Xu hướng việc làm tương lai: Công nghệ dẫn đầu, nhưng vẫn cần kỹ năng " độc quyền" từ Người lao động
Thị trường lao động trong thập kỷ mới 2020 đòi hỏi nhân sự có kỹ năng về công nghệ thông tin, xu thế là vậy và không thể khác được. nhưng người lao động vẫn phải có những kỹ năng “độc quyền” của người lao động mới có thể thích nghi tốt với các yêu cầu của thời đại mới.
- Lo lắng robot lấy mất việc làm, nay lại đến ‘người nhân tạo’
- Công nghệ in 3D - Định hình xu hướng xây dựng trong tương lai
- Xã hội loài người đang dần định hình bởi những xu hướng công nghệ nào?
Ảnh: Shutterstock
Học gì để sau này lương cao?
Số liệu mới nhất do Bộ Giáo dục Mỹ công bố ngày 20/11/2019 cho thấy sự tương quan đặc biệt giữa thu nhập và nơi học, ngành học. Đầu tiên, cơ quan này ghi nhận chỉ cử nhân tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng mới có thể hưởng mức thu nhập cao sau một năm tốt nghiệp. Trong khi đó, thu nhập giữa sinh viên tốt nghiệp từ các đại học tương đối tốt và các trường bình thường lại không khác là bao.
Thu nhập của cử nhân từ các trường đào tạo hàng đầu cũng tiếp tục phân nhánh dựa trên ngành học. Cụ thể, người học các ngành toán và khoa học máy tính thường kiếm được nhiều tiền hơn hẳn.
Đại học Pennsylvania là điển hình khi cử nhân của các ngành định lượng (khoa học dữ liệu, toán học ứng dụng, thống kê) tại đây có mức thu nhập trung vị hằng năm lên đến 135.000 USD sau khi tốt nghiệp, trong khi thu nhập của cử nhân ngành sinh học chỉ bằng 1/3.
Công bố trên của Bộ Giáo dục Mỹ đang phản ánh sự chuyển dịch rõ nét trong xu hướng việc làm những năm gần đây và trong tương lai: sự trỗi dậy của việc làm trong các ngành công nghệ cao.
Theo báo cáo của mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, các mảng trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học robot (robotic science) và khoa học dữ liệu (data science) đang đứng đầu về cơ hội việc làm. Đặc biệt, LinkedIn chỉ ra rằng người lao động có kiến thức về AI được săn đón nhiều nhất ở gần như khắp mọi nơi.
Ví dụ như ở Mỹ, LinkedIn ghi nhận vị trí chuyên gia về AI có tốc độ tăng 74% trong suốt 4 năm qua. Đây là điều không mấy khó hiểu khi rất nhiều công việc mới xuất hiện thời gian gần đây đều dính dáng tới AI, điển hình như mảng kiến thức này được ứng dụng cả trong các công việc về an ninh mạng hay khoa học.
Những kỹ năng “rất người”
Hồi năm 2018, quỹ từ thiện giáo dục Varkey Foundation nghiên cứu ghi nhận ý kiến về 14 nghề nghiệp điển hình tại 35 quốc gia trên thế giới. Tại mỗi nước, Varkey Foundation yêu cầu 1.000 người xếp hạng những nghề này theo mức kính trọng từ cao (hạng 1) xuống thấp (hạng 14).
Trong một bài viết hồi tháng 1/2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dẫn lại kết quả khảo sát này (xem bảng) và cho rằng trong tương lai, khi robot và các thuật toán thay con người làm nhiều việc, các thứ hạng trên danh sách này có thể sẽ khác.
Trên thực tế, báo cáo về Tương lai nghề nghiệp - Future of Jobs do WEF công bố vào tháng 9/2018 ước tính 75 triệu việc làm hiện nay sẽ biến mất trước năm 2022 do sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người, máy móc và thuật toán.
Tuy nhiên, việc làm mất đi cũng sinh ra nhiều công việc mới và đòi hỏi những kỹ năng mới. Báo cáo của WEF cho biết khoảng 133 triệu việc làm mới sẽ ra đời, với những vị trí được tuyển dụng nhiều nhất sẽ bao gồm chuyên gia AI, phân tích dữ liệu lớn (big data), an ninh thông tin, robot, lập trình viên phần mềm và ứng dụng di động, chuyên gia về thương mại điện tử và mạng xã hội.
Thế nhưng WEF cũng nhấn mạnh bên cạnh công nghệ, nhu cầu nhân sự trong một số công việc khác thiên về làm việc cùng con người hoặc các vị trí cần phát huy các đặc tính, kỹ năng chỉ con người mới có được cũng sẽ tăng cao.
Chẳng hạn các vị trí về dịch vụ khách hàng, kinh doanh, marketing, đào tạo và phát triển hay các ngành đòi hỏi tìm hiểu về văn hóa và con người, phát triển tổ chức và quản lý sáng tạo...
Với nhu cầu tuyển dụng mới, đòi hỏi về mặt kỹ năng đối với người lao động cũng thay đổi. Phát triển công nghệ khiến các kỹ năng như tư duy phân tích, khả năng chủ động học hỏi và thiết kế kỹ thuật dần được chú trọng hơn. Tuy nhiên, đòi hỏi về hiểu biết công nghệ chỉ là một phần, các kỹ năng làm việc với con người không chỉ giữ nguyên giá trị mà còn buộc phải được nâng tầm.
Các nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm các cá nhân sáng tạo, độc đáo, chủ động, có tư duy phản biện, giỏi thuyết phục và đàm phán. Các nét tính cách tỉ mỉ, bền bỉ, linh hoạt và khả năng giải quyết công việc hiệu quả cũng được đánh giá cao. Cuối cùng, danh sách kỹ năng sẽ không thể hoàn tất nếu thiếu trí tuệ cảm xúc, khả năng lãnh đạo, truyền cảm hứng cũng như tinh thần làm dịch vụ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận