Hệ thống ngân hàng cùng doanh nghiệp chống "giặc dịch COVID-19"
Để giảm thiểu những rủi ro mà dich COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với cộng đồng doanh nghiệp cần được những biện pháp đồng hành từ hệ thống ngân hàng đảm bảo hồi phục sản xuất cũng như khôi phục kinh tế.
- Việt Nam đủ năng lực chống dịch COVID-19 khi từng chữa khỏi 16 ca nhiễm SARS-CoV-2
- Bí thư Vương Đình Huệ: Quan trọng nhất là minh bạch thông tin trong phòng dịch COVID-19
- Bộ LĐTB&XH tạm dừng cấp giấy phép cho lao động nước ngoài từ vùng có dịch COVID-19
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung hoãn, giãn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí cho các doanh nghiệp, tiếp tục cho vay mới tạo điều kiện vượt qua khó khăn. Các ngân hàng thương mại nhà nước chủ đạo nhưng các ngân hàng TMCP cũng phải có trách nhiệm phối hợp triển khai đồng bộ.
Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn.
Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó, thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 (Thông tư 01).
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong, ông Nguyễn Hưng cho biết, trước khi có Thông tư 01, ngân hàng đã chủ động xem xét danh mục khách hàng, sau đó tham gia ý kiến đóng góp, có biện pháp cụ thể hỗ trợ khách hàng.
"Trong danh mục khách hàng phân tích có khoảng 20% khách hàng bị ảnh hưởng nặng, 40% khách hàng còn lại ảnh hưởng tương đối, 40% khách hàng khác ít bị ảnh hưởng, 13% không bị ảnh hưởng (hàng tiêu dùng, thiết yếu…)" ông Hưng thông tin thêm.
Do đó, khi thực hiện Thông tư 01 có thuận lợi là tạo điều kiện khách hàng giảm bớt áp lực tài chính khi không có doanh thu trong thời gian này như với các ngành hàng không, du lịch, khách sạn…
Từ khi Thông tư 01 có hiệu lực đến nay, Ngân hàng TMCP Tiên Phong dự kiến trong tháng 3 xem xét giãn nợ khoảng 200 khách hàng với dư nợ 1.500 tỷ đồng. Tổng số khách hàng bị ảnh hưởng khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng/tổng dư nợ.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội, bà Ninh Thị Lan Phương cũng cho biết, ngay sau khi có dịch bệnh SHB đã có một số giải pháp như: những dịch vụ chuyển tiền thì giảm 30-50%, đối với khách gửi tiền online thì cộng thêm lãi suất 0,4-0,5%, đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm và cho vay cá nhân thì sẽ tặng gói bảo hiểm COVID-19. Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội cũng rà soát các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng bởi COVID-19 để đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), khi NHNN triển khai các chỉ đạo tới các tổ chức tín dụng; trong đó các ngân hàng TMCP vào cuộc một cách quyết liệt. Một số ngân hàng đã ban hành quy định nội bộ Thông tư 01 như: Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP HCM, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội…
Điều đó cho thấy, sau khi tham gia góp ý, các ngân hàng thương mại đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, qua đó tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng kịp thời.
Thời gian tới, các ngân hàng theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay do ảnh hưởng của dịch.
Để thực hiện tốt Thông tư 01, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại cần hành động quyết liệt triển khai trong toàn hệ thống từ hội sở chính đến từng chi nhánh, quán triệt đến Giám đốc chi nhánh bằng các hình thức tuyên truyền khác nhau, chỉ đạo hướng dẫn để cả hệ thống cùng vào cuộc.
Các ngân hàng chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với hoạt động của từng ngân hàng, không có kịch bản chung. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung đánh giá thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, khách hàng vay vốn, đánh giá khó khăn của mình trong hiện tại, ngắn hạn và trung hạn.
Trong các nội dung đánh giá, cập nhật tình hình, số liệu và báo cáo kịp thời về đơn vị chức năng NHNN nắm được, để có phương án hỗ trợ, xử lý; chú trọng lĩnh vực nóng, lĩnh vực ưu tiên đến xuất khẩu, sản xuất, lưu thông đặc biệt là những đối tượng liên quan đến hàng hoá thiết yếu hiện nay.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận