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, rất cần sự chung tay không chỉ của các cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mà quan trọng hơn là sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng, cũng là người trực tiếp sử dụng hệ thống.
"Do vậy, tôi viết thư này trân trọng đề nghị mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp quan tâm, tạo tài khoản và sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia - kênh giao tiếp chủ yếu trong các giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức cung ứng dịch vụ công để được hưởng những quyền, lợi ích, các tiện ích do Cổng Dịch vụ công Quốc gia mang lại" Bộ trưởng Mai Tiến Dũng viết.
"Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của Quý vị để cùng các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống Cổng dịch vụ công ngày một tốt hơn phục vụ người dân và doanh nghiệp", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận