Chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng gỡ bỏ 32 ứng dụng tự động thu phí trên iOS
Các chuyên gia của hãng nghiên cứu bảo mật Sophos Labs (Anh) vừa công bố danh sách 32 ứng dụng trên nền tảng iOS mà người dùng nên gỡ bỏ khỏi thiết bị của mình ngay lập tức (trong trường hợp họ đã cài đặt các ứng dụng này từ trước đó) hoặc không nên cài đặt lên thiết bị của mình.
- 5 thứ bạn không thể làm trên iOS nhưng Android thì vô tư
- Cách sử dụng công cụ định dạng văn bản mới của ứng dụng Mail trên iOS 13
- Apple bồi thường 500 triệu USD vì làm chậm iPhone cũ
Lý do được các chuyên gia bảo mật đưa ra đó là, các ứng dụng này sẽ được cung cấp dưới dạng “miễn phí” trên kho ứng dụng App Store, tuy nhiên, trên thực tế, các ứng dụng này chỉ cho phép dùng thử trong thời gian từ 3 đến 7 ngày và sau khoảng thời gian dùng thử đó, các ứng dụng sẽ tự động thu phí của người dùng với mức phí cao một cách bất thường.
Một vài ứng dụng sẽ thu phí 9 USD/tuần hoặc 30 USD/tháng, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các ứng dụng sẽ thu phí người dùng theo năm với mức phí lên đến 360 USD hoặc 468 USD.
Khi người dùng hiểu lầm rằng các ứng dụng này là miễn phí và cài đặt lên thiết bị của mình, trong lần đầu tiên sử dụng, ứng dụng sẽ thông báo về thời gian dùng thử miễn phí và sau đó yêu cầu người dùng điền thông tin thẻ tín dụng để thanh toán hoặc yêu cầu người dùng đăng ký để kích hoạt các tính năng cao cấp hơn. Trong một vài trường hợp, người dùng sẽ khai báo thông tin mà không đọc kỹ các điều khoản và ứng dụng sẽ tự động thu phí sau khi kết thúc thời gian dùng thử, với một mức phí rất cao.
Dưới đây là danh sách 32 ứng dụng iOS mà người dùng nên gỡ bỏ khỏi thiết bị của mình ngay lập tức: Seer App: Face, Horoscope, Palm; Selfie Art – Photo Editor; Palmistry Decoder; Lucky Life – Future Seer; Life Palmistry – AI Palm & Tag; Picsjoy-Cartoon Effect Editor; Aging seer – Faceapp, Horoscope; Face Aging Scan-AI Age Camera; Face Reader – Horoscope Secret; Horoscope Secret; CIAO – Live Video Chat; Astro Time & Daily Horoscope; Video Recorder / Reaction; Crazy Helium Funny Face Editor; Banuba: Face Filters & Effects; QR Code Reader – Scanner; QR Code Reader & Barcode PRO; Max Volume Booster; Face Reading – Horoscope 2020; Forecast Master 2019; mSpy Lite Phone Family Tracker; Fortunescope: Palm Reader 2019; Zodiac Master Plus – Palm Scan; WonderKey-Cartoon Avatar Maker; Avatar Creator – Cartoon Emoji; iMoji – Cartoon Avatar Emojis; Life Insight - Palm & Animal Face; Curiosity Lab-Fun Encyclopedia; Quick Art: 1-Tap Photo Editor; Astroline astrology, horoscope; Celeb Twin - Who you look like; My Replica - Celebrity Like Me.
Các chuyên gia của Sophos cũng nhấn mạnh rằng, việc gỡ bỏ ứng dụng ra khỏi thiết bị không đồng nghĩa với việc hủy bỏ đăng ký với ứng dụng đó, người dùng vẫn có thể bị mất phí mua ứng dụng sau khi đã gỡ bỏ. Nếu đã từng cài đặt một trong các ứng dụng này lên thiết bị của mình, ngoài việc gỡ bỏ chúng, người dùng cần phải hủy đăng ký sử dụng các ứng dụng này. Để làm điều này, người dùng iOS truy cập vào mục cài đặt trên thiết bị, nhấn vào mục “Apple ID” ở trên cùng, sau đó chọn “Subscriptions” từ giao diện hiện ra.
Tại đây, người dùng có thể quản lý việc thanh toán cho các ứng dụng đã cài đặt trên thiết bị bằng việc chọn “Cancel Subscription” cho một trong các ứng dụng ở danh sách kể trên hoặc hủy bỏ thanh toán cho bất kỳ ứng dụng khả nghi nào mà người dùng không sử dụng đến trên thiết bị. Trong trường hợp không tìm thấy một trong các ứng dụng ở trên trong danh sách này có nghĩa là thanh toán đã được hủy bỏ từ trước và không được gia hạn thêm.
Các chuyên gia bảo mật cũng khuyên người dùng nên đọc kỹ đánh giá về ứng dụng trên App Store (với iOS) hoặc Google Play Store (với Android) trước khi quyết định cài đặt một ứng dụng nào đó ít được biết đến. Ngoài ra, người dùng cũng nên đọc kỹ các điều khoản trước khi quyết định khai báo thông tin thẻ tín dụng và đăng ký để sử dụng các ứng dụng ít tên tuổi.
Theo An toàn Thông tin
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận